24/09/2018 06:58
Trung thu đến luôn mang lại niềm vui bất tận cho những mỗi đứa trẻ. Đó là sự háo hức, mong chờ từng bịch bánh kẹo được phát đến tận nhà. Là những giây phút được phóng cả tầm mắt vào những con lân nhảy múa một cách cuồng nhiệt. Là sự sung sướng, khi chia nhau những chiếc bánh Trung thu thơm ngậy. Là niềm vui bất tận khi được cầm trên tay chiếc lồng đèn sáng lấp lánh, rạng ngời.
Ngày ấy, nhà tôi ở một khu phố nhỏ của Kon Tum. Như đã thành thông lệ, cứ mỗi Trung thu về, tôi và mấy anh trong xóm lại nô nức tập trung lại, vừa đi vừa ê a những câu hát không đầu không cuối, cứ như vậy rước đèn khắp xóm đến khi không thể đi nổi.
|
Vào dịp này, mỗi đứa đều phải có một chiếc lồng đèn mới thỏa được nỗi niềm. Cách Trung thu vài tuần, là đứa nào đứa nấy bận rộn chẻ tre, mua nến, chuẩn bị giấy kính màu, để tự làm ra chiếc lồng đèn thật đẹp của riêng mình. Vậy nên không khí Trung thu, luôn đến với chúng tôi từ rất sớm. Riêng tôi, thì không phải chuẩn bị gì nhiều, bởi tôi thường vòi bố mẹ mua cho lồng đèn máy chạy bằng pin…
Không phải tôi thích lồng đèn máy, mà bởi tôi không khéo tay được như các bạn và mấy anh trong xóm. Dù đã được mọi người hướng dẫn nhiều lần, tuy nhiên tôi vẫn chẳng thế làm nổi được chiếc lồng đèn nào! Tôi nhớ năm lớp 3, trường tôi tổ chức phong trào làm lồng đèn ông sao để ủng hộ các bạn vùng sâu vùng xa. Kết quả là mẹ với chị tôi phải hì hục đến tận 11 giờ đêm để hoàn thành giúp…
Lớn hơn một chút, quy mô và sự chuẩn bị cho mỗi dịp Trung thu cũng lớn. Trong 3 năm học THPT, vào trước Trung thu khoảng 1 tháng, chúng tôi đã chia nhóm và phân công công việc cụ thể cho từng người.
Lớp tôi khoảng 40 bạn, chia làm 2 nhóm. Nhóm con trai chúng tôi, chịu trách nhiệm vào xã Đăk Cấm để chặt tre, làm phần khung lồng đèn, nối các thân tre lại với nhau. Nhóm con gái, đảm nhiệm phần trang trí, tạo hình cho chiếc lồng đèn. Cứ như vậy chiếc lồng đèn cao hơn 5m với 2 người cầm được hình thành. Việc tiếp theo, chúng tôi lên kế hoạch và lộ trình cụ thể cho đêm rước đèn. Điểm bắt đầu sẽ là từ trường tôi, và sẽ kết thúc tại quảng trường thành phố.
Chỉ sau một đêm rước đèn, đứa nào cũng mệt lả người, nhưng cảm xúc về Tết Trung thu luôn để lại trong chúng tôi những dư vị không thể nào quên… Tôi tin rằng, đó là một phần “chất liệu quan trọng” để hình thành nên những ký ức kỷ niệm đầy sống động về một thời học sinh trong mỗi chúng tôi.
Tốt nghiệp THPT, tôi khăn gói rời quê hương Kon Tum, đi học đại học ở một thành phố lớn. Ở nơi đây, cảm nhận về Tết Trung Thu trong tôi ít nhiều cũng đã có thay đổi. Có lẽ chính vì cuộc sống bận rộn của vòng xoay lo toan cuộc sống phố thị, mà người lớn cũng ít bận rộn quan tâm đến những thú vui, những đồ chơi mang nét đặc trưng Trung thu cho trẻ nhỏ. Thậm chí, kể cả những em nhỏ, là những nhân vật chính của Tết Trung thu dường như cũng chẳng mặn mà với những chiếc lồng đèn, những con lân, mâm cỗ…
Và Trung thu năm nay, tôi đã có dịp theo chân những đoàn công tác, những chuyến xe từ thiện để cùng tham gia tổ chức Trung thu cho trẻ em vùng sâu, vùng xa ở nhiều địa bàn trong tỉnh.
Ở những nơi này, các em còn thiếu thốn nhiều thứ lắm! Cái ăn, cái mặc còn khó khăn, thì dường như ước ao về một Tết Trung thu đủ đầy vẫn còn là rất xa. Dù đã có rất nhiều những hoạt động tình nguyện được tổ chức, phần nào mang lại những âm hưởng, những ấm áp của Trung thu đến cho các em, nhưng dù vậy vẫn chưa thể phủ khắp…
Nhìn các các em nâng niu trên tay những chiếc lồng đèn được các cô, chú, anh chị trao tặng, tôi chợt thấy ấm lòng và những kỉ niệm ngày xưa ùa về xao động. Tôi thầm mong rồi một ngày không xa, các em sẽ được hưởng những cái Tết Trung thu đủ đầy, thật nhiều niềm vui và ấm áp tiếng cười bên bạn bè, gia đình, dù đó là bất cứ ở đâu.
Tất Thành