Tu Mơ Rông: Người dân bị dụ dỗ đi xuất khẩu lao động trái quy định

15/11/2017 05:19

​Cùng thời điểm “mất tích” đột ngột của Y Ben và Y Leo, còn có Y Hmel ở thôn Đăk Prong, xã Đăk Tờ Kan. Sau gần một tháng rời địa phương, ngày 7/11, Y Hmel bất ngờ trở về. Tuy nhiên, chị có biểu hiện lo lắng, không dám tiếp xúc với người lạ...

Từ tháng 5 đến nay, cuộc sống của không ít gia đình vùng sâu huyện Tu Mơ Rông bị xáo trộn, khi liên tiếp có những người tự xưng là cán bộ của Công ty Tư vấn xuất khẩu lao động đến nhà dụ dỗ, tặng quà, tổ chức tiệc tùng... Sau đó, nhóm người này tư vấn tuyển lao động nữ đi làm việc ở Ả rập Xê út với mức lương vài chục triệu đồng/tháng và đưa lao động ra khỏi địa phương, dù người thân không đồng ý. Sau vài tháng lao động rời khỏi nhà mà không có thông tin chính xác đang ở đâu, làm gì và có được an toàn hay không, gia đình các lao động mới đến chính quyền các cấp báo cáo.

“Mất tích” giữa ban ngày

Tiếp phóng viên trong ngôi nhà tranh vách nứa, anh A Brái (thôn Đăk Giá, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông) vẫn không tin người vợ Y Ben đã “mất tích” giữa trưa 10/10/2017 đến tận hôm nay.  

Anh A Brái (người ngồi bên phải) cầm đơn trình bày vợ Y Ben bị mất tích đến nay chưa rõ thông tin. Ảnh: M.T

 

Theo lời kể của anh Brái, trước đó 1 tuần, có Y H. cháu của Y Đ. là cán bộ phụ nữ trong thôn Đăk Giá cứ đến nhà thủ thỉ, giới thiệu với Y Ben đi lao động có thời hạn ở Ả rập Xê út với mức lương cao chục triệu, do Công ty Colecto tuyển dụng.

Theo lời của anh Brái, nếu Y Ben đồng ý đi làm việc ở nước ngoài thì gọi điện thoại cho Y H. đăng ký cùng làm hợp đồng luôn. Nghe vợ nói như thế, anh đã không đồng ý cho vợ đi đâu cả.

Brái nêu lý do không cho vợ đi xuất khẩu lao động: Tôi bị khuyết tật ở chân bẩm sinh, đi lại rất khó khăn, không khuân vác nặng được, chủ yếu nhờ vợ. Hơn nữa, Y Ben không biết đọc, biết viết, không hiểu pháp luật..., bố mẹ hai gia đình cũng không đồng ý việc đi làm ở nước ngoài của Ben.

Thế nhưng, theo A Brái, sáng 10/10, vợ ca thán là đang bị ốm, không đi rẫy để ở nhà nằm nghỉ. Tôi không nghi ngờ gì, nên đã đi rẫy một mình đến chiều mới về nhà. Buổi tối không thấy vợ về ăn cơm, tôi đi tìm khắp thôn, nhưng không thấy. Tôi nhờ người quen trong làng điện thoại cho Y H. - người đã giới thiệu cho Y Ben đi lao động nước ngoài mới biết, buổi trưa 10/10, ô tô của chị Bắc - cán bộ Công ty Colecto Chi nhánh Thanh Hóa đã đến đón Y Ben và Y Leo (một phụ nữ khác ở làng Đăk Giá - PV) đưa đi tỉnh Thanh Hóa để học tiếng nước ngoài, chuẩn bị đi giúp việc nhà ở Ả rập Xê út.

Cùng thời điểm “mất tích” đột ngột của Y Ben và Y Leo, còn có Y Hmel ở thôn Đăk Prong, xã Đăk Tờ Kan. Điều đặc biệt, sau gần một tháng không có mặt địa phương, thì ngày 7/11, Y Hmel bất ngờ trở về. Tuy nhiên, chị có biểu hiện lo lắng, không dám tiếp xúc với người lạ.

Nhiều ngày được người thân vận động, Y Hmel mới chia sẻ với phóng viên Báo Kon Tum, biết hoàn cảnh của chị thuộc hộ nghèo, Y D. - cán bộ phụ nữ thôn Đăk Prong cùng A.Tr - đang công tác tại Trường Trung cấp Nghề Kon Tum tự xưng là cộng tác viên của một công ty hoạt động xuất khẩu lao động giới thiệu chị đi làm việc ở Ả rập Xê út.   

Chị Hmel nói: YD. nói tôi cứ đi trước với người của công ty tư vấn lao động ra Thanh Hóa học tiếng nước ngoài, vài ngày sau YD. cũng sẽ đi và gặp nhau chỗ học việc mới để cùng ra nước ngoài làm việc. Gần 2 tuần ra tới Thanh Hóa, tôi biết mình được Công ty Colecto đưa đi, nhưng vẫn không thấy YD. ra theo. Tôi thấy bất an, muốn về lại Kon Tum, nên đã nêu lý do ở nhà đang bị Tòa án kêu về xử lý vụ việc liên quan pháp luật. Lúc này, YD. mới gọi điện thoại cho tôi nói, anh A.Tr yêu cầu Y Hmel phải trả 6 triệu đã chi phí cho việc đi lại ăn ở thời gian qua, phía công ty này mới cho người về. Tôi buộc phải liên lạc với gia đình ở thôn Đăk Prong vay mượn 6 triệu đưa cho YD. Vài ngày sau, tôi mới được cho về nhà.

Qua trao đổi, Y Hmel xác nhận, ở Thanh Hóa chị có được đào tạo việc làm việc nhà, chuẩn bị đi xuất khẩu lao động sang Ả rập Xê út. Ở chung ngoài Thanh Hóa, còn có chị Y Ben, Y Leo ở xã Đăk Sao. Chị nói thêm: Nghe mấy đứa ở chung phòng với Y Ben nói, nó khóc nhiều lắm, không chịu ăn uống gì, đòi về lại làng vì nhớ con. Nhưng phía công ty không cho về. Nó không có điện thoại, nên không liên lạc với người thân được.

Chính quyền, ngành chức năng sớm xử lý

Trước thông tin phản ánh về việc lao động nữ có dấu hiệu bị dụ dỗ, đưa ra khỏi địa phương đi xuất khẩu lao động không đúng quy định, phóng viên đã làm việc với lãnh đạo các địa phương liên quan.

Ông Nguyễn Thuận Hóa - Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan thông tin, tháng 10 vừa qua, xã đã cử cán bộ về thôn Đăk Prong xác minh, nhân dân phản ánh lợi dụng ngày nghỉ của cơ quan quản lý nhà nước vào thứ Bảy và Chủ nhật, ông A Tr. là cán bộ Trường Trung cấp Nghề Kon Tum đã tự xưng là cộng tác viên của một công ty tư vấn xuất khẩu lao động vào thôn lén lút tư vấn, tổ chức ăn nhậu với bà con trong thôn, rồi đưa 3 lao động nữ đi khỏi địa bàn. Người thân không biết các lao động đi đâu, nên đã báo cáo chính quyền địa phương vào cuộc.

Ông Hóa cho biết thêm, sau khi nhân dân phản ánh, UBND xã đã có báo cáo số 30 ngày 17/10/2017, gửi về huyện Tu Mơ Rông, trong đó nêu rõ “Nhân dân thôn Đăk Prong phản ánh về việc Công ty Colecto Thanh Hóa không được Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho phép hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn đi làm việc nước ngoài (Ả rập Xê út). Tuy nhiên, cán bộ của công ty này vẫn đến nhà dân, đưa 3 lao động nữ ra khỏi địa bàn xã (trong đó có Y Hmel) đến nay không có thông tin gì. Đơn vị Colecto Thanh Hóa cũng không có bất kỳ báo cáo tình hình tuyển dụng các lao động này, cũng như phối hợp với chính quyền xã hoàn tất các thủ tục hợp đồng tuyển dụng, làm hộ chiếu cho lao động đi làm việc ở Ả rập Xê út”.

Đối với vụ việc của Y Ben - vợ anh A Brái thôn Đăk Giá, ông Nguyễn Văn Bền - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Sao khẳng định, ông đã ký báo cáo số 77 ngày 16/10/2017, cũng gửi về UBND huyện Tu Mơ Rông xin ý kiến giải quyết vụ việc Y Ben, Y Leo bị bà Bắc - cán bộ của Công ty Colecto Thanh Hóa chưa có giấy phép hoạt động, nhưng tự ý cử cán bộ đưa lao động đi khỏi địa bàn xã, đến tỉnh Thanh Hóa đào tạo công việc.

Liên quan đến các phản ánh của người dân về cán bộ tên Bắc là trực tiếp  đưa lao động nữ ra khỏi địa bàn, phóng viên Báo Kon Tum đã liên hệ với ông Trịnh Xuân Năm - Phó Giám đốc Văn phòng đại diện Công ty CP Colecto Chi nhánh Thanh Hóa (thuộc Công ty Colecto.JSC). Ông Năm xác nhận, bà Lê Thị Bắc là cán bộ làm công tác tuyển dụng trực thuộc đơn vị này quản lý. Ông Năm cũng nói, bản thân mới nghe phía huyện Tu Mơ Rông thông tin việc cán bộ trực thuộc tư vấn, tuyển lao động ra khỏi tỉnh Kon Tum không có báo cáo UBND các cấp, ngành chức năng. Hiện tại, Ban giám đốc đang cử cán bộ xác minh vụ việc liên quan.

Đối với phản ánh ở xã Đăk Tờ Kan về ông A Tr. (cán bộ Trường Trung cấp Nghề Kon Tum) - là cộng tác viên của một công ty đã tư vấn tuyển lao động đi nước ngoài chưa đúng quy định, bà Trần Thị Kim Anh - Phó Hiệu trưởng đơn vị cho hay, đang xử lý, tạm dừng công tác của cá nhân ông Tr. Lý do, gần đây, cơ quan nhận được đơn trình báo về việc ông Tr. giới thiệu đối tượng đi xuất khẩu lao động chưa đúng quy định. Ông Tr. đã viết bản tường trình, trong đó có nội dung tự nhận trường hợp bà Y Hmel ở Đăk Tờ Kan là họ hàng với ông Tr nhờ giới thiệu đi xuất khẩu lao động. Ông Tr. đã giới thiệu bà Hmel cho một công ty hoạt động trong lĩnh vực này, với điều kiện sau khi lao động xuất cảnh nước ngoài sẽ phải trả cho ông Tr. 2 triệu đồng chi phí xăng xe, điện thoại…

Ông Trần Văn Thiện - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định, tháng 12/2016, đơn vị có Công văn số 2061 về việc cho phép Công ty Colecto tuyển dụng xuất khẩu lao động có thời hạn theo hợp đồng, tại các huyện trong tỉnh Kon Tum, nhưng trừ 2 huyện nghèo Tu Mơ Rông và Kon Plông. Nguyên nhân năm 2012 đến nay, doanh nghiệp này chưa giải quyết xong hợp đồng các khoản nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để xuất khẩu lao động trước đó.

Ông Thiện cũng nêu, Sở đã nhận được báo cáo của UBND các xã và huyện Tu Mơ Rông phản ánh Công ty Colecto chi nhánh Thanh Hóa vào hoạt động trên địa bàn khi không có giấy phép của ngành chức năng. Sở rất quan tâm vấn đề này và đang chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền, lực lượng công an các cấp ở huyện Tu Mơ Rông tiến hành làm việc với các gia đình, xác minh, điều tra rõ các sai phạm của cá nhân liên quan “tay trong, tay ngoài” dụ dỗ, lôi kéo chị em phụ nữ đi lao động có dấu hiệu không đúng trình, thủ tục theo quy định. Trên cơ sở đó, đơn vị sẽ có báo cáo UBND tỉnh, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Mai Trâm 

Chuyên mục khác