Tự hào mái trường mang tên Kim Đồng

18/12/2019 06:19

Cháu rất thích đến trường - Nấm (tên gọi ở nhà của Trần Lê Thảo Nhi, học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) nghiêng nghiêng đầu nhìn tôi, nói. “Nếu bác biết chúng cháu, được học, được chơi như thế nào ở trường, chắc bác cũng sẽ rất thích” - cô bé quả quyết.

Những con số “biết nói”

Nấm say sưa kể, tuần trước, bé và các bạn vừa được đi tham quan, khám phá nhà máy chế biến cà phê cách trường không xa.

Cháu và các bạn chẳng lạ gì cây cà phê, vì gần như nhà nào cũng có, nhưng để được ngắm, được sờ vào cỗ máy to đùng, được thấy các chú, các bác công nhân chế biến cà phê thì đây là lần đầu tiên, nên ai cũng háo hức lắm. Nếu muốn, bác cũng có thể tham gia. Vui lắm! Cô bé liến thoắng.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với bé Nấm thôi thúc tôi tìm đến mái trường mang tên người thiếu niên anh hùng. Rất nhanh chóng, tôi nhận ra nhiều điều thú vị ở “ngôi nhà chung” của 580 học sinh cùng 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên này.

Ngay khi bước vào cổng chính, tôi bị thu hút bởi tấm băng rôn đỏ rực mang dòng chữ "Xếp hàng đón con: Văn hóa giao thông, văn minh nơi trường học”. Chúng tôi mới triển khai mô hình này chưa lâu, nhưng được sự phối hợp của chính quyền, lực lượng chức năng, và nhất là sự đồng tình, ủng hộ của các bậc phụ huynh nên nhanh chóng thành công và có sức lan tỏa rộng khắp trên địa bàn huyện - cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hằng giới thiệu.

Lễ chào cờ đầu tuần tại Trường Tiểu học Kim Đồng. Ảnh: TH

 

Dù rất sốt ruột được tìm hiểu thêm về những chuyện thú vị khác, như lời giới thiệu của bé Nấm, nhưng vì lý do nghề nghiệp, tôi vẫn phải xin “dành ít phút cho… báo cáo”, bởi xét cho cùng, những con số thống kê, tuy khô khan, nhưng lại có thể “nói” lên nhiều điều.

Trường Tiểu học Kim Đồng, tiền thân là Trường Tiểu học-THCS 701, thành lập từ năm 1980, đến năm 2000, được mang tên người thiếu niên anh hùng. Gần 40 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, luôn là lá cờ đầu của ngành Giáo dục huyện Đăk Hà.

Riêng trong năm học 2018-2019, với sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh, nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu khối Tiểu học huyện Đăk Hà. 100% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh khối lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học; 81,4% học sinh được khen thưởng, trong đó học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện là 296 em, đạt 50,9%; học sinh có thành tích vượt trội và tiến bộ vượt bậc là 177 em, đạt 30,5%. Nhiều em đạt giải cao tại các cuộc thi cấp huyện, tỉnh, quốc gia.

Có được kết quả trên, trước hết là nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, sự đồng hành của phụ huynh, và đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực không mệt mỏi của tập thể nhà trường. “Chúng tôi có một chi bộ đảng là hạt nhân lãnh đạo với 25 đảng viên; đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết, được tuyển chọn từ nhiều trường về, gồm 24 giáo viên có trình độ đại học, 1 thạc sĩ; 21 giáo viên giỏi cấp trường (đạt tỷ lệ 84%), 10 giáo viên giỏi cấp huyện (đạt tỷ lệ 40%), 4 giáo viên giỏi cấp tỉnh (đạt tỷ lệ 16%)”- cô Hằng cho biết.

Dạy kiến thức đi đôi với tập kỹ năng

Theo cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hằng, tiêu chí giáo dục của nhà trường chú trọng vào ba yếu tố: kiến thức đạt chuẩn, thể lực khỏe mạnh, tư duy tích cực. Vì vậy, nhà trường luôn nỗ lực, sáng tạo để 580 học sinh được tự mình khám phá, trải nghiệm cuộc sống.

Tại trường Kim Đồng, học sinh sẽ có một ngày trong tháng không học kiến thức. Vào ngày đó, thay vì phải ngồi trong lớp học, các em sẽ được chạy nhảy, vui chơi và tham gia các hoạt động trải nghiệm.

“Hoạt động trải nghiệm của nhà trường được chia theo các khối lớp. Như vào tháng 10/2019, nhà trường tổ chức cho hơn 100 em học sinh khối 5 tham quan Cột mốc Ba biên (Lào - Việt Nam - Campuchia); Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; Di tích lịch sử "Tượng đài chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh"; đồng hành cùng các chú bộ đội thực hiện nhiệm vụ sắp xếp nội vụ, tăng gia sản xuất, dọn vệ sinh. 

Hay mới đây, nhằm giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, yêu lao động, biết lao động, nhà trường đã tổ chức cho học sinh thực hành trải nghiệm trồng và chăm sóc các bồn hoa, cây cảnh trong khuôn viên trường.

Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm cắm hoa. Ảnh: TH

 

Cô Hằng chia sẻ: Mỗi trải nghiệm đều là bài học mở, đa dạng và thiết thực, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng để vừa phù hợp với yêu cầu học tập cũng như năng lực tổ chức, vừa đảm bảo an toàn tối đa cho các em.

Và kết quả đem đến là? Tôi tò mò. “Với những trải nghiệm khác biệt thì mỗi học sinh sẽ có được những bài học riêng”- cô Hằng lý giải- “Có phụ huynh từng kể với tôi rằng, hôm con đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ về có vẻ bần thần, suy nghĩ. Khi được hỏi thì con nói, có nhiều mộ liệt sĩ không có tên, cô giáo giải thích là mộ liệt sĩ vô danh. Sao không ai tìm lại tên cho các bác liệt sĩ ấy hả mẹ? Đó là “thu hoạch” mà chúng tôi có được từ hoạt động trải nghiệm chứ không phải từ sách vở”.

Tôi hơi tò mò là liệu nhà trường có phải chịu áp lực của phụ huynh từ việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm này không? Tôi hỏi.

“Ban đầu, cũng có không ít phụ huynh băn khoăn không biết có nên cho con mình tham gia hay không, hoặc nhiều bậc phụ huynh e ngại khi nhìn thấy con mình lấm bùn đất sau một buổi hoạt động ngoại khóa. Nhưng sau đó đều hiểu được rằng, trước hết, con mình đang ở “tuổi chơi”, chúng yêu hoạt động, vui khi được hoạt động và cần được hoạt động, trải nghiệm để lớn lên khỏe mạnh, có tâm hồn, có cảm xúc và có tư duy sáng tạo, nên đều ủng hộ, thậm chí sẵn sàng tham gia cùng, vì cho rằng đây là hoạt động rất bổ ích” - cô Hằng bộc bạch. 

Tất nhiên, với cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hằng và các cộng sự, đồng nghiệp, chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, nhất là trong việc xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2017-2025 của huyện Đăk Hà. Bởi cho đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn thiếu thốn, như chưa có nhà ăn, nghỉ bán trú cho học sinh; hệ thống sân chơi, bãi tập đã xuống cấp; nền nhà trong các phòng học bong tróc hư hỏng; chưa có hệ thống ti vi, đầu chiếu hỗ trợ tiết dạy học trong các phòng học… Đây là những khó khăn tác động không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng toàn diện cho học sinh theo các tiêu chí trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Mỗi phụ huynh, khi gửi con vào trường, đều hy vọng con trẻ được phát triển toàn diện về mọi mặt. Với sự quan tâm của huyện, của Phòng Giáo dục và Đào tạo, sự đồng hành của phụ huynh, sự đoàn kết, nhất trí trong tập thể nhà trường, tin rằng chúng tôi sẽ không phụ kỳ vọng của phụ huynh, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, để các em học sinh luôn tự hào về mái trường mang tên người thiếu niên anh hùng- cô Nguyễn Thị Thu Hằng cam kết.

Nhiều năm liền, Trường Tiểu học Kim Ðồng là lá cờ đầu của ngành Giáo dục và đào tạo huyện Ðăk Hà, được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba (vào các năm 2014, 2006 và 2001), và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Trung ương, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, UBND tỉnh. Cũng từ mái trường Kim Ðồng, nhiều thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh nhà trường đã trưởng thành và giữ chức vụ quan trọng của địa phương.

Thành Hưng

Chuyên mục khác