20/06/2020 06:09
Dù rất hăng hái khi đăng ký viết bài “tâm sự chuyện nghề sương sương” nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 nhưng đã mấy ngày rồi mà tôi vẫn bí rị, chẳng nghĩ nổi ra một ý chứ đừng nói gì đến chuyện viết lách.
Kể ra thì “đề tài” cũng không khó, nhưng cũng chẳng dễ. Lâu nay, “mảng” kỷ niệm nghề nghiệp đã được khai thác khá kỹ rồi. Người mới vào nghề thì kể lại những ngày đầu đáng nhớ; người làm lâu năm thì nhắc lại những “tai nạn nghề nghiệp” khó quên…, giờ mình viết nữa sẽ nhàm.
Hay viết về những người mà mình mến mộ trong làng báo? Càng không nên. Viết không khéo lại phản tác dụng.
Thôi thì đã trót đăng ký phải ráng. Không viết về người khác được, đành đem chuyện mình ra “khoe” vậy. Chỉ mong bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc không cười trước mặt là may rồi.
Tôi đi theo nghiệp báo cũng là chuyện tình cờ. Quê tôi vốn là một vùng bán sơn địa ở cực bắc miền Trung nghèo xơ xác. Hồi ấy ở làng, học hết cấp 3 đã là chuyện hiếm, bạn bè cùng lứa tuổi với tôi bỏ học gần hết. Cũng vì nghèo quá, phải ở nhà cày cuốc.
Năm cuối cấp, trong khi bạn bè náo nức chọn trường thi thì tôi vẫn lúng túng chẳng biết chọn hướng nào. Bố mẹ muốn tôi thi vào trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh vì chi phí học hành ít tốn kém, lại gần nhà, thời gian học ngắn, ra trường có việc làm là có thể giúp bố mẹ nuôi các em.
Trong thâm tâm tôi không muốn đi theo nghề "gõ đầu trẻ" tý nào, nhưng thấy hoàn cảnh nhà mình như vậy cũng đã nghiêng theo ý bố mẹ, nếu như không có một ngày, ông chú rể về chơi bỗng dưng ngó tôi lom lom rồi nói: Chú thấy mày cũng có khiếu viết lách đấy. Hay đi theo nghề của chú quách cho rồi. Chú sẽ nói với bố mẹ cháu.
Chẳng là chú tôi làm phóng viên cho tờ báo của tỉnh. Do ở xa, chú cháu ít gặp nhau nhưng tính ông xởi lởi, dễ gần nên tôi rất quý chú. Hồi nhỏ, tôi thấy chú rất... oách, có đông bạn bè, nhiều người làm cán bộ xã, cán bộ huyện. Thỉnh thoảng chú về xã công tác, ở nhà tôi, sau khi hỏi han chuyện học hành của mấy anh em, chú cười rổn rảng “Khá, thằng này thế mà khá”. Đôi khi cao hứng, chú còn xách cái máy ảnh ra dạy tôi chụp.
Cô tôi ngồi gần đấy bĩu môi: Thôi đi ông, tưởng hay lắm đấy. Hết chuyện hay sao lại rủ nó đi theo cái nghề "lông bông" ấy. Đừng dại cháu ơi...
Rồi cô kể lể: Nhiều lúc thấy bực mình chết đi được. Vợ đau con ốm mà cứ đi biền biệt. Được hôm ở nhà thì cứ đi ra đi vào, vò đầu bứt tai như bị bệnh; có hôm đang nằm ngủ bật dậy chong đèn làm việc. Ai đời, trong nhà hết tiền hết gạo, bị vợ cằn nhằn, hôm sau đã thấy ông ấy bê lên mặt báo. Rõ chán... Chú lại cười khà khà: Vậy mà bao nhiêu năm có bỏ được cái "rõ chán" này đâu.
|
Cứ tưởng nói chơi, ai ngờ chú tôi thuyết phục được bố mẹ tôi thật. Thế là tôi nộp hồ sơ dự thi vào Khoa Báo chí trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (bây giờ là Đại học KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội) trong ánh mắt ngạc nhiên của lũ bạn trường huyện - vì hồi ấy ở quê tôi, học báo chí là cụm từ khá xa lạ.
Cũng nghĩ đi thi cho vui, nên làm thêm hồ sơ thi trường CĐSP tỉnh để "sơ cua". Ai ngờ lại trúng. Hôm liên hoan gia đình cho tôi nhập học, chú tôi nhìn vợ hể hả nói: Nhà này sẽ có 2 nhà báo nhé. Từ nay có "đồng minh" rồi. Tôi biết, trong buồng, bố mẹ tôi đang đau đầu chuyện lo tiền nong cho tôi nhập học. Vậy là trên vai bố mẹ thêm trĩu nặng gánh lo toan.
4 năm đại học dài đằng đẵng rồi cũng kết thúc. Suốt 4 năm ấy tôi đã làm đủ việc để có thể tiếp tục học hành. Có ai ngờ từ việc "đi thi cho vui", nghiệp báo lại "bám riết" lấy tôi cho đến giờ, và có lẽ sẽ đến khi nhận sổ hưu (nếu may mắn... được nhận).
Tròn 21 năm sau ngày ra trường là từng ấy thời gian tôi đèo bòng với cái nghiệp cầm bút, và cũng từng ấy thời gian tôi gắn bó với Báo Kon Tum. Tuy chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để tôi nếm trải những thái cực trong cuộc sống mà nghề nghiệp mang lại: hạnh phúc và đau khổ, được và mất, vui và buồn… Đổi lại những ngày dài rong ruổi khắp các nẻo đường, những đêm thâu đánh vật với từng con chữ là dăm ba bài viết mà đồng nghiệp đánh giá “tạm gọi là được”.
Với tôi, thế đã là tự hào lắm.
Nghề nghiệp cho tôi nhiều chuyến đi ăm ắp hơi thở cuộc sống. Tôi đã háo hức đi trên con đường vắt trên những triền núi, băng qua những lòng thung, cảnh đẹp như tranh thủy mặc, để vào huyện mới Tu Mơ Rông... Đã ngược trên cheo leo đá núi đến Mường Hoong, Ngọc Linh; thăm thẳm trên những con đường ẩn hiện trong mây mù vào Mô Rai; phơi phới vượt qua những sườn núi vàng rực dã quỳ thăm Đăk Na, Đăk Sao; lầm lũi xuyên rừng, lội suối vào Ngọc Tem, Đăk Ring heo hút... Mỗi chuyến đi đều thấm ngọt những câu chuyện về đời người, hồn đất, sâu sắc, trầm lắng.
Để bây giờ, có thể tôi cũng ba hoa được dăm câu chuyện về những vùng đất tôi đã đi qua, những con người tôi đã gặp mà không cảm thấy ngượng ngùng.
Nghề nghiệp cũng cho tôi những nỗi buồn, những trăn trở rất… nghề nghiệp. Ngay khi vào Kon Tum, tôi đã dò tìm được sạp báo trên đường Trần Hưng Đạo, sau đó dành dụm tiền mua một hai tờ báo mỗi ngày. Thói quen ấy được tôi duy trì trong suốt hơn 20 năm qua.
Thời gian làm thay đổi nhiều thứ. Bà chủ đã già, sạp được giao lại cho con gái, nhưng khách quen như tôi trở thành “hàng hiếm”.
Những thay đổi của thời đại công nghệ, với những hạ tầng xuất bản mới, tạo ra nhiều khó khăn đáng kể cho hoạt động báo chí. Hồi tôi mới vào nghề, có những tờ báo vẫn còn bán chạy tới mức mỗi buổi sáng, sạp báo chen chúc người đứng chờ mua; không ít người đến để “đọc ké”. Do là khách quen nên tôi được bà chủ ưu tiên để dành, thế đã là sướng lắm.
Nhiều năm qua, báo in luôn loay hoay tìm cách để cạnh tranh, để “sống được” trước sức ép của báo điện tử, với mạng xã hội. Báo đảng cũng không là ngoại lệ, dù vẫn “được tiếng” là bao cấp. Bây giờ tất cả thông tin đều có thể đọc trên báo mạng, nên ít người mua báo in - cô chủ sạp than thở.
Thực tế ấy buộc báo in phải thích ứng, thay vì “buộc” độc giả đọc những gì mình “đưa” thì phải tự đi tìm độc giả, và cung cấp những gì độc giả “muốn” đọc, tức là chăm sóc thói quen đọc của họ. Tất nhiên tiêu chí về đáp ứng thị hiếu ở mỗi tờ báo mỗi khác, trong đó tiên quyết là không rời xa tôn chỉ, mục đích của mình.
Trước ngày 21/6 năm nay, ngày của những người làm báo Việt Nam, tôi đi mua báo như thường lệ, cô chủ ngậm ngùi thông báo có thể sẽ đóng cửa sạp vào ít ngày nữa. “Có nhiều người hỏi: Cứ cố giữ cái sạp báo ấy làm gì, mặt bằng đẹp, sao không chuyển đổi đi, cứ bán báo như thế này thì mất nhiều hơn được? Thật tình, suốt bao nhiêu năm thay mẹ duy trì sạp báo này chưa bao giờ em tính đến chuyện được hay mất” - cô rủ rỉ.
Cũng có người bạn từng hỏi: Làm báo nhiều năm, ông được gì và mất gì? Ừ nhỉ - tôi giật mình - đã bao giờ mình tự hỏi đã được gì và mất gì đâu.
Tôi vẫn nhớ những lời khen của bạn bè, đồng nghiệp; cái bắt tay thô ráp của một lão nông; lời mời cơm nhiệt tình của bà mẹ vùng sâu. Tôi cũng nhớ cái quay ngoắt của một người mới hôm qua còn tay bắt mặt mừng chỉ vì một bài phản ánh trung thực...
Quên làm sao được, nhưng đó chính là những dư vị của cuộc sống mà nghề nghiệp đem lại, mà tôi dù muốn hay không, cũng đều nhận một cách trân trọng. Có lẽ vì vậy mà tôi chưa bao giờ băn khoăn về chuyện "được hay mất" sau từng ấy năm làm báo.
Và mãi về sau này cũng sẽ như vậy!
Thành Hưng