Trường PTDTNT huyện Kon Rẫy tạo nguồn nhân lực chất lượng

09/01/2018 06:12

​Những ngày đầu năm nay, chúng tôi có dịp về thăm Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Rẫy - nơi đã đào tạo, nuôi dưỡng và rèn luyện nhiều thế hệ học sinh các dân tộc trong huyện.

Tâm sự với chúng tôi, em Y Hà - học sinh lớp 12B của trường cho biết: Gia đình em ở làng Kon Bđẻ, xã Đăk Ruồng, nhưng từ năm học lớp 6, ba mẹ đã chọn ngôi trường này để cho em học tập. Khi vào học, em được thầy cô giáo dìu dắt, thương yêu, giúp đỡ, nên em xem đây là ngôi nhà thứ 2 của em. Em mong muốn, sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ thi vào ngành sư phạm để sau này về dạy dỗ các em nhỏ tại thôn làng mình sinh sống.

Còn em A Triển - học sinh lớp 12A của trường tự hào kể: Từ khi lên lớp 7, em vào học tại ngôi trường này. Những năm qua, em luôn được Ban Giám hiệu nhà trường và Ban Chấp hành Đoàn trường đánh giá cao về năng lực cũng như sự nhanh nhẹn, hoạt bát, năng động trong các phong trào học tập, sinh hoạt nội trú do nhà trường phát động.

Học sinh lớp 12 Trường PTDTNT huyện Kon Rẫy ôn bài cũ vào buổi tối

 

Cô giáo Lê Thị Thu Hương - Bí thư Đoàn trường cho biết: Trong năm qua, Đoàn trường thường xuyên phối hợp với Tỉnh đoàn và các Đoàn trường đại học trên địa bàn tỉnh tiến hành tư vấn hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh cho học sinh các khối: 9, 11, 12, đồng thời tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma túy học đường, phòng chống tội phạm, tuyên truyền về biển đảo, tham gia công trình thanh niên, công trình măng non…. Nhờ đó, nhà trường đã có 5 đoàn viên đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, 1 đoàn viên đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua”, 5 đoàn viên tham gia các cuộc thi do nhà trường phát động về dạy giỏi, tự làm đồ dùng dạy học và có 163 đoàn viên học sinh đạt hạnh kiểm tốt.

Thầy giáo Trần Đạo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Năm học 2017-2018, nhà trường đã được tỉnh biên chế 35 cán bộ, giáo viên, trong đó 3 cán bộ quản lý và 32 giáo viên trực tiếp giảng dạy 295 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, trong đó có 215 học sinh dân tộc thiểu số. Để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững vàng về phẩm chất chính trị, có năng lực chuyên môn, giữ vững nề nếp, kỷ cương, có tình thương yêu và trách nhiệm đối với học sinh. Từ công tác tổ chức, quản lý điều hành, xây dựng kế hoạch chuyên môn cho đến các hoạt động ngoài giờ lên lớp, công tác tự quản, sắp xếp chỗ ăn ở cho học sinh nội trú, nhà trường luôn bố trí khoa học để học sinh phát huy được hiệu quả học tập, đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi thao giảng, dự giờ theo qui định nhằm trao đổi chuyên môn để rút kinh nghiệm, đảm bảo các tiết "dạy tốt, học tốt".   

Đối với học sinh nội trú, nhà trường luôn tổ chức ăn ở đúng theo nề nếp trong ngày dưới sự chỉ dẫn của cán bộ giáo viên phụ trách. Cụ thể, sau buổi ăn tối hàng ngày, các em được xem ti vi tập thể tại hội trường khoảng 30 phút với nội dung “Chuyển động 24h”, vì đây là chương trình thời sự có nhiều vấn đề liên quan đến đời sống xã hội và sự kiện nổi bật trong nước. Thông qua chương trình thời sự này đã giúp các em nắm bắt thông tin để phục vụ một số môn học như lịch sử và địa lý. Sau đó, các em trở về lớp ôn bài cũ và xây dựng đề cương cho bài mới. Trong không gian học tập này, các em được trao đổi bài thoải mái, chỗ nào không hiểu có thể nhờ cô giáo phụ trách trực buổi tối hướng dẫn và đến 21h cùng ngày, các em về lại phòng ngủ để chuẩn bị cho một ngày mai học tập tốt hơn.

Không những thế, Ban Giám hiệu nhà trường còn chỉ đạo Công đoàn và Đoàn Thanh niên tổ chức thực hiện các mô hình về “Vườn rau sạch” nhằm tăng thu nhập cho quỹ lớp sinh hoạt, hoặc mô hình “Heo đất tình bạn”, phong trào “Áo ấm tặng bạn”, tham gia dọn vệ sinh môi trường tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện, đồng thời tổ chức chương trình “Đố vui để học” và chương trình “Rung chuông vàng” nhằm nâng cao kiến thức xã hội và kỹ năng sống cho học sinh…

Nhờ vậy, kết quả học tập của học sinh ngày một nâng lên, học kỳ I vừa qua, toàn trường đã có 1 học sinh giỏi, 53 học sinh khá, không có học sinh kém.

Phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần hoàn thành sự nghiệp “trồng người” và xứng đáng là lá cờ đầu của ngành Giáo dục huyện với nhiệm vụ cao cả là tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số.

Bài và ảnh: Nguyên Hà

Chuyên mục khác