Trường học khang trang nhờ xã hội hóa

21/05/2017 06:46

​Nhờ huy động, thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục mà các trường trên địa bàn thành phố Kon Tum ngày càng được xây dựng khang trang, bảo đảm, đáp ứng chất lượng dạy và học cũng như sức khỏe cho học sinh.

Năm học 2007 - 2008, Trường Tiểu học Ngô Quyền được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Sau khi đạt chuẩn, nhà trường vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đảm bảo các tiêu chí về cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Cô Vũ Thị Vân - Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, việc huy động xã hội hóa được nhà trường làm từng bước, theo đúng quy trình, công khai nên phụ huynh học sinh cũng như các mạnh thường quân nhiệt tình hưởng ứng.

“Nhà trường cùng với phụ huynh bàn bạc, định hướng xem hạng mục nào làm trước, hạng mục nào làm sau. Sau khi có sự thống nhất, đồng ý của phụ huynh, chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục, trường sẽ thu các khoản đóng góp của phụ huynh. Nhờ được phụ huynh, mạnh thường quân ủng hộ, nhà trường đã làm được rất nhiều hạng mục, công trình” - cô Vân cho hay.

Như năm học 2013-2014, từ nguồn xã hội hóa, Trường Tiểu học Ngô Quyền là trường đầu tiên trên địa bàn tỉnh làm được mô hình biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Cũng nhờ xã hội hóa, từ năm 2015 đến 2017, nhà trường đã làm được vách cách âm giữa các phòng học, đảm bảo việc dạy và học theo mô hình VNEN; sửa chữa, làm mái che ra nhà vệ sinh; làm được phòng giáo dục thể chất. Và đặc biệt, trong năm học 2016-2017, từ nguồn tiết kiệm ngân sách nhà nước và xã hội hóa, trường đã làm được một phòng máy tính gần 300 triệu với 33 máy.

Nhờ nguồn xã hội hóa, Trường Tiểu học Ngô Quyền đã xây dựng được phòng máy khang trang.Ảnh: B.A

 

Bên cạnh việc nhà trường kêu gọi, với mong muốn việc học tập của con em mình tốt hơn, nhiều phụ huynh học sinh đã tự nguyện đóng góp, mua 67 bộ bàn ghế lục giác. “Nhờ xã hội hóa, nhờ sự đóng góp của phụ huynh nên chúng tôi đã giữ vững được các chỉ tiêu đạt chuẩn đồng thời xây dựng trường lớp khang trang, sạch đẹp hơn.” - cô Vân chia sẻ.

Trường Mầm non Tuổi thơ (phường Quyết Thắng) được nhận Bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia cấp độ I năm học 2010-2011. Dù đạt chuẩn nhưng trường vẫn còn nợ về tiêu chí cơ sở vật chất. “Cùng với việc giữ vững các tiêu chí khác, chúng tôi cũng cố gắng vận động, lập phương án phù hợp, kêu gọi xã hội hóa để hoàn thiện tiêu chí. Và đến nay, nhờ sự đóng góp của phụ huynh, chúng tôi đã trả được nợ tiêu chí về cơ sở vật chất” - cô Lý Thị Mươi - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Theo lời cô Mươi, từ năm học 2011 đến nay, qua công tác xã hội hóa, nhà trường đã huy động được gần 650 triệu đồng để xây dựng nhà ăn, lát gạch sân trường, làm nhà bảo vệ, lắp đặt camera tại các phòng học, làm nhà đa năng, trang bị 10 bộ máy tính. Cùng với đó, nhà trường cũng huy động phụ huynh mua giường cá nhân để phòng tránh các bệnh hô hấp cũng như bệnh ngoài da cho học sinh. Ngoài các khoản được định hướng đóng góp, nhiều phụ huynh còn tự nguyện mua bàn ghế ăn, ghế nhựa, mua banh để các cháu vui chơi, giải trí. Cùng với phụ huynh, một số doanh nghiệp cũng hỗ trợ thêm cát, bê tông, xi măng để làm cổng phụ cho trường.

Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền tự nguyện đóng góp tiền mua bàn ghế lục giác hỗ trợ việc học tập. Ảnh: B.A

 

Với Trường THCS Nguyễn Huệ, từ nguồn xã hội hóa, trường đã sửa chữa dãy phòng học, mua ti vi trang bị cho các lớp học năm học 2015-2016 với số tiền gần 160 triệu đồng. Trong năm học 2016-2017, trường đã thay lại nền gạch hành lang phòng học ở tầng trệt và phòng học dãy nhà lầu, trang thiết bị bàn ghế học sinh 4 phòng học với số tiền huy động 129 triệu đồng.

Cô Bùi Thị Ngọc Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết: Nhờ các nguồn vốn xã hội hóa mà nay trường đã khang trang hơn nhiều. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục huy động xã hội hóa để trả nợ tiêu chí về bàn ghế trước năm 2019.

Đánh giá về việc thực hiện xã hội hóa trong giáo dục trên địa bàn thành phố, ông Thái Khắc Hòa - Phó trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum cho biết, hiện nay một số trường cơ sở vật chất đã cũ, xuống cấp, quy mô trường lớp chưa đảm bảo, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Trong khi các nguồn vốn đầu tư cho các trường chỉ trông chờ từ nguồn ngân sách hạn hẹp của địa phương nên các nguồn kinh phí xã hội hóa đã giúp các trường hoàn thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học.

“Trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum sẽ tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm đóng góp, hỗ trợ phát triển sự nghiệp GD&ĐT của địa phương; quan tâm hỗ trợ giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời động viên, tiếp sức nhiều giáo viên, học sinh yên tâm giảng dạy, học tập” - ông Hòa cho hay.

Bình An 

Chuyên mục khác