Tu Mơ Rông: Hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế

22/10/2023 07:56

Vận động, hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội Nông dân huyện Tu Mơ Rông triển khai trong những năm qua.

Trò chuyện với chúng tôi, ông An Văn Sáu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tu Mơ Rông nhẩm tính: Hộ A Đáo và A Thoát tại xã Ngọc Yêu, hộ Y Mép xã Tê Xăng, hộ A Nhi xã Đăk Hà là những gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững những năm gần đây. Tất cả đều nhờ cà phê xứ lạnh. Xuất phát từ Nghị quyết của Huyện ủy, Hội Nông dân huyện đã triển khai đến 11 cơ sở hội và 86 chi hội trên địa bàn, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng mô hình trồng cà phê xứ lạnh; cung cấp kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cà phê xứ lạnh cho hội viên.

Cà phê xứ lạnh cho năng suất cao, khả năng chịu hạn và kháng bệnh tốt. Loại cây này cho năng suất bình quân khoảng 9 tấn tươi/ha. Với giá bán dao động từ 6.000 đồng - 9.000 đồng/kg, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 50 triệu đồng/ha. Từ năng suất ổn định, cây cà phê xứ lạnh đã góp phần phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ gia đình hội viên nông dân trên địa bàn huyện có cuộc sống ổn định.

Hội viên, nông dân trồng và phát triển cây dược liệu. Ảnh: T.T

 

Để hỗ trợ hội viên phát triển cây trồng này, Huyện hội đã mở nhiều lớp tập huấn kĩ thuật trồng cho hội viên, nông dân. Qua đó diện tích cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông luôn tăng theo hàng năm. Hiện tại toàn huyện có 592ha cà phê xứ lạnh của 2.649 hộ tại 9 xã.

Việc trồng và mở rộng diện tích cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông càng được đẩy mạnh, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 1228-KL/TU ngày 23/6/2023 về chủ trương khôi phục và phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu là phát triển cây cà phê xứ lạnh/cà phê chè (coffee arabica) trên địa bàn các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông theo hướng hiện đại, bền vững, hình thành chuỗi giá trị, gắn với thương hiệu “Cà phê xứ lạnh Kon Tum”, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình và tổ chức tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Theo đó, Hội Nông dân huyện Tu Mơ Rông cùng các đơn vị liên quan đã và đang xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch phát triển cây cà phê xứ lạnh phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương.

Bên cạnh cây cà phê xứ lạnh, việc khuyến khích xây dựng các mô hình trồng và phát triển dược liệu luôn được các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông tích cực triển khai đến hội viên.

Trồng, canh tác cây cà phê xứ lạnh. Ảnh: TT

 

Toàn huyện Tu Mơ Rông có 2.937,64ha trồng dược liệu, trong đó có sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng trồng dược liệu tập trung, như: Vùng trồng sâm Ngọc Linh tại xã Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri và đang mở rộng ra các xã trên địa bàn huyện; vùng trồng sâm dây; vùng trồng sơn tra.

Theo định hướng của địa phương, Hội Nông dân huyện đã triển khai đến các tổ chức hội vận động hội viên phát triển dược liệu theo hướng cánh đồng lớn; thực hiện tốt các chính sách nhằm khuyến khích phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo nguồn lực phát triển vùng dược liệu trên địa bàn huyện. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 30 hợp tác xã và 52 tổ hợp tác (tăng 8 hợp tác xã so với thời điểm năm 2021) hoạt động ở lĩnh vực này.

Qua các công tác tuyên truyền, vận động của Huyện hội và các tổ chức hội nông dân trên địa bàn huyện, nhận thức, kiến thức của hội viên nông dân nâng lên rõ rệt. Hội viên, nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, diện tích rừng và đất lâm nghiệp để trồng dược liệu. Hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ông An Văn Sáu cho biết: Trong nhiệm kỳ mới (2023 – 2028), Hội Nông dân huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về tận dụng những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, các tổ chức hội trên địa bàn triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh về nguồn vốn, cây giống và công nghệ trong khai thác cà phê xứ lạnh và dược liệu. Qua đó, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân có nguồn thu nhập ổn định, phát huy vai trò của người nông dân trong xây dựng địa phương ngày càng phát triển.    

Từ năm 2021 đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã có 18 sản phẩm liên quan đến dược liệu được chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 đến 4 sao cấp tỉnh.      

Tất Thành

Chuyên mục khác