07/10/2017 17:58
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, từ đầu mùa mưa, huyện đã chỉ đạo UBND các xã cùng mặt trận và các đoàn thể xã vận động, tuyên truyền để nhân dân nắm được các biện pháp phòng, chống lũ bão và có những giải pháp khắc phục.
Huyện cũng đã chỉ đạo các phòng ban chức năng phối hợp với các xã khảo sát, xác định các điểm xung yếu, khu dân cư có nguy cơ sạt lở, xây dựng kế hoạch chi tiết phương án ứng phó, sơ tán dân và tổ chức lực lượng, vật tư, phương tiện theo dõi, trực 24/24h, sẵn sàng các phương án ứng cứu khi có mưa lũ xảy ra…
|
Qua rà soát, toàn huyện có 57 điểm, công trình có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai; 26 khu dân cư có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét; 2 điểm trường có nguy cơ lũ quét và 15 điểm trường có nguy cơ sạt lở đất; 11 khu sản xuất của người dân có nguy cơ bị ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; 7 trụ sở các cơ quan, đơn vị có nguy cơ sạt lở...
Một trong những khu vực trọng yếu được huyện xác định phải sơ tán khi có bão lớn, mưa kéo dài là các khu tái định cư làng Kon Chai, Mô Bành 2 (xã Đăk Na), điểm định canh thôn Kô Xia 1, thôn Đăk Kinh II, thôn Tu Bung, thôn Lộc Bông (xã Ngọc Lây); khu vực nhà ở 13 hộ thôn Đăk Viên (dọc tỉnh lộ 672), 3 hộ thôn Đăk Sông, 3 hộ thôn Tân Ba và 6 hộ thôn Tu Thó (xã Tê Xăng); thôn Long Hy, Long Láy (xã Măng Ri); khu vực nhà ở của 6 hộ dân thôn Tu Mơ Rông (dọc quốc lộ 40B), 5 hộ dân ở thôn Đăk Chum 2 và 1 hộ dân ở thôn Long Leo (xã Tu Mơ Rông); khu vực nhà ở khu dân cư 10 thôn Kon Hia 1 (dọc tỉnh lộ 678) và 20 hộ thôn Kon Hia 3 (xã Đăk Rơ Ông); làng cũ khu dân cư thôn Tam Rin, Ba Tu 3 (xã Ngọc Yêu); khu tái định cư mới thôn Mô Pả (xã Đăk Hà); khu dân cư thôn Long Tro (xã Văn Xuôi).
Ngoài ra, một số tuyến đường như quốc lộ 40B, tỉnh lộ 672, tỉnh lộ 678, đường tránh đèo Măng Rơi và một số đường liên xã, liên thôn, đường đến khu sản xuất...cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất nếu mưa bão kéo dài...
Đối với những điểm nói trên, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, các xã thường xuyên bố trí lực lượng xung kích, cùng với công nhân các đơn vị quản lý đường ứng trực 24/24h tại công trình và cắm biển cảnh báo, hướng dẫn phân luồng xe lưu thông, kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại khi có lũ quét, sạt lở đất xảy ra và khi thấy không an toàn.
Cùng với đó, huyện đã chuẩn bị hơn 1.000 rọ đá, 25 nhà bạt, gần 300 áo phao, hơn 214 phao tròn, hơn 23 tấn gạo, hơn 80 tấn lúa và một số nhu yếu phẩm khác; đồng thời lập kế hoạch huy động hàng nghìn thanh niên, dân quân tự vệ, công an, lực lượng y tế và cán bộ giáo viên để sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra…
Mới đây, đồng chí Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã kiểm tra công tác phòng chống bão lũ năm 2017 trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Tại buổi làm việc với huyện, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu huyện cần làm tốt hơn nữa công tác phòng chống bão lũ, chủ động trước mọi tình huống khi có thiên tai xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của cho người dân; tích cực bám địa bàn, tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai; chủ động tìm kiếm mặt bằng, làm công tác vận động, di dời một số hộ dân ở làm Tam Rin cũ chưa về nơi ở mới; tiếp tục rà soát và có biện pháp gia cố, tu sửa cầu treo dân sinh, công trình trọng điểm, các hồ đập thủy lợi để phục vụ đi lại cho người dân và cảnh báo cho người dân biết, cảnh giác khi không an toàn…
Với sự chủ động trên của huyện, tin rằng, mùa mưa bão năm nay trên địa bàn huyện sẽ được bảo đảm an toàn và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng của người dân…
Văn Phương