Tự hào người lính

30/04/2018 13:07

Nhớ đồng đội, nhớ chiến trường xưa… dù đã vài lần trở lại nhưng mỗi khi có dịp là những chiến sĩ năm xưa chiến đấu trên mảnh đất Kon Tum lại trở về thăm nơi họ đã từng chiến đấu. Họ đến vì đồng đội, vì tâm nguyện của người lính già và để họ được sống lại tuổi đôi mươi…

Tìm lại ký ức “mãi mãi tuổi 20”

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, tôi tình cờ và may mắn khi gặp 4 cựu chiến binh: Bùi Văn Bảy (70 tuổi, ở Cát Tiên, Lâm Đồng), Vũ Văn Ngòi (68 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội), Vũ Biên Thùy (68 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) và Đào Xuân Quý (65 tuổi, ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) về thăm lại chiến trường xưa Kon Tum.

Các bác đến thăm vùng đất Đăk Tô -Tân Cảnh, đến thăm khu vực sân bay ở thành phố Kon Tum… nơi mà trong chiến tranh họ đóng quân và chiến đấu hàng tháng trời.

4 cựu chiến binh thăm lại chiến trường Đăk Tô - Tân Cảnh

 

Mặc dù chiến tranh đã trôi qua mấy chục năm nay, nhưng với họ -những người lính như mới chỉ ngày hôm qua. Trong một chớp mắt, những ký ức lại hiện về nguyên vẹn trên những khuôn mặt khắc khổ thời gian, trong khóe mắt thẳm sâu và khắc khoải nỗi nhớ thương về đồng đội, về cuộc chiến mà họ và những đồng đội của họ đã kề vai sát cánh…

Bác Bùi Văn Bảy nhớ lại: Hồi ấy, sau khi đánh các trận từ Huế, Đà Nẵng rồi bọc sang đường Trường Sơn tiến về Kon Tum ở phía ngã ba Đông Dương hiện nay; đơn vị của chúng tôi là Trung đoàn 141 không tham gia đánh ở Plei Kần mà được lệnh thẳng xuống cùng phối hợp với các lực lượng khác đánh vào sào huyệt của địch tại căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh. Sau gần một tuần chiến đấu tại đây, quân ta đã chiếm và giải phóng được Tân Cảnh. Dù chiến thắng, nhưng lực lượng ta cũng tổn thất khá nhiều. Sau khi chiếm được Đăk Tô, Tân Cảnh, ta tiếp tục củng cố lực lượng rồi đánh xuống Diên Bình, tiến xuống giải phóng Kon Tum. Trong đó, trận chiến ác liệt nhất là tại sân bay Kon Tum. Tại đây, sau khi chiếm được sân bay, ta tiếp tục củng cố lực lượng, giữ sân bay Kon Tum.

“Sau khi chiếm được sân bay Kon Tum, lực lượng của ta gìn giữ ở đây khoảng gần nửa tháng thì địch tấn công trở lại. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, lực lượng của địch mạnh nên nhiều chiến sĩ của ta hy sinh ở đây”- bác Đào Xuân Quý nhớ lại.

Với những người cựu chiến binh như bác Quý, bác Ngòi, bác Thùy, bác Bảy, được trở lại thăm chiến trường xưa, ký ức về hình ảnh những ánh mắt đồng đội, những vạt cây rừng nham nhở sau mỗi trận mưa bom bão đạn… như thước phim quay chậm khiến các bác không khỏi bồi hồi, xúc động. Khi ấy, các bác là những chàng trai mới tuổi đôi mươi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hành quân dọc theo đường Hồ Chí Minh từ Quảng Bình vào Kon Tum tham gia các trận đánh...

Tâm nguyện người lính

Tôi vô cùng xúc động  và cảm phục khi gặp đoàn cựu chiến binh trong hành trình thăm chiến trường xưa nghỉ lại ở thành phố Kon Tum. Dù tóc đã bạc, chân đã run nhưng khi trò chuyện, bác Quý, bác Ngòi, bác Thùy, bác Bảy ai cũng bảo, còn sống là phải chiến đấu, bất kể chiến trường nào. Chiến tranh có thể cướp đi một phần thân thể của những người lính Cụ Hồ, nhưng không thể cướp đi nghị lực, niềm tin vào cuộc sống của họ.

Vâng, những người lính, họ không quên nhau. Những người đồng đội không bỏ rơi nhau và luôn đối xử tốt với nhau cả khi người còn người mất. Giờ những người còn sống như bác Quý, bác Ngòi, bác Thùy, bác Bảy dù mỗi người một tỉnh nhưng họ quyết tâm cùng nhau trở về chiến trường xưa ở Kon Tum để mong thực hiện được tâm nguyện của người lính già - tìm lại ký ức, tìm lại những đồng đội năm xưa đã hy sinh giờ vẫn chưa tìm thấy mộ.

“Chúng tôi đến đây như để tìm lại chút kỷ niệm và mong được vơi đi chút nào lòng trắc ẩn. Cố gắng bằng trí nhớ của mình để tìm lại những người đồng đội năm xưa còn đang nằm đâu đó trên mảnh đất Tây Nguyên này. Chúng tôi mong tìm lại được nơi yên nghỉ của anh em. Nhưng giờ đây thật khó khi mảnh đất này đã thay đổi nhiều, những vạt rừng đã được thay thế bằng nhưng ngôi làng khang trang. Chúng tôi hy vọng sẽ xác định và tìm được những vị trí trước kia mình từng chiến đấu và đồng đội đã hy sinh được chúng tôi chôn cất…” - Bác Quý chia sẻ.

Các cựu chiến binh thắp hương tưởng nhớ các đồng đội

 

Các bác tâm sự, mình vẫn còn may mắn hơn bao nhiêu đồng đội khác, được sống để chứng kiến ngày đất nước hoà bình, thống nhất, vì vậy, còn sức khỏe, còn sống để tiếp tục cống hiến dựng xây đất nước… Bởi vậy, các bác đã thực hiện chuyến đi này. Các bác muốn đến để thắp nén tâm nhang, bày tỏ tấm lòng tri ân với những đồng đội, những người anh hùng đã ngã xuống trên vùng đất Tây Nguyên này. Đặc biệt, qua chuyến đi mong muốn trở về chiến trường xưa để cung cấp thêm thông tin phục vụ cho việc tìm kiếm các đồng đội đã hy sinh năm xưa trở về với gia đình… Đó cũng là tâm nguyện của những người lính già với đồng đội của mình từng vào sinh ra tử…

Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm, chiếc áo lính màu xanh đã bạc, mái tóc của những người lính như bác Quý, bác Ngòi, bác Thùy, bác Bảy cũng điểm sương, nhưng thời gian không thể làm họ quên đi được ký ức oanh liệt của mình và đồng đội tại mảnh đất Kon Tum này. Ngần ấy năm nhưng họ vẫn luôn đau đáu một tâm nguyện sớm tìm được những người đồng đội đã ngã xuống năm xưa về đoàn tụ với gia đình.

Với họ, chuyến hành trình thăm lại chiến trường xưa một phần muốn tìm lại ký ức “mãi mãi tuổi 20”, phần vì muốn thực hiện được tâm nguyện tìm được nơi yên nghỉ của đồng đội. Điều đó càng thêm ý nghĩa khi vùng đất Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng đang long trọng tổ chức kỷ niệm ngày đất nước hòa bình, thống nhất…

Bài, ảnh: Phúc Nguyên

Chuyên mục khác