26/12/2020 13:03
Nhắc đến thôn trưởng Y Ró, bà con ai nấy đều nhận xét rằng Y Ró có lối sống rất giản dị, gần gũi với bà con; luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của người dân và trả lời, hoặc giải quyết kịp thời.
Tại cuộc họp thôn để bầu thôn trưởng vào năm 2010, xét thấy Y Ró có trình độ học vấn, kiến thức và rất nhiệt tình trong công việc nên bà con đã thống nhất bầu chị làm trưởng thôn. Thời gian đầu, Y Ró rụt rè, chưa mạnh dạn nên phát biểu trước tập thể còn lúng túng. Tuy nhiên, Y Ró đã rất nhanh chóng tiếp cận công việc, kịp thời tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Những chuyến thăm, trò chuyện của Y Ró với các hộ trong thôn đã trở thành hình ảnh rất quen thuộc, chị cùng các gia đình trao đổi cách tháo gỡ khó khăn, nhất là về lĩnh vực phát triển kinh tế. Tình cảm của người dân với trưởng thôn Y Ró cũng từ đó sâu đậm hơn.
|
10 năm qua, trưởng thôn Y Ró đã đóng góp nhiều vào việc phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn thôn. Thấy bà con còn nhiều khó khăn, Y Ró tích cực vận động người dân vay vốn để đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Điển hình như hộ A Bình nhiều năm trước đây luẩn quẩn trong vòng đói nghèo, Y Ró đã chủ động đến vận động gia đình mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2017, A Bình vay 32 triệu đồng mua 1 con trâu sinh sản. Sau 3 năm chăm sóc, trâu mẹ đẻ thêm 3 con. Có tiền bán trâu, A Bình trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư trồng cây dược liệu. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, gia đình A Bình được công nhận thoát nghèo.
Từ sự vận động của trưởng thôn Y Ró và các đoàn thể, đến nay, tỉ lệ hộ nuôi trâu sinh sản trong thôn đã đạt 80%, tất cả các hộ này đều làm chuồng trại có mái che cho gia súc. Nhiều hộ dân có thu nhập ổn định từ các loại cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, bời lời, sâm dây, đương quy. Hầu hết các hộ trong thôn đều có nhà vệ sinh tách biệt với nhà ở. 100% trẻ em đi học đúng độ tuổi; tỷ lệ sinh con thứ 3 tại thôn đã giảm đáng kể. Các phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ, người dân khi đau ốm không còn mời thầy cúng mà đã đến trạm y tế để khám, chữa bệnh kịp thời. Mỗi năm, thôn có từ 1- 2 hộ thoát nghèo, hiện thôn chỉ còn 6 hộ nghèo trong tổng số 80 hộ. Thôn Măng Pành nhiều năm liền giữ vững danh hiệu thôn văn hóa.
Hiện tại, Y Ró đang tiếp tục theo học cử nhân chuyên ngành Quản lý nhà nước của Đại học Quy Nhơn để không ngừng nâng cao trình độ và nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ.
Đánh giá về Y Ró, ông Trần Văn Nết - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết: “Tuy còn trẻ nhưng Y Ró rất được Đảng ủy và UBND xã tin tưởng; các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của cấp trên được Y Ró triển khai kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả. Vai trò đi đầu, gương mẫu của trưởng thôn Y Ró đã được phát huy rất tốt, tạo cơ sở để xây dựng nông thôn mới”.
Tấn Lộc