Tu Mơ Rông: Bộn bề trước thềm năm học mới

27/08/2017 19:16

​Tu Mơ Rông là một trong những huyện nghèo khó khăn nhất của tỉnh, bước vào năm học mới 2017-2018, ngành GD&ĐT huyện đang đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông, năm học mới 2017-2018, toàn ngành có tổng số 34 trường học, với 780 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 373 lớp, hơn 7.560 học sinh của cả 3 bậc học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở, tăng so với năm học trước hơn 100 học sinh.

Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền và vận động nhân dân cùng các trường chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp học, sửa chữa trường, làm lớp tạm, vệ sinh, làm hàng rào, cầu cống để đảm bảo an toàn cho học sinh chuẩn bị đến trường. Phòng cũng đã chỉ đạo tuyên truyền vận động học sinh ra lớp; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho học sinh…

Giáo viên và học sinh huyện Tu Mơ Rông đang khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ năm học mới. Ảnh: V.P

 

Cùng với đó, Phòng đã đầu tư 3,5 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị (bàn, ghế, máy vi tính) và tiến hành sửa chữa sân, tường rào, phòng học, nhà công vụ… xuống cấp. Đến nay toàn huyện có tổng số 473 phòng học, đảm bảo công tác dạy và học cho đầu năm học; 4.501 bộ bàn ghế của học sinh, đảm bảo đủ cho học sinh ngồi học…

Mặc dù vậy, năm học mới này, ngành đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, bộn bề; trong đó, cấp bách nhất là sách, vở, dụng cụ học tập cho học sinh. Ông Lê Văn Hoàn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết: Hiện nay kinh phí chưa cấp về nên hàng nghìn học sinh thuộc diện hộ nghèo được hưởng theo quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ vẫn chưa được cấp sách vở. Phòng đang liên hệ để mua nợ sách, vở cho học sinh sử dụng, khi nào có kinh phí về sẽ trả. Trước mắt, Phòng đã cấp cho mỗi học sinh trên toàn huyện ít nhất 2 cuốn vở để kịp năm học mới.

Theo ông Hoàn, ngoài khó khăn về sách, vở, hệ thống cơ sở vật chất cũng là vấn đề đáng lo bởi nhiều trường trên địa bàn đã hư hỏng, xuống cấp hay tạm bợ với 19 phòng học tạm. Trong đó, đặc biệt là nước sinh hoạt, khu nấu ăn cho học sinh bán trú tại các điểm trường. Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 80/90 điểm trường thiếu nước sinh hoạt, khu vực nấu ăn cho học sinh, để khắc phục các thầy cô phải xin nhà dân hoặc ra suối gánh nước về sử dụng. Bên cạnh đó, toàn huyện còn 25 nhà ăn bán trú tại các trường chưa được xây dựng, đang sử dụng nhà tạm; 90 điểm trường chưa có nhà vệ sinh, sân chơi, hàng rào...

"Năm vừa rồi, Phòng cố gắng lắm mới làm được khoảng 140 công trình vệ sinh tạm bằng tôn, tấm bê tông tại các điểm trường để các em sử dụng tạm. Ngoài ra, một trường thiếu nhà hiệu bộ, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, sân chơi, bãi tập và nhà bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên… Phòng đã báo cáo về UBND huyện và lập tờ trình xin kinh phí để xây dựng, sửa chữa" - ông Hoàn nói.

Tại xã Măng Ri, từ ngày 14/8, các học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Măng Ri đã tập trung chuẩn bị cho năm học mới. Thầy Tưởng Văn Quang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay nhà trường thiếu thốn rất nhiều thứ, tuy nhiên cấp bách nhất là vở viết cho học sinh, nhà trường đã tìm mọi cách vận động, xin nhiều nơi để kịp thời cho học sinh có vở đi học. Năm học này, nhà trường có 142 em học sinh, trước mắt trường trang bị mỗi em 5 cuốn vở, một cây bút để chuẩn bị cho năm học mới. Sau đó nhà trường tiếp tục tìm nguồn kinh phí, kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ để có đủ vở viết cho các em…

Cũng theo thầy Quang, ngoài vở viết, khó khăn tiếp là nhà ở bán trú, nhà ăn cho các em học sinh còn rất tạm bợ, nhiều năm nay vẫn chưa được xây mới nên việc phục vụ bán trú cho các em trong năm học sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Phòng học tạm đã xuóng cấp ở Trường bán trú tiểu học Tê Xăng. Ảnh: V.P

 

Không chỉ riêng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Măng Ri, các trường khác trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông cũng đều đang bộn bề khó khăn trước năm học mới. Khó khăn nhất là ở Trường Tiểu học xã Tê Xăng có 2 phòng học tạm bợ, xuống cấp cần phải sửa chữa mà nguồn kinh phí không có nên việc học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.  

Ông Lê Văn Hoàn cho biết: Để hoàn thành nhiệm vụ năm học mới, ngoài việc khắc phục khó khăn, Phòng đang kêu gọi nhà hảo tâm, vận động các tổ chức, cá nhân, các đơn vị kết nghĩa hỗ trợ cho các em học sinh có được đầy đủ sách vở cho năm học mới; đồng thời tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc huy động học sinh ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần; gắn trách nhiệm cụ thể cho đảng ủy, UBND các xã, các tổ chức đoàn thể, thôn trưởng, bí thư chi bộ các thôn trong việc huy động học sinh ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần… để năm học mới này đạt hiệu quả cao nhất.

Văn Phương

Chuyên mục khác