Tu Mơ Rông: Nỗ lực duy trì sĩ số học sinh vùng DTTS

11/05/2024 06:04

Là một huyện nghèo, khó khăn, đa số học sinh là người DTTS Xơ Đăng, vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông xác định việc duy trì học sinh ra lớp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy Lê Văn Hoàng- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông cho biết: Tu Mơ Rông là huyện nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên bà con cũng chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con cái. Do đó, tỷ lệ học sinh chuyên cần là nỗi lo của những người thầy, người cô nơi đây. Vì vậy, thầy cô phải tìm mọi cách kéo học trò ra lớp; từ tuyên truyền vận động đến tặng áo mưa, bánh kẹo hay kêu gọi quyên góp ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và thậm chí, giáo viên nơi đây còn tự nguyện góp tiền, nấu cơm để giữ chân học trò.

Giáo viên ở vùng sâu Tu Mơ Rông luôn tận tâm với công việc. Ảnh: P.N

 

Câu chuyện giáo viên tự nấu cơm giữ chân học trò đã được thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Đăk Hà triển khai từ mấy năm nay nhằm trì sĩ số của học sinh. Trường có hơn 710 học sinh, đa số các em là người Xơ Đăng, nhưng trong đó, chỉ có hơn 400 em có chế độ bán trú, số còn lại không có chế độ bán trú. Trong khi đó, trường có 3 điểm cách xa trung tâm là Đăk Pờ Trang, Kon Linh và Ty Tu; trong đó, điểm trường thôn Ty Tu cách trung tâm xã khoảng 3km. Điểm này có hơn học sinh lớp 1-2 không có chế độ bán trú nên sáng đi học đến trưa các em lại về nhà. Nhà cách trường mấy quả đồi, chẳng ai nấu ăn và nhắc nhở nên đa số chiều các em không đến lớp. Vì vậy, tỷ lệ chuyên cần giảm, đồng nghĩa với chất lượng giáo dục thấp. Thực tế này khiến cô Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng nhà trường và các thầy cô lo lắng, trăn trở.

Không muốn tương lai các em dừng lại ở cánh rừng, cô Vân và giáo viên bàn nhau đóng góp tiền nấu cơm nuôi học trò. Thế là từ năm 2021 thầy, cô trích tiền túi nấu cơm trưa để các em ăn rồi nghỉ lại trường. Ít lâu sau, phụ huynh cũng chung tay đóng góp củi và rau củ…nhưng kinh phí vẫn còn hạn hẹp nên bữa ăn cũng chẳng đủ đầy.

Tuy nhiên, thời gian sau, “tiếng lành đồn xa”, biết được việc làm ý nghĩa của thầy cô nhiều nhà hảo tâm từ khắp nơi tìm đến đóng góp hỗ trợ thêm tiền, nhu yếu phẩm nhằm cải thiện bữa ăn cho các em đảm bảo dinh dưỡng hơn.

“Nếu không duy trì bữa ăn bán trú có lẽ các em chẳng chịu ra lớp. Bởi học sinh ở điểm trường Ty Tu sinh sống tại 3 làng Kon Ling, Đăk Pơ Trang và Ty Tu xa trường khoảng 3km. Từ ngày bữa ăn được tổ chức, học sinh ít vắng học, tỷ lệ duy trì sĩ số cũng tốt hơn và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên”- cô Vân tâm sự.   

Chính quyền địa phương vận động người dân quan tâm đưa con em đi học thường xuyên. Ảnh: PN

 

Không chỉ đội ngũ giáo viên trực tiếp đến tận thôn làng vận động, các thành viên trong Ban giám hiệu tại các trường trên địa bàn huyện cũng luôn bám thôn, bám làng gặp gỡ già làng, thôn trưởng để cùng họ xuống tận nhà nắm bắt tình hình và vận động gia đình đưa con em đến trường đầy đủ. Đây cũng là giải pháp mà trong suốt những năm qua, các trường học trên địa bàn triển khai thực hiện để duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Xã Đăk Rơ Ông cũng là một xã vùng khó của huyện Tu Mơ Rông với gần 100% dân số là đồng bào DTTS Xơ Đăng. Đời sống bà con ở đây khó khăn, quanh năm gắn bó với rẫy nên họ chưa dành nhiều sự quan tâm cho việc học của con em mình. Từ đó, việc học sinh vắng học vẫn thường diễn ra. Chính vì vậy, bên cạnh công việc chuyên môn, các thầy cô giáo có thêm nhiệm vụ là đi gõ cửa từng nhà để tìm cách thuyết phục những học sinh nghỉ học đến trường.

Thầy Bùi Văn Na-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đăk Rơ Ông cho hay: Ngoài giáo viên thường xuyên đến tận thôn làng, nhà dân để vận động học sinh đến trường thì ban giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên cắt cử nhau đến thôn làng, nắm tình hình, tìm hiểu thực tế đời sống của các trường hợp hay nghỉ học để tuyên truyền, vận động gia đình quan tâm, tạo điều kiện để các em đến trường. Nhờ đó mà tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh luôn đạt trên 98%.

Tương tự, thầy Lê Anh Sơn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Tơ Kan chia sẻ: Các em thường xuyên vắng học, nhất vào dịp lễ hội hay những ngày mùa. Vì vậy, nhà trường phải thường xuyên chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm cùng với các giáo viên khác xuống dưới các thôn, làng gặp gỡ thôn trưởng, bí thư chi bộ, người có uy tín, phụ huynh học sinh để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thông qua đó, để phụ huynh nhận thức được việc học của con em mình, từ đó cho con em ra lớp học tập đầy đủ.

Những năm qua, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và cùng với sự tận tâm, tận tình của đội  ngũ giáo viên nên tỷ lệ duy trì sĩ số các cấp học trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông luôn được đảm bảo với hơn 95%.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác