20/06/2017 18:07
Lịch phát từ 16 đến 17h, nhưng hàng ngày, đầu giờ chiều, chị đã có mặt ở xã để tiếp nhận từ lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban và các ban, ngành, đoàn thể những nội dung cần phổ biến, tuyên truyền để chuẩn bị "tác nghiệp". Làn sóng FM lan tỏa đến tất cả 6 thôn, làng của xã không chỉ là chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, mà còn là những thông báo, thông tin chỉ đạo cập nhật của lãnh đạo địa phương được bà con rất trông đợi.
Khiêm tốn với khoản phụ cấp cán bộ bán chuyên trách cấp xã hơn 900.000 đồng/tháng, nhưng chị Trang cho hay vẫn gắn bó với công việc, làm hết tinh thần trách nhiệm để làn sóng FM đưa thông tin đến mọi người.
Trạm truyền thanh xã biên giới Sa Loong là 1 trong số hơn 100 trạm truyền thanh xã được đầu tư, chủ yếu thông qua chương trình mục tiêu đưa thông tin về cơ sở, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo và dự án nâng cao năng lực phủ sóng truyền thanh cơ sở của Chính phủ trong những năm qua.
|
Chưa kể đến chủ đầu tư Sở Thông tin Truyền thông và Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2011-2014, trong khuôn khổ triển khai Dự án Nâng cao năng lực phủ sóng truyền thanh cơ sở của Chính phủ, Đài PT- TH tỉnh đã đầu tư lắp đặt 34 máy FM với 515 cụm loa không dây đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, hệ thống truyền thanh FM được lắp đặt đã được vận hành tốt, đảm bảo duy trì hoạt động; góp phần tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành; thông tin chỉ đạo công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đến người dân.
Các trạm truyền thanh cấp xã được hình thành, do địa phương quản lý; song Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố luôn phát huy vai trò tham mưu xây dựng, phát triển mạng lưới truyền thanh cơ sở, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật... đảm bảo vận hành mạng lưới truyền thanh.
Thực tiễn cho thấy, hệ thống trạm truyền thanh có đóng góp to lớn trong việc đưa thông tin về cơ sở; tuy nhiên trong quá trình hoạt động của hệ thống này còn có những vướng mắc cần sớm được quan tâm tháo gỡ.
Trước hết, mặt dù đã được đầu tư mỗi xã một trạm truyền thanh, song diện phủ sóng vẫn là vấn đề đáng quan tâm của các địa phương. Do đặc thù địa bàn đồi núi, địa hình chia cắt phức tạp, nên khả năng phủ sóng của nhiều trạm truyền thanh xã bị hạn chế, không thể đến được một số khu dân cư vùng lõm, vùng xa.
Hoạt động của các trạm truyền thanh chủ yếu là tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và một phần nội dung của đài tỉnh, đài huyện; việc tự sản xuất các chương trình của địa phương hầu như còn bị bỏ ngỏ; chủ yếu là đọc các thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn... mang tính cấp bách, thời sự phục vụ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ở đài truyền thanh cấp xã, mỗi nơi cơ bản đều đã được bố trí một nhân viên trực đài, song hầu hết là “tay ngang”, thiếu kiến thức chuyên môn, chưa thể chủ động xử lý các tình huống hư hỏng, bất lợi vì hư hỏng thiết bị. Hoạt động của các đài còn "nghiệp dư", chưa có quy chế hoạt động cụ thể.
"Trên cơ sở tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đầu tư, quản lý, sử dụng hệ thống truyền thanh cơ sở, Đài PT- TH tỉnh sẽ chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại trong hoạt động của các trạm truyền thanh cơ sở; góp phần tiếp tục phát huy hiệu quả đưa thông tin về cơ sở" - Nhà báo Phan Cư - Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PT- TH tỉnh cho biết.
Thanh Như