Trước thềm năm học mới, nói chuyện “bệnh thành tích”

21/08/2023 06:07

Năm học mới 2023-2024 sắp bắt đầu cũng là lúc câu chuyện của một học sinh ở Bắc Cạn (khuyết tật trí tuệ dạng nhẹ) dù đã học đến lớp 7 nhưng vẫn chưa đọc thông viết thạo khiến dư luận băn khoăn. Băn khoăn bởi ở chỗ dù gia đình em đã xin nhà trường được ở lại lớp nhưng không được chấp thuận. Băn khoăn vì không có gì đau lòng hơn khi sự dễ dãi, sự né tránh, thương cảm của chính các thầy cô giáo đã khiến cho em học sinh (dẫu ở trong diện hòa nhập) vẫn mãi loay hoay xuất phát điểm ban đầu. Băn khoăn vì có lẽ đâu đó vẫn thấp thoáng “bệnh thành tích”.

Câu chuyện của em học sinh ở Bắc Cạn có lẽ không cá biệt. Qua từng năm, truyền thông, dư luận lại lên tiếng ở địa phương nọ, địa phương kia có học sinh dù đã lên tới bậc THCS nhưng chưa đọc thông, viết thạo. Có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng này. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ thiếu quan tâm, sâu sát, vì các em ham chơi, lười học. Vì thương cảm, vì tính nhân văn như trong trường hợp cụ thể của chính em học sinh thuộc diện hòa nhập ở Bắc Cạn này. Nhưng đối với những học sinh không thuộc diện hòa nhập dù đọc chẳng thông, viết chẳng thạo mà vẫn phải lên lớp, thì ngoài “thương nhau như thế bằng mười hại nhau” còn vì “bệnh thành tích”, sợ ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua, đến thành tích của lớp, của giáo viên, của nhà trường.

Vì thành tích (thể hiện cụ thể ở tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp cao…) để nhà trường giữ vững và nâng  mức độ đạt chuẩn quốc gia, vì danh hiệu thi đua của lớp, của chính giáo viên đã khiến cho những học sinh dẫu không đọc thông viết thạo (thậm chí có trường hợp gia đình xin ở lại lớp nhưng không được chấp thuận) vẫn cứ đều đặn lên lớp sau mỗi năm học. Hệ lụy của việc cứ lớp dưới “đẩy” lên lớp trên càng khiến cho học sinh hổng kiến thức, khó tiếp thu, chán nản học tập.

Chuẩn bị sách vở phát cho học sinh bước vào năm học mới. Ảnh: NP

 

Không chỉ là chuyện học sinh không đọc thông viết thạo mà vẫn đều đặn lên lớp, “bệnh thành tích” còn ở chuyện “làm đẹp” học bạ, nhất là khi có chủ trương xét tuyển học bạ vào các trường đại học. Mục tiêu ban đầu của việc tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ nhằm giảm tải trong thi cử, tạo động lực và khuyến khích học sinh học tập, tránh tình trạng học tủ, học lệch. Tuy nhiên, cơ chế này cũng tạo ra kẽ hở cho những “học bạ đẹp”. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã thay mặt cử tri tỉnh này gửi kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo  trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đề nghị nghiên cứu bỏ việc xét tuyển đại học qua học bạ, do đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ và “chạy điểm”.

Mới đây, sáng 15/8, tại buổi gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, một số giáo viên đề xuất, trong và ngoài trường học hiện có nhiều cuộc thi cho giáo viên và học sinh do Bộ hoặc địa phương phát động, khiến cho giáo viên gặp nhiều áp lực và mong Bộ giảm những cuộc thi không cần thiết. Cụ thể, có giáo viên cho rằng cuộc thi nghiên cứu khoa học chưa phù hợp với trình độ học sinh THCS, dẫn đến vừa hình thức vừa cuốn theo thành tích. 

Thực tế cho thấy, những cuộc thi tổ chức cho giáo viên và học sinh nhằm tạo cơ hội để giáo viên nâng cao năng lực dạy học, còn với các em học sinh nêu cao ý thức học tập, rèn luyện, học đi đôi với hành, trình bày các ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không ít cuộc thi đã biến thành “sân chơi” của “bệnh thành tích” – vì “bệnh” này không chỉ thể hiện ở thành tích học tập của học sinh với tỷ lệ lên lớp cao, nhiều học sinh giỏi hay số lượng giáo viên dạy giỏi mà còn ở cả con số thống kê có bao nhiêu học sinh, giáo viên đạt giải trong các cuộc thi do Bộ hoặc địa phương phát động.

Giáo viên Trường Mầm non Chim Non, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị năm học mới. Ảnh: NP

 

Còn nhớ, liên quan đến các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn lưu ý gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp với nội dung: “Giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước, không được “gà bài” trước cho học sinh. Khi thao giảng phải giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp”. Và Thông tư 22/2019/TT-BDGĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ nguyên tắc của hội thi giáo viên dạy giỏi phảo dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất.

Năm học mới 2023-2024 sắp bắt đầu. Những bất cập nảy sinh từ “bệnh thành tích” vẫn xuất hiện đâu đó rất cần có những điều chỉnh, khắc phục. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong buổi gặp gỡ với cán bộ, giáo viên, nhân viên mới đây cũng đã nêu rõ, từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các Sở rà soát và tinh giảm các cuộc thi không hiệu quả, tốn kém, ép buộc giáo viên và học sinh tham gia; không dùng kết quả những cuộc thi này để đánh giá thành tích và xếp loại giáo viên, học sinh. Và tất nhiên, không chỉ dừng lại ở những cuộc thi, điều mà phụ huynh, học sinh và cả cán bộ, giáo viên mong muốn, nếu không sớm rà soát, chấn chỉnh thì lâu dần những chuyện đọc chưa thông viết chưa thạo vẫn đều đặn lên lớp, rồi “học bạ đẹp”, điểm số ảo, thành tích ảo sẽ làm sai lệch đi mục tiêu tốt đẹp của phong trào thi đua dạy tốt, học tốt mà ngành Giáo dục đang triển khai, phát động.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác