Trường THPT Kon Tum tích cực hóa hoạt động của người học

11/02/2019 13:09

​Đón đầu chương trình giáo dục phổ thông mới, Trường THPT Kon Tum đã chủ động đổi mới toàn diện phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, lấy người học làm trung tâm, tích cực hóa hoạt động của người học để đáp ứng việc phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Thầy Nguyễn Ngọc Duyệt - Hiệu trưởng Trường THPT Kon Tum cho biết, ngay khi nắm lộ trình chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã triển khai các hội thảo, cùng nghiên cứu, tập trung đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.

Theo đó, thay vì giảng dạy theo kiểu truyền thống – 1 chiều: giáo viên giảng, học sinh ghi chép, chọn người học làm trung tâm, nhà trường thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học của học sinh để thực hiện ngay cả trên lớp và ngoài giờ học. “Theo định hướng của nhà trường, chúng tôi đầu tư, thiết kế bài giảng, chuyển hoạt động dạy sang hoạt động học, giúp học sinh tư duy, hứng thú tìm hiểu, khám phá kiến thức, tương tác với giáo viên. Đặc biệt, giáo viên cập nhật một cách nhạy bén các tư liệu liên quan đến bài học, giúp học sinh thể hiện khả năng trình bày, phản biện, nhận xét, qua đó nắm kiến thức sâu hơn, kỹ hơn” – cô Phạm Như Dạ Thảo – Tổ trưởng tổ Ngữ văn chia sẻ.

Học sinh chủ động tương tác với giáo viên trong các giờ học. Ảnh: B.A

 

Tích cực hóa hoạt động của người học, nhà trường còn chú trọng tổ chức nhiều buổi ngoại khóa, tăng các hoạt động thực hành thí nghiệm, hướng dẫn giúp học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật… Đồng thời xây dựng các câu lạc bộ: câu lạc bộ tiếng Anh, câu lạc bộ văn học để học sinh chủ động tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ kiến thức…

Em Nguyễn Thị Anh Thư, lớp 12D1 chia sẻ: “Với phương pháp dạy mới, chúng em chủ động chuẩn bị kỹ bài học; tham gia các câu lạc bộ cùng trao đổi, tìm hiểu thêm kiến thức từ bên ngoài để tương tác với giáo viên, với các bạn trong lớp, trong nhóm. Chính việc chủ động đã giúp chúng em tiếp thu kiến thức tốt hơn đồng thời nhớ và hiểu bài lâu hơn”.

Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy, nhà trường cũng đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá thường xuyên bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp, đánh giá qua hồ sơ, sản phẩm học tập, dự án học tập nghiên cứu khoa học kỹ thuật, kết quả thực hành khởi nghiệm, qua các bài thuyết trình, thực hiện nhiệm vụ học tập. Việc đánh giá đa dạng, không thô ráp vừa giúp các em chủ động, linh hoạt hơn trong việc học, đồng thời tạo tiền đề để các em phát huy được năng lực của mình.

Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo phương pháp mới, cùng với sự đầu tư, thiết kế bài giảng, thầy cô giáo còn tích cực tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Đồng thời, mỗi tổ chuyên môn thường xuyên đăng tải sản phẩm về chủ đề dạy học trên mạng “trường học kết nối” và trên website của nhà trường để giáo viên cùng trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm.

“Đổi mới phương pháp và hình thức dạy học đã đem lại hứng thú, phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung phát triển năng lực nghề nghiệp để đem lại chất lượng cao nhất”- thầy Duyệt nhấn mạnh.

Bình An

Chuyên mục khác