Tư duy chuyển đổi số

16/11/2022 13:03

Chuyển đổi số đang là mối quan tâm hàng đầu, cũng là xu thế tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, trước hết cần có tư duy đúng về chuyển đổi số.

Một chủ doanh nghiệp từng thừa nhận với tôi rằng mình “mù” công nghệ, nhưng thời gian gần đây, anh hay nói nhiều về chuyển đổi số. 

Chuyển đổi số giờ đây trở thành bắt buộc, chứ không phải là lựa chọn có hoặc không. Vì năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế đang được quyết định bởi nền tảng công nghệ hiện đại. Anh nào nhanh, bắt kịp với công nghệ mới thì thắng- anh phân tích.

Bên cạnh đó, theo anh, hành vi khách hàng thay đổi trong môi trường số, cách thức họ tìm kiếm đầu mối, tương tác và đưa ra quyết định bị chi phối rất nhiều bởi công nghệ, bởi môi trường mạng.

Có thể nói, anh đã đánh giá đúng vai trò của chuyển đổi số cũng như tính tất yếu của chuyển đổi số đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Chính vì đánh giá đúng, nên từ cuối năm 2021, anh đã bắt tay đầu tư khá bài bản cho việc chuyển đổi số. Tất nhiên là trong điều kiện tài chính, hạ tầng kỹ thuật cho phép.

Bước đầu tiên là đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược chuyển đổi số. “Giống như việc tôi chuẩn bị mua một dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động, trước hết phải có nguồn nhân lực vận hành dây chuyền ấy”- anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhân viên của anh được yêu cầu và hỗ trợ học các kỹ năng công nghệ mới và phải luôn sẵn sàng sử dụng các kỹ năng này để tạo ra các cơ hội mới.

Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng công nghệ mà phải bắt đầu từ tư duy. Ảnh: HL

 

Quá trình tư duy lại hướng kinh doanh, đánh giá lại chuỗi giá trị, kết nối lại với khách hàng và cấu trúc lại doanh nghiệp cũng được tiến hành với các nhà tư vấn giàu kinh nghiệm.

Theo đó, nền tảng quản trị doanh nghiệp tổng thể 1Office, một nền tảng quản trị doanh nghiệp tổng thể được ứng dụng, cho phép doanh nghiệp của anh sử dụng mọi dịch vụ, từ quản trị nhân sự, kế toán, đến bán hàng, kê khai thuế một cách nhanh chóng, không cần phải đầu tư, không cần có nhân lực kỹ thuật để vận hành, với chi phí thấp.

Không chỉ kết nối  đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử,  doanh nghiệp của anh còn thiết kế sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Tức là với sự tương tác mạnh mẽ qua mạng xã hội, doanh nghiệp cho phép khách hàng được tham gia ý kiến đối với quá trình chế tác sản phẩm theo cách họ muốn, được nhìn trực quan phiên bản số 3D trước khi quyết định lựa chọn.

Với công nghệ số, đây không phải là chuyện khó.

Như đã nói ở trên, có thể khả năng nắm bắt công nghệ của anh bạn tôi khá hạn chế, nhưng cách anh thực hiện chuyển đổi số lại rất đáng quan tâm. Đặc biệt, anh đã giải quyết được sức ì trong tư duy về chuyển đổi số của chính mình.

Một câu chuyện khác, cũng về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chuyển đổi số.

Nhưng khác với câu chuyện trên, chủ doanh nghiệp này suy nghĩ về chuyển đối số khá đơn giản: Đó là một cuộc đua về công nghệ. Và ai có thế mạnh về tài chính và hạ tầng kỹ thuật tốt sẽ thắng.

Vì vậy, anh đầu tư khá nhiều vốn liếng cho việc tự động hóa dây chuyền sản xuất; tận dụng các nền tảng thông tin để quảng bá sản phẩm.

Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp bắt đầu bộc lộ những “lỗ hổng”. Đội ngũ nhân viên chưa được chuẩn bị, hướng dẫn để hiểu rõ giá trị, vai trò của chuyển đổi số đến công việc của họ, nên bất ngờ và lúng túng.

Vì không chủ động trong chính sách đào tạo nguồn nhân lực, nên khi hệ thống dây chuyền sản xuất tự động nhập về phải thuê chuyên gia của nhà cung cấp vận hành với chi phí cao. Khi đối tác “rút” chuyên gia về, doanh nghiệp buộc phải tạm dừng dây chuyền để cử người đi đào tạo cấp tốc.

Rõ ràng chủ doanh nghiệp này đã thất bại khi ứng dụng công nghệ mà chưa đánh giá đúng năng lực, sự hiểu biết về công nghệ. Anh vẫn cho rằng, bản chất của vấn đề là anh không đủ tiềm lực kinh tế để thuê chuyên gia vận hành trong khi đào tạo nhân lực, trong khi nguyên nhân chính dẫn đến thất bại lại là tư duy.

Từ hai câu chuyện trên cho thấy, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là ứng dụng công nghệ thông tin hay thay đổi dây chuyền sản xuất cũ sang dây chuyền hiện đại hơn, hoặc tự động hóa, mà là quá trình thay đổi tư duy, chuyển đổi cách sống, cách làm việc dựa trên công nghệ số. 

Theo các chuyên gia, tư duy về chuyển đổi số là một tập hợp suy nghĩ, tri thức, thói quen và kinh nghiệm hướng tới chuyển đổi số. Điều này được hình thành khi cá nhân sống trong xã hội số hóa. Khi họ càng công nhận, sử dụng thường xuyên, họ dần quen thuộc và trở nên thành thục hơn.

Đồng thời cho thấy, vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo rất quan trọng trong quá trình định hướng, quyết định, là người chịu trách nhiệm với chuyển đổi số của một cơ quan, doanh nghiệp.

Các chuyên gia nhìn nhận, để chuyển đổi số tốt, cần nhiều yếu tố, như tài chính, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, nhưng trong đó, quan trọng hàng đầu là tư duy, nhận thức của người đứng đầu về chuyển đổi số.

Tất nhiên, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số là không ít, như tâm lý ngại cái mới, ngại thay đổi của một số người;  hạ tầng kỹ thuật hạn chế, nhất là sự thiếu thống nhất về cơ sở dữ liệu, thiếu sự liên kết đồng bộ; tài chính hạn hẹp; ràng buộc về cơ chế đầu tư công.

Nhưng khi người lãnh đạo, đứng đầu có tư duy chuyển đổi số, nắm bắt được xu thế mới và nhận định đúng tầm ảnh hưởng của chuyển đổi số đến sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, từ đó nắm bắt cơ hội, lựa chọn hạng mục đầu tư đúng cách, lan tỏa tinh thần chuyển đổi số, thì quá trình này sẽ diễn ra nhanh chóng và thành công hơn.

Hồng Lam

Chuyên mục khác