Tự hào là nông dân

04/01/2024 13:00

Bạn thấy gì từ hình ảnh cụ bà 80 tuổi đeo kính chăm chú theo dõi phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII trên ti vi sáng 26/12?

Có thể đây là một câu hỏi khó trả lời với hầu hết mọi người, trừ tôi. Bởi đấy chính là mẹ tôi.

“Thật tự hào khi nông dân ta không ngừng lớn mạnh, cũng thật khâm phục nông dân ta ngày nay, họ thật tài giỏi trong trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, trong xây dựng nông thôn mới. Họ vừa giống vừa khác xa thời kỳ của mẹ”- bà nói.

Theo bà, nông dân bây giờ kiến thức cao hơn trước. Nếu trước đây làm nông theo kiểu mò mẫm, theo kinh nghiệm truyền miệng, thì nông dân bây giờ giỏi giang hơn, có khoa học kỹ thuật, học hành bài bản, nắm trong tay kiến thức và máy móc.

Và từ câu nói ấy, cùng với sự chăm chú, toàn tâm toàn ý dõi theo diễn biến Đại hội của mẹ, tôi nhận thấy niềm tự hào không che giấu.

Mẹ tôi ấy à, là một nông dân chính hiệu. Có thể nói, cả cuộc đời bà gắn bó với đồng ruộng.

Nông dân ngày càng chủ động học hỏi, thay đổi cách nghĩ cách làm, nắm bắt khoa học công nghệ để áp dụng vào sản xuất. Ảnh: H.L

 

Ruộng của nhà tôi năm nào cũng được mùa hơn những đám ruộng được chăm sóc bởi những ông nông dân khỏe mạnh. Bà nuôi heo, gà cũng mát tay có tiếng. Xóm trong làng ngoài, ai ai cũng nể trọng bà, phần lớn là vì chuyện gì bà cũng làm “ngon lành” cả.

Và chưa bao giờ tôi thấy mẹ xấu hổ vì gốc gác nông dân của mình cả.

Ở quê tôi, có nhiều bà, nhiều mẹ giống hệt mẹ tôi! Cũng tất bật, lam lũ, quê mùa. Cũng thương đồng, thương ruộng tới lúc chân tay lẩy bẩy, tới lúc tàn hơi mới thôi. Cũng như mẹ tôi, chưa bao giờ họ thấy mình thấp kém hơn vì là nông dân.

Có người từng hỏi vặn mẹ tôi rằng, bà tự hào là nông dân, sao không cho những người con của bà theo nghề nông?

Bà cười mà trả lời rằng, tôi luôn cố gắng làm việc để nuôi con cái ăn học, và đốc thúc chúng học hành đàng hoàng, bởi đó là điều giúp tụi nó có nhiều lựa chọn trong cuộc sống, chứ không phải để mong chúng làm “ông này bà kia”, cũng không thể ép buộc theo ý mình. Chỉ cần chúng không quên gốc là được.

Hàng xóm tôi đều là những nông dân. Có người làm lúa nước ở Đăk Cấm, Đăk Blà; có người trồng rau ngay trong vườn nhà. Một số người trồng cà phê ở miệt Ia Chim, Đăk Năng, thường sáng đi, tối về, nhưng khi vào mùa, họ đi biệt mấy ngày, tối ngủ lại chòi rẫy.

Tôi luôn quý mến họ, bởi sự nhiệt tình, thẳng thắn, chất phác như bày cả gan ruột. Và nhất là tinh thần lao động miệt mài, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ và không bỏ cuộc.

Dù cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng họ rất thân thiện, với nụ cười rạng rỡ tự nhiên khi gặp bất cứ ai. Đôi khi họ tổ chức nấu ăn với nhau, và sẵn lòng mời tôi dự. Để đáp lại, thỉnh thoảng tôi tặng con cái họ quyển sách, cuốn vở, cây bút hoặc đồ chơi.

Và trong những lần trò chuyện, chưa bao giờ nghe hoặc thấy họ mặc cảm vì mình là nông dân. Thậm chí, họ luôn tự hào vì mình là một nông dân, tự hào vì mình đã kiên trì trải qua nhiều khó khăn, vất vả để nuôi gia đình, cho con ăn học tử tế.

Có lúc lao động vất vả, tôi từng nghĩ sao mình không làm việc khác, hay mơ ước phải chi hồi xưa mình chịu khó học để trở thành kỹ sư, bác sĩ. Nhưng sau đó lại thấy, làm nông có gì không tốt. Muốn làm nông giỏi cũng phải học hỏi không ngừng. Và nếu làm nông giỏi cũng giàu được- một anh chân tình nói. Và quên ngay những suy nghĩ vất vưởng đó.

Nông dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HL

 

Nói rộng ra, nông dân toàn tỉnh luôn phát huy tinh thần yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, luôn khát vọng vươn lên. Tích cực tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Họ chủ động phát huy tốt hơn vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới; từng bước làm chủ trong các phong trào ở nông thôn với phương châm “dân biết,  dân  bàn,  dân  làm,  dân  kiểm  tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Họ chủ động học hỏi, thay đổi cách nghĩ cách làm, nắm bắt khoa học công nghệ, thích ứng với cơ chế thị trường, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Chỉ tính riêng 5 năm 2018-2023, đã có 2 hội viên nông dân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 6 nông dân điển hình tiên tiến được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen; 3 nông dân được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Đến cuối năm 2022 đã có 12.870 hộ nông dân đăng ký thi đua đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi, và có 10.419 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 4.433 hộ (74,05%) so với năm 2018.

Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 37,49 triệu đồng/người/năm (2018) lên 52,43 triệu đồng/người/năm (2022).

Nông dân còn hăng hái tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Tích cực tham gia bảo đảm an ninh, quốc phòng, nhất là tự quản về an ninh, trật tự, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới.

Tất nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một bộ phận nông dân vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó có tình trạng tự ti, an phận, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa chịu khó vươn lên thoát nghèo.

Nhưng những hạn chế ấy không thể che lấp được niềm tự hào!

HỒNG LAM

Chuyên mục khác