22/05/2019 06:15
Mùa mưa năm 2018, mặc dù chính quyền huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương chủ động xây dựng các phương án phòng chống bão lũ, nhưng do diễn biến bất thường của thời tiết, mưa kéo dài đã gây thiệt hại khá nặng về hạ tầng kỹ thuật xã hội và sản xuất của địa phương, ước khoảng hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, đợt mưa lũ vào trung tuần tháng 8/2018 làm 6 căn nhà tại 4 xã Tê Xăng, Đăk Hà, Đăk Rơ Ông, Tu Mơ Rông bị sạt lở, vùi lấp; làm 9 công trình thủy lợi trên địa bàn bị hư hỏng, bồi lấp đập đầu mối, bể tuyến kênh; làm 6 cầu treo, 2 cầu tràn bị sạt lở, cuốn trôi, xói mố chân cầu; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, liên xã, đường đi các khu sản xuất ở các xã bị sạt lở, hư hỏng nặng và làm một số trụ sở công trình ở xã, huyện, trường học bị lún, nứt, sạt lở.
Ngoài ra, mưa lũ làm thiệt hại hơn 14ha cây trồng các loại ở 9 xã và làm 154 con trâu, bò trên địa bàn bị chết...; gần 200 hộ ở 3 xã Tu Mơ Rông, Đăk Rơ Ông và Tê Xăng phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn hơn.
Năm 2019, để chủ động ứng phó với thiên tai, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng phương án chi tiết nhằm giảm thấp nhất thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
UBND huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo các xã, đơn vị tiến hành rà soát các khu vực xung yếu, những công trình trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng để có phương án chủ động phòng chống hiệu quả.
Qua rà soát, huyện Tu Mơ Rông xác định trên địa bàn có 35 công trình giao thông có nguy cơ ảnh hưởng lũ quét và sạt lở đất (trong đó có 14 công trình có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ quét, 21 công trình nguy cơ sạt lở đất); 34 công trình thủy lợi có nguy cơ vỡ đập; 29 điểm dân cư có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ quét; 12 điểm trường học có nguy cơ sạt lở đất; 10 trụ sở cơ quan có nguy cơ sạt lở và 10 khu sản xuất của người dân có nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất...
Trước tình hình đó, huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo UBND các xã cùng mặt trận và các đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, để nhân dân nắm được các biện pháp phòng, chống lũ bão và có những giải pháp khắc phục; trong đó chú trọng đến việc gia cố mái lợp nhà ở để hạn chế gió lốc làm bay mái. Đồng thời, huyện xây dựng kế hoạch di dời dân và chuẩn bị phương tiện để di dời khi có hiện tượng lũ quét, sạt lở đất xảy ra đối với một số điểm có nguy cơ bị sạt lở, nhất là ở những nơi có độ dốc lớn trong trường hợp có mưa bão kéo dài.
Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, các xã chuẩn bị vật tư, dụng cụ cần thiết, dự phòng phục vụ cho việc phòng chống kịp thời khi có bão lũ xảy ra. Đồng thời, làm tốt công tác theo dõi các bản tin thời tiết, nhận định tình hình mưa lũ từng tuần, tháng nhằm chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn; thực hiện nghiêm phương án phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai năm 2019 đã được phê duyệt.
|
Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cùng với việc chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng phương án phòng chống chi tiết theo phương châm “4 tại chỗ”, UBND huyện Tu Mơ Rông yêu cầu các xã và đơn vị quản lý đường xác định những điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, cắm biển cảnh báo; tổ chức lực lượng theo dõi, trực 24/24h, sẵn sàng các phương án ứng cứu khi có mưa lũ xảy ra.
Ông Vương Văn Mười cho biết thêm, đối với những điểm có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị thường xuyên bố trí lực lượng xung kích xã, cùng với công nhân các đơn vị quản lý đường ứng trực 24/24h tại công trình; tiến hành cắm biển cảnh báo, hướng dẫn phân luồng xe lưu thông, kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại khi có lũ quét, sạt lở đất xảy ra. Khi có sự cố xảy ra, sẽ huy động vật tư, nhân lực của Công ty quản lý đường, kết hợp với lực lượng tại chỗ triển khai khắc phục sự cố để đảm bảo cho người, phương tiện lưu thông trong thời gian sớm nhất. Riêng đối với hệ thống cầu treo, huyện đã cho cắm biển báo, biển cảnh báo để người dân biết, đề phòng, đảm bảo an toàn cho việc đi lại.
Tìm hiểu thực tế công tác phòng chống thiên tai tại xã Tê Xăng, chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương có sự chuẩn bị chu đáo, tất cả trên tinh thần sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Xã Tê Xăng đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công, phân nhiệm rõ từng thành viên trong Ban Chỉ huy; có kế hoạch chuẩn bị vật tư dự phòng, huy động nhân lực tại chỗ sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, xã Tê Xăng có phương án huy động nhân lực tiến hành sơ tán các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao ở thôn Tu Thó, Tân Ba, Đăk Viên đến khu vực an toàn...
Ông A Hành - Chủ tịch UBND xã Tê Xăng cho biết: Để ứng phó với thiên tai, xã chủ động lập các phương án phòng, chống lũ, bão theo phương châm “chủ động phòng tránh, nhanh chóng khắc phục hậu quả, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống”. Cùng với đó, chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng xung kích là đội ngũ thanh niên tại thôn trực 24/24h, luôn sẵn sàng ứng phó, giúp đỡ người dân khi có sự cố xảy ra nhằm di dời, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Hy vọng, với các biện pháp chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão năm 2019 của chính quyền huyện Tu Mơ Rông sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân...
Văn Phương