12/03/2018 13:01
Trong những ngày qua, câu chuyện cô giáo ở Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, Long An) sau khi phạt học sinh vi phạm bằng hình thức quỳ gối đã bị một số phụ huynh đến trường gây áp lực, bắt cô phải quỳ gối xin lỗi lại trước sự chứng kiến của nhiều người trong thời gian 40 phút, chưa kịp lắng xuống thì mới đây, ngày 2/3, một học sinh lớp 8 tại trường Trung học cơ sở Tân Thạch (huyện Châu Thành, Bến Tre) đã có hành vi bóp cổ, đe dọa giáo viên tiếng Anh ngay tại lớp học, đã khiến dư luận bất bình, phẫn nộ.
Thật ra, hai vụ việc vừa xảy ra nêu trên chỉ như giọt nước làm tràn ly. Bởi trong nhiều năm gần đây, tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo đang có chiều hướng gia tăng. Một số học sinh, sinh viên dùng đủ trò để trả thù, “khủng bố”, đe dọa thầy cô giáo từ ngôn ngữ đến hành động, thậm chí còn dùng hung khí chém thầy cô đến trọng thương. Nhiều phụ huynh thì một mực bênh con nên đã kích động, xúi giục con có những lời nói, hành động bất kính với thầy cô; có phụ huynh chỉ vì bất bình với với hình thức phạt con của cô giáo đã kéo cả gia đình đến trường hành hung giáo viên đến mức phải nhập viện…
Thực tế cho thấy, để xảy ra những vụ việc đau lòng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chính các thầy cô chưa sử dụng đúng các biện pháp giáo dục, kỷ luật tích cực; có thầy cô còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu gương mẫu trước học trò, kỹ năng ứng xử sư phạm kém…Tuy nhiên, với bất kỳ lí do gì thì việc phụ huynh, học sinh hành hung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo là hành động không thể chấp nhận được, thể hiện xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội, của việc đối nhân xử thế, đã xem nhẹ, coi thường, chà đạp lên truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Từ xa xưa, người dân Việt Nam vốn đã có tinh thần hiếu học và luôn biết ơn người có công dạy dỗ mình, dù người ấy chỉ dạy mình một chữ hay nửa chữ. “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” luôn được ông bà, cha mẹ răn dạy con cháu là một đạo lý làm người thật đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc, nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết ơn, kính trọng cha mẹ, thầy cô- những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng ta nên người.
Cha mẹ cho ta hình hài, thầy cô cho ta kiến thức. Để thành danh trên cuộc đời, chúng ta không thể nào quên đi sự dạy bảo ân cần của người thầy- những người “lái đò” vất vả, miệt mài đưa các thế hệ học trò cập bến tương lai.
“ Ngày đầu tiên đi học, em mắt ướt nhạt nhòa. Cô vỗ về an ủi, ôi chao sao thiết tha”. Hình ảnh người thầy chu đáo, ân cần đã khắc sâu vào tâm hồn của tất cả những ai đã từng được cắp sách đến trường. Thầy cô chính là người cha, người mẹ thứ hai, cầm tay uốn nắn cho ta từng con chữ, mang đến cho ta kho tàng kiến thức, dạy ta cách làm người. Vượt lên tất cả mọi khó khăn, vất vả, ước muốn duy nhất của thầy cô là học trò của mình trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân có ích cho xã hội…
“Không thầy đố mày làm nên” là sự khẳng định vai trò, vị trí không thể thay thế của người thầy. Từ xưa đến nay, trong bất cứ thời đại nào thì vai trò của người thầy vẫn luôn được đề cao, được xã hội tôn vinh. Những hành động coi thường, chà đạp lên đạo lý đó cần phải lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm minh.
“Tôn sư trọng đạo”- truyền thống tốt đẹp của một dân tộc ngàn năm văn hiến và hiếu học cần được giữ gìn và phát huy.
Tuy nhiên, để nét đẹp văn hóa này mãi là dòng chảy không ngừng bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người Việt Nam thì “thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”. Theo đó, về phía các nhà giáo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để thực sự là những trí thức có nhân cách, làm tròn bổn phận “trồng người”, xứng đáng là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Về phía học sinh, phải biết lễ phép, kính trọng, biết ơn thầy cô. Với các bậc phụ huynh, thưởng- phạt là sự song hành trong giáo dục, vì thế, phụ huynh cần bớt đi cái nhìn phán xét thầy cô, hãy ứng xử có văn hóa, có tình người, nghiêm khắc dạy bảo con em mình biết tôn trọng, yêu quý thầy cô như chính người thân của mình.
Hoàng Thúy