Tu Mơ Rông chăm lo nâng cao đời sống đồng bào DTTS

06/07/2024 06:55

Thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông luôn nỗ lực phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, ổn định về chính trị, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.

Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư tại Đại hội các DTTS huyện năm 2019 đến nay, kinh tế - xã hội của huyện Tu Mơ Rông từng bước phát triển. Các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được tập trung đầu tư; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Văn hóa - xã hội có bước phát triển tích cực, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn tiếp tục được nâng cao.

Từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện triển khai xây dựng 124 công trình với tổng kinh phí thực hiện 46.878,66 triệu đồng; duy tu, bảo dưỡng 47 công trình chủ yếu do UBND các xã làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 3.072,23 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế phê duyệt 44 dự án với tổng số hộ tham gia là 3.977 hộ, tổng kinh phí 11.592,25 triệu đồng. Theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg tính đến năm 2020, 1.274 hộ/11 xã ở huyện Tu Mơ Rông được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán với tổng kinh phí 1.909,92 triệu đồng; hỗ trợ đất ở cho 330 hộ san tạo nền nhà với kinh phí là 330 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 42 hộ với tổng kinh phí là 210 triệu đồng; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi 480 hộ, với tổng kinh phí đã thực hiện 26.344 triệu đồng.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời được kéo về thôn làng vùng sâu ở Tu Mơ Rông. Ảnh: H.N  

 

Bên cạnh đó, từ nguồn lực các Chương trình mục tiêu Quốc gia, huyện Tu Mơ Rông đã ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ trường học, trạm y tế...; các dịch vụ xã hội cơ bản khác như điện, tiếp cận thông tin. Chỉ tính riêng năm 2023, huyện phân bổ kế hoạch vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện với tổng kinh phí 293.576 triệu đồng.  Diện mạo tất cả các thôn làng vùng đồng bào DTTS ở Tu Mơ Rông ngày càng khởi sắc.

Ông A Minh- Trưởng thôn Mô Pah (xã Đăk Hà) tâm sự, trước đây, đường từ thôn ra huyện rất khó khăn, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi, đường nhiều ổ trâu, ổ gà dằn xóc. Từ ngày được huyện đầu tư đường bê tông hóa từ thôn ra trung tâm huyện mọi việc rất thuận lợi. Học sinh đi học, gia đình có người ốm đau hay việc vận chuyển vật tư xây dựng nhà cửa, dân làng có bán các nông sản làm ra đều rất thuận tiện. Nhờ có đường, điện, hỗ trợ sóng wifi miễn phí nên khoảng cách giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi ngày càng ngắn hơn.

Theo ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, hiện nay, toàn huyện đạt 150/173 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đạt 86,7%, trong đó có 6 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và 5 xã đạt từ 15-18 tiêu chí. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 10,7-11,05%/năm, vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (6-8%/năm). Đến cuối năm 2023, toàn huyện hiện còn 2.145/7.065 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 30,36% (hộ nghèo là người DTTS 2.144/2.145 hộ, chiếm tỷ lệ 99,95%); hộ cận nghèo là 338 hộ/7.065 hộ, chiếm tỷ lệ 4,78 % (hộ cận nghèo là DTTS 338/338 hộ, chiếm tỷ lệ 100%).

Bà con đồng bào DTTS Tu Mơ Rông thu hoạch dứa, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống. Ảnh: HN 

 

Đời sống vật chất, tinh thần người DTTS ở Tu Mơ Rông ngày càng được nâng cao. Các chính sách hỗ trợ đối với học sinh là con, em đồng bào DTTS được huyện triển khai kịp thời đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi được đến lớp luôn được duy trì ở mức cao, trên 98%.  Các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS được gìn giữ, phát huy. Toàn huyện có 86/86 thôn có nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng và khu thể thao thôn cơ bản đạt chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch sử dụng để tổ chức các hoạt động văn hóa; có 7/11 xã có nhà văn hóa đa năng đạt chuẩn về quy mô, diện tích theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch; 64/86 thôn có hệ thống loa truyền thanh được kết nối với đài truyền thanh xã đang sử dụng tốt, đảm bảo tối thiểu 80% hộ gia đình nghe được hệ thống loa truyền thanh của xã.

Cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng các DTTS huyện Tu Mơ Rông luôn phát huy truyền thống đoàn kết giúp nhau trong lao động sản xuất, trong cuộc sống. Qua đó, đã phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS đã có những chuyển biến rõ rệt, góp phần hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, thay đổi tập quán canh tác; ý thức phát huy nội lực chuyển biến tích cực, tinh thần cộng đồng luôn được phát huy; đời sống nhân dân được cải thiện góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được thắt chặt.    

Hà Nam

Chuyên mục khác