Tu Mơ Rông: Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ

07/09/2018 13:10

​Chúng tôi có mặt tại làng Đăk Ptrang, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông sau những ngày mưa lũ xảy ra liên miên trong tháng 8 vừa qua để nắm bắt tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân nơi đây. Hỏi thăm sức khỏe người dân sau bão lũ vừa qua, ai ai cũng biết ơn sự quan tâm của ngành Y tế huyện đối với công tác phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân.

Con đường vào thôn Đăk Ptrang gập ghềnh và dốc đứng. Thế nhưng, với hơn 10 năm làm công tác y tế dự phòng ở vùng rừng núi này, anh Trần Văn Chiến - cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh tật của Trung tâm Y tế huyện vẫn vững vàng tay lái chở chúng tôi kèm theo một máy phun thuốc diệt muỗi cột ở phía sau.

Vừa đi, anh Chiến vừa tâm sự: Nhờ làm tốt công tác dự phòng, nên trong ba năm trở lại đây, trên địa bàn huyện không xảy ra một loại bệnh dịch nào. Đặc biệt sau những ngày mưa lũ vừa qua, 100% cán bộ của Khoa Kiểm soát bệnh tật đều xuống cơ sở túc trực hướng dẫn nhân dân phòng, chống bệnh tật, nên người dân rất yên tâm.

Phun thuốc diệt muỗi tại các khu dân cư trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông

 

Vào đến thôn Đăk Ptrang, anh Chiến đưa chúng tôi đến thăm một vài hộ dân. Chị Y Điện 31 tuổi, người dân của thôn Đăk Ptrang cho biết: Nhà mình có 5 người. Sau đợt mưa lũ vừa qua, hai vợ chồng mình vẫn mạnh khỏe và đi làm rẫy thường luôn. Riêng mẹ già và hai đứa con của mình còn nhỏ thì có bị ho. Mình đã đến Trạm Y tế xã khám và bác sĩ cấp thuốc về uống nay đã đỡ đau rồi.

Bác sĩ Y Giáo - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đăk Hà cho biết: Trong những ngày mưa lũ vừa qua, trên địa bàn xã tình hình dịch bệnh có tăng hơn so với những tháng trước và diễn biến có phần phức tạp, trong đó chủ yếu là các bệnh như viêm phổi, tiêu chảy, cúm, rối loạn tiêu hóa... Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, bệnh viêm phổi tăng 23%, bệnh tiêu chảy tăng 30%... Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh xảy ra chưa đến mức độ thành dịch và chưa gây thiệt hại đến tính mạng của nhân dân. Trạm đã phối hợp với các ban, ngành liên quan trong xã tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, Trạm đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phòng tránh lũ và cách phòng dịch bệnh. Sau mưa lũ, cán bộ y tế của Trạm đã dùng dung dịch khử khuẩn Cloramin B để khử khuẩn nguồn nước cho người dân sử dụng đảm bảo an toàn.

Làm việc với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thành Thảo – Phó Giám đốc kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo Ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 của Trung tâm Y tế huyện cho biết: Mưa lũ kéo dài thì các bệnh về hô hấp, tiêu chảy, cảm cúm… thường hay xảy ra, đặc biệt là đối với trẻ em và người già. Điều này, Trung tâm đã tiên lượng và triển khai đến cán bộ các trạm y tế để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa cho người dân.

Bác sỹ Nguyễn Thành Thảo còn cho biết thêm: Từ đầu năm đến nay, tháng nào, Ban Giám đốc Trung tâm cũng tổ chức giao ban y tế cơ sở 1 lần vào các ngày cuối tháng tại Trung tâm Y tế huyện và đội vệ sinh phòng dịch thường xuyên đi giám sát tình hình dịch bệnh tại các xã trọng điểm trong huyện. Trong đó, tập trung giám sát tình hình mắc bệnh thường gặp tại các xã, đẩy mạnh công tác truyền thông về bệnh tay-chân-miệng và các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, dịch bệnh HIV/AIDS tại các tuyến y tế cơ sở. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện chỉ có 326 người mắc bệnh truyền nhiễm, không có tử vong; trong đó, 10 ca lỵ trực tràng, 2 ca lỵ Amip, 161 ca tiêu chảy, 5 ca thủy đậu, 147 ca cúm, 1 ca quai bị.

Đặc biệt, toàn huyện đã có 56,4% số hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và 38,7% số hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Các trạm y tế xã và Bệnh viện huyện đã thực hiện đạt 100% về nước sạch và vệ sinh môi trường nước, nhà tiêu cũng như quản lý chất thải y tế… Đây là yếu tố rất quan trọng để người dân tránh được những bệnh giao mùa hoặc mưa lũ kéo dài dễ gây ô nhiễm môi trường.

Bài và ảnh: Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác