Tu Mơ Rông: Nỗ lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

02/10/2020 13:02

Sau gần 1 tháng đưa sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình phổ thông mới vào giảng dạy, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) huyện Tu Mơ Rông đã nỗ lực để giúp các em học sinh lớp 1 làm quen và tiếp thu được kiến thức từ chương trình mới.

Ông An Văn Sáu – Trưởng Phòng GD - ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết: Tất cả các trường tiểu học trên địa bàn huyện đều lựa chọn bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” để áp dụng vào chương trình giảng dạy.

Do giá sách khá cao (179.000đ/bộ) khiến các bậc phụ huynh nơi vùng sâu, vùng xa này gặp không ít khó khăn khi mua sách cho con em mình. Để đảm bảo tất cả các em đều có sách giáo khoa lớp 1 mới, ngành GD-ĐT huyện chỉ đạo các trường kịp thời chi tiền cho học sinh thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ để học sinh mua sách giáo khoa. Đối với các em không thuộc diện này, UBND huyện hỗ trợ cho mỗi em một bộ sách. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT huyện còn vận động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh hỗ trợ vở cho học sinh các trường tiểu học, THCS nằm trong vùng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện (mỗi học sinh 7 quyển vở).

Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, trước khi bước vào năm học mới, toàn huyện cử 80 giáo viên tham gia tập huấn giảng dạy chương trình lớp 1 mới, phần nào đáp ứng được yêu cầu 1,5 giáo viên/lớp như Bộ GD-ĐT đề ra. Bên cạnh đó, để đảm bảo thực hiện quy định mới của Bộ GD-ĐT, mỗi lớp phải có phòng học riêng, không được quá 35 học sinh/lớp và có đồ dùng trang thiết bị tối thiểu, Phòng GD-ĐT huyện đã tu sửa, nâng cấp các phòng học xuống cấp và xây dựng nhiều công trình mới với kinh phí gần 7 tỷ đồng. Đối với các trang thiết bị giảng dạy tối thiểu như bộ thiết bị dạy chữ và số, bộ thiết bị dạy phép tính, tranh bộ mẫu chữ tập viết… sẽ được Phòng GD-ĐT chuyển đến các trường vào đầu tháng 10.

Ngành GD-ĐT Tu Mơ Rông nỗ lực thực hiện chương trình phổ thông mới. Ảnh: V.T

 

Thực hiện chương trình giáo dục mới, ngành GD-ĐT huyện hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn như: chương trình lớp 1 mới có môn tự chọn là Tin học và Tiếng Anh. Ông An Văn Sáu cho biết, số lượng giáo viên Tiếng Anh tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện còn quá ít. Nếu lựa chọn môn học này, các trường chỉ có thể sắp xếp dạy một vài tiết để các em làm quen với môn học. Đối với Tin học, cơ sở vật chất ở các trường còn hạn chế, mỗi trường có 1 phòng máy vi tính, các tiết học Tin đều dành cho các lớp 3, 4, 5 nên cũng không thể đáp ứng đủ số tiết để dạy Tin học cho lớp 1. Không những thế, hầu hết các trường đều chưa có thiết bị giảng dạy theo phương thức trình chiếu slide nên các tranh ảnh điện tử, các đoạn video… vẫn chưa được áp dụng, điều này gây ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả tiếp thu bài học của các em.

Để tìm hiểu rõ hơn sự nỗ lực thích nghi với chương trình lớp 1 mới của các trường học trên địa bàn Tu Mơ Rông, chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Đăk Hà (xã Đăk Hà). Hiệu trưởng Hồ Thị Thùy Vân chia sẻ, để đáp ứng quy định dưới 35 em/lớp, trường đã phải lấy phòng làm việc của cán bộ giáo viên có diện tích lớn hơn thành phòng học, tận dụng những phòng nhỏ hơn thành phòng làm việc. Về cơ bản, trường vẫn đáp ứng đủ số lượng giáo viên đứng lớp (1,5 giáo viên/lớp), dạy 9 buổi/tuần và đảm bảo được 3 tiết hoạt động trải nghiệm trong tuần. Thứ 4 hằng tuần trường sẽ tổ chức họp để các giáo viên trao đổi những khó khăn và giải đáp thắc mắc trong triển khai chương trình phổ thông mới.

Cô Thái Thị Kim Tuyền – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A cho biết: Tôi thấy, chương trình sách giáo khoa mới có điểm hay là ít chữ hơn, thêm nhiều hình ảnh sinh động hơn nên dễ thu hút sự chú ý của các em. Tuy nhiên các em tiếp thu kiến thức còn chậm, buộc giáo viên phải giảng nhiều hơn, thời gian 35 phút một tiết học thường không đủ để kèm cặp từng em. Hơn nữa, sự tương tác giữa phụ huynh – học sinh – giáo viên còn rất ít nên các em không ôn lại bài khi về nhà.

Đối với Trường Tiểu học Đăk Tờ Kan, khó khăn lớn nhất mà giáo viên nơi đây gặp phải là việc duy trì chuyên cần. “Vì học 2 buổi/ngày, nhưng trường không có bán trú nên học sinh thường nghỉ buổi chiều, đặc biệt là các em lớp 1. Chính vì thế, nhà trường phải luôn vận động, nhắc nhở phụ huynh cho con em đi học đầy đủ, không bỏ buổi học để kịp kiến thức” - cô Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Cũng theo cô Tuyến, bộ sách mới tuy có nội dung rất hay và bổ ích, song khó để triển khai tại vùng sâu, vùng xa bởi điều kiện còn hạn chế. Trong khi đợi trang thiết bị dạy học mới được chuyển về, nhà trường đã tận dụng các trang thiết bị cũ, lấy bìa carton để cắt thành các bộ chữ cái, số, các hình ảnh… để giúp các em hiểu bài và nhớ lâu hơn.

Sau một thời gian thực hiện chương trình phổ thông mới, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song ngành GD&ĐT Tu Mơ Rông vẫn từng ngày nỗ lực “gieo chữ” để giúp các em học sinh lớp 1 nói riêng và các em học sinh các cấp nói chung tiếp tục theo đuổi giấc mơ “con chữ”. Hy vọng, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT sẽ trang bị, bổ sung về nhân lực, cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học… để các giáo viên cũng như các em học sinh được học tập và làm việc trong môi trường thuận lợi.             

Văn Tùng

Chuyên mục khác