30/05/2019 13:05
Tu Mơ Rông là huyện vùng sâu, nằm trên dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ, được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều dòng suối, thác nước và những cánh rừng vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp nguyên sơ, khí hậu quanh năm mát mẻ. Chính sự ưu đãi của thiên nhiên đã tạo ra sự phong phú các loại động, thực vật quý hiếm. Đặc biệt, nơi đây là thủ phủ của loại dược liệu quý “Quốc bảo - Sâm Ngọc Linh”.
Tu Mơ Rông là quê hương giàu truyền thống cách mạng. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, đây là vùng căn cứ cách mạng; người dân Tu Mơ Rông một lòng kiên trung theo Đảng, theo Bác Hồ, đóng góp sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Hiện nay, Tu Mơ Rông còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, những chứng tích trong các cuộc kháng chiến...
Tu Mơ Rông là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng (chiếm hơn 95% dân số của huyện) chân chất, mộc mạc, thân thiện. Nhiều nét văn hóa được bà con gìn giữ, bảo tồn. Những ngôi nhà rông truyền thống cao vút, những ngôi nhà sàn mang đậm bản sắc của người Xơ Đăng đang hiện hữu giữa các ngôi làng vùng sâu.
Hiện nay, trong cộng đồng đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông còn lưu giữ khoảng 108 bộ cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ dân tộc như klông put, ting ning, cùng các làn điệu dân ca...
Nhiều thôn làng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông duy trì đội múa xoang, cồng chiêng để sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và các lễ hội truyền thống của người Xơ Đăng. Nhiều lễ hội được bà con đồng bào nơi đây gìn giữ như lễ hội bắc máng nước, lễ làm cổng làng, lễ mừng nhà rông…
Ngành Văn hóa Tu Mơ Rông đã tích cực tham mưu chính quyền các cấp phục dựng 200 bộ trang phục truyền thống của người Xơ Đăng; hàng năm tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc, trình diễn trang phục, biểu diễn nhạc cụ, đàn hát dân ca, dân vũ và các môn thể thao dân tộc...
Bà con đồng bào Xơ Đăng nơi đây duy trì sản xuất lúa nước trên các sườn đồi tạo thành những thửa ruộng bậc thang đẹp, xanh mướt vào mùa trổ bông, vàng óng vào mùa lúa chín.
Hiện nay, người dân ở Tu Mơ Rông đang phát triển mạnh diện tích sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác không chỉ để phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững mà còn dần hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Chính những đặc điểm trên là cơ sở và là điều kiện thuận lợi để Tu Mơ Rông phát triển du lịch sinh thái kết hợp khám phá nét đẹp văn hóa, lịch sử của địa phương.
Năm 2018, huyện Tu Mơ Rông bố trí hơn 517 triệu đồng cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng kết hợp với khu du lịch sinh thái xã Măng Ri, sửa chữa khu di tích lịch sử căn cứ Tỉnh ủy thuộc địa bàn xã Măng Ri.
Năm 2019, huyện Tu Mơ Rông tiếp tục bố trí gần 500 triệu đồng để thực hiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với di tích lịch sử cách mạng tại xã Măng Ri và du lịch sinh thái thác đa tầng Đăk Chum II, tại xã Tu Mơ Rông.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 20/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm, đột phá trong năm 2019 để thực hiện, huyện Tu Mơ Rông xác định nhiều lĩnh vực, trong đó nội dung gắn việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử và tham quan vườn sâm… là một trong những giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện.
Đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã tiến hành xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại làng Pu Tá gắn với di tích lịch sử cách mạng Khu căn cứ Tỉnh ủy tại xã Măng Ri và điểm du lịch sinh thái thác đa tầng tại xã Tu Mơ Rông; đã giới thiệu tour du lịch chinh phục đỉnh Ngọc Linh gắn với tham quan vườn sâm Ngọc Linh; đồng thời, chỉ đạo các xã xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng.
|
|
Ông A Rin Ka - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trong thời gian tới, UBND huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo các ngành chức năng tập trung đầu tư và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác các điểm du lịch gắn với phát triển các cây dược liệu trên địa bàn huyện. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển các loại dược liệu, hình thành các sản phẩm mang tính đặc trưng của huyện để vừa phát triển kinh tế vừa thúc đẩy phát triển du lịch.
Trong chương trình phát triển du lịch, huyện Tu Mơ Rông xác định xã Măng Ri làm điểm du lịch trung tâm. Bởi xã có diện tích rừng tự nhiên giáp ranh với khu bảo tồn Ngọc Linh, có sản phẩm sâm Ngọc Linh nổi tiếng; có Khu căn cứ Tỉnh ủy trong những năm kháng chiến. Ở Măng Ri có những thôn làng người Xơ Đăng vẫn còn có những ngôi nhà mang đậm những nét kiến trúc truyền thống... Xã còn có gần 200ha ruộng bậc thang, khi đến đây vào những ngày cuối tháng 10, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những thảm lúa chín vàng rực tạo nên khung cảnh nên thơ, hữu tình…
Ông Nguyễn Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết: Được xác định là trung tâm tour du lịch của huyện, địa phương đang triển khai các giải pháp để thu hút khách du lịch như tích cực vận động người dân các thôn làng, nhất là làng du lịch cộng đồng Pu Tá khôi phục các nghề truyền thống, vệ sinh môi trường sạch sẽ, sửa chữa nhà sàn truyền thống để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đến Măng Ri sẽ có 3 loại hình du lịch chính để khách lựa chọn trải nghiệm, gồm: du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch cộng đồng, sản phẩm nghề truyền thống; du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và du lịch nông nghiệp.
Tương tự như Măng Ri, Ngọc Lây cũng là địa phương được huyện Tu Mơ Rông xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm nông nghiệp. Ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết: Để phát triển du lịch, chính quyền địa phương đang định hướng phát triển thương mại dịch vụ với du lịch để quảng bá thương hiệu và buôn bán các sản phẩm dược liệu trên địa bàn. Hiện nay, xã Ngọc Lây đang mở các tour du lịch văn hóa cộng đồng, tham quan các làng đồng bào dân tộc tại chỗ gắn với giới thiệu các sản phẩm dược liệu trên địa bàn; đang tiến hành xây dựng các khu nhà nghỉ dưỡng, du lịch homestay tại các làng gắn với sinh hoạt văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để bảo tồn bản sắc văn hóa của người Xơ Đăng…
Huyện Tu Mơ Rông kỳ vọng, việc phát triển du lịch gắn với các sản phẩm dược liệu, sản phẩm nông nghiệp và bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng của người Xơ Đăng sẽ giúp Tu Mơ Rông ngày càng khởi sắc.
Phúc Nguyên