22/09/2019 06:01
Nhiều xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trên 27%
Trong chuyến công tác mới đây về thôn Ngọc Leang (xã Đăk Hà), chúng tôi gặp chị Y Hoan đang lúi húi cùng con gái lớn khiêng một nồi cơm đã nấu chín đặt xuống bếp và chuẩn bị chén đũa cho 10 người ăn sáng. Hỏi ra mới biết, gia đình chị có 8 người con, trong đó con gái lớn 21 tuổi và con nhỏ nhất 4 tuổi.
Qua tìm hiểu, gia đình chị có 2 sào lúa nước và 4 sào cà phê. Toàn bộ nguồn thu nhập của gia đình trông chờ vào diện tích sản xuất trên, nên quanh năm túng thiếu. Cũng do điều kiện gia đình quá khó khăn nên Y Di - con thứ 3 của chị Y Hoan phải nghỉ học ở nhà trông em.
“Ở đây có nhiều người đông con như mình. Mình không biết và cũng không sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại nào cả...”- chị Y Hoan chia sẻ.
|
Hộ A Lâm ở thôn Măng Lỡ (xã Đăk Rơ Ông) có đến 11 người con. Cũng vì đông con, vợ chồng anh lao động suốt ngày vẫn không có đủ tiền trang trải, chăm lo cho các con. Trong 11 người con của A Lâm, có 6 cháu nhỏ bị suy dinh dưỡng nặng.
Chị Y Nhít - vợ anh A Lâm tâm sự: Sinh con nhiều, sức khỏe yếu đi, nên đi rẫy làm không nổi, phải ngày đi, ngày nghỉ ở nhà lấy lại sức. Và cũng vì đông con, nên mọi tài sản có giá trị trong nhà đều bán đi để mua thức ăn…
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Duy Tân - Cán bộ phụ trách công tác dân số (Trung tâm Y tế huyện Tu Mơ Rông) cho biết, nguyên nhân người dân sinh con đông, sinh con dày là do một phần chưa ý thức và tự giác thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
“Chúng tôi thường xuyên đi cơ sở, đến sinh hoạt với bà con vào buổi tối tại nhà rông hoặc ngay nhà dân để tuyên truyền về dân số, kế hoạch hóa gia đình. Tuyên truyền thì người dân đều nghe, có người còn hứa làm theo lời cán bộ hướng dẫn…, nhưng rồi sau đó, thuốc tránh thai hay các loại bao cao su tặng miễn phí đều bị bà con vứt bỏ” - anh Tân chia sẻ.
Cần có biện pháp hiệu quả
Liên quan đến việc số hộ sinh con thứ 3 tăng cao, ông A Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hà nói: Hiện tại, toàn xã có 420 hộ dân, trong đó tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 33,6%. Việc sinh đông con đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế gia đình, hơn nữa còn tăng áp lực công tác an sinh xã hội trên địa bàn, cán bộ xã phải thường xuyên cập nhật liên tục tỷ lệ hộ nghèo, hộ thiếu lương thực, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ bỏ học sớm…
Bên cạnh đó, các hộ sinh đông con hầu như đều thuộc diện nghèo, không có điều kiện chăm lo cho các con dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng, thể trạng chậm phát triển... làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số địa phương.
Theo báo cáo của UBND huyện Tu Mơ Rông, địa phương có 11 xã với 91 thôn làng, gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Những năm qua, huyện rất quan tâm đến công tác chỉ đạo UBND các xã, các phòng chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Hiện, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện trên 27%, chủ yếu tập trung ở các xã Đăk Hà, Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông và Tu Mơ Rông.
Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho rằng, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, do đó trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, tiêu chí y tế về tỷ lệ trẻ thấp còi không đạt tiêu chuẩn đề ra. Mặt khác, trẻ em thấp còi, suy dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển toàn diện của trẻ, về lâu dài không đảm bảo phát triển và duy trì giống nòi… Các hộ nghèo sinh con đông, không đủ khả năng cải thiện đời sống gia đình nên cũng khó có thể thoát nghèo.
Theo ông Mười, huyện đã và đang chỉ đạo UBND các xã, Trung tâm Y tế huyện tăng cường công tác truyền thông dân số kế hoạch hóa gia đình đối với người dân trong độ tuổi sinh sản; phối hợp với các tổ chức đoàn thể cấp huyện chỉ đạo các xã thành lập các nhóm, hội sinh con thứ ba trở lên để phân công cán bộ, hội viên xuống thôn làng phối hợp cùng tổ chức sinh hoạt, tăng hiệu quả tuyên truyền và thực hiện không sinh con thứ 3 trở lên…
Mai Trâm