Trung thu ở làng

30/09/2020 13:05

Chẳng mấy chốc mà những đứa trẻ ở làng cũng lớn lên. Những mùa Trung thu năm cũ cũng lùi dần về miền thăm thẳm. Nhưng kí ức về những mùa Trung thu đơn sơ ở vùng quê nghèo vẫn mang một dư vị thật khác, gắn bó bền chặt vào tâm khảm những đứa trẻ lớn lên từ làng.

Chúng tôi lớn lên bằng những củ sắn, củ khoai vùi trong đống than đỏ, bằng những chén cơm thấm đẫm giọt mồ hôi chát mặn của mẹ cha. Cái ăn, cái mặc là điều được ưu tiên tất thảy. Những đứa trẻ chúng tôi, từ tấm bé, cũng chớm hiểu về sự thiếu thốn đó. Trung thu, chúng tôi háo hức chờ đón cái tết ấy theo một cách thật đặc biệt, đơn giản mà thật vui.

Hồi ấy, cứ khoảng độ gần tháng nữa là đến Tết Trung thu, các anh chị thanh niên lại tập trung mấy đứa trẻ trong làng lại. Từ các em nhỏ mẫu giáo bé đến những cô cậu bé học cấp 1, cấp 2 đều được các anh chị huy động vào đội hình văn nghệ hùng hậu của làng. Cứ đến 7 giờ tối là các diễn viên nhí từ những ngôi nhà vách nứa nằm lưa thưa trong làng tập trung về hội trường thôn. Lúc ấy, nhà vẫn thưa lắm, chưa có điện công lộ, hai bên con đường làng đầy đất cát là những bụi tre, bụi gai chằng chịt. Để đến được những buổi tập đó là những lần mấy đứa nhát ké như tôi phải chạy một mạch đến hụt hơi. Kể cũng phải, tinh thần văn nghệ lúc đó của những đứa trẻ như chúng tôi còn lớn hơn cả cái sợ sệt màn đêm đen kịt đó.

Ngay từ lúc mới tập văn nghệ thôi là chúng tôi đã có kha khá khán giả rồi. Những ngày gần đến Tết Trung thu, trên cánh đồng, ở nương rẫy, người lớn vẫn bàn tán, hỏi han về tình hình tập văn nghệ rồi việc chuẩn bị Trung thu cho trẻ em. Trung thu chẳng phải chỉ của thiếu nhi mà cả với những người lớn cũng háo hức chờ đợi.

Gần đến Trung thu, các bác cán bộ thôn tổ chức họp dân làng lại. Mỗi gia đình sẽ đóng góp vài ngàn đồng để mua bánh kẹo cho trẻ em. Tôi vẫn nhớ túi bánh kẹo khi đó, có vài viên kẹo cứng, không thể thiếu viên kẹo Nogar huyền thoại và ít bánh quy…

Ảnh minh họa

 

Đến đêm văn nghệ Trung thu, ngay từ khoảng 5 giờ chiều là các anh chị thanh niên đã tập trung các diễn viên nhí của làng lại. Có một hộp phấn nhỏ đã dùng vơi đến quá nửa và một thỏi son ngắn tủn ngủn màu đỏ chót được dùng để trang điểm chung cho cả hơn chục “cây văn nghệ nhí”. Tóc cột hai bên hoặc cột đuôi ngựa, nhiều thời gian hơn chút thì thắt bím lại. Nom qua chẳng ăn khớp với nhau nhưng những điều đó đều không quan trọng, bởi chúng tôi đang vô cùng háo hức… Trang phục biểu diễn mười bài y nhau. Hồi ấy không có điều kiện để thuê trang phục nên nhà đứa nào có váy thì đều mang đi phục vụ văn nghệ, ai vừa bộ nào thì mặc bộ đó. Đứa may mắn thì mặc vừa vặn, có đứa thì lại thùng thình như trùm hẳn chiếc bao.

Chương trình văn nghệ diễn ra trong hội trường thôn được trang trí dòng chữ “Vui hội trăng rằm” được cắt ghép từ những tờ giấy màu xanh đỏ. Những khán giả nhỏ tuổi hay lớn tuổi người đứng, người ngồi, ai đến muộn, hết chỗ ngồi trong hội trường thì phải đứng ngoài thò đầu nhìn qua ô cửa sổ.

Chương trình văn nghệ lúc nào cũng được mở màn bởi những tiết mục hát đơn ca, song ca của cả diễn viên nhí và các bạn nhỏ trong làng. Những câu đố vui cũng được các anh chị dí dỏm hỏi khán giả, và dù đoán đúng hay sai thì người chơi nào cũng được thưởng một viên kẹo. Những diễn viên nhí không chuyên của làng bắt đầu lần lượt biểu diễn thành quả của mình sau cả tháng trời tập tành vất vả. Mọi thứ diễn ra cũng không hẳn suôn sẻ bởi có đứa sẽ quên bài, có đứa đứng nhầm chỗ, nhưng khán giả vẫn đông nghịt. Tiếng vỗ tay, tiếng cười vang cả hội trường nhỏ. Những bông hoa dại, thậm chí cả những cành lá được hái vội ở vườn nhà cũng được những khán giả nườm nượp mang tặng đội múa sau mỗi bài biểu diễn. Thế mà, chương trình văn nghệ “Vui hội trăng rằm” của chúng tôi cũng kéo dài đến tận hơn 9 giờ tối mới kết thúc trong sự tiếc nuối của nhiều bạn nhỏ.

Dư âm của Trung thu sẽ còn đến hôm sau nữa, khi những đứa trẻ mang theo gói kẹo Trung thu được phát đêm văn nghệ đến lớp. Vừa ăn vừa trông cho đừng hết. Thật ngon!

 Rồi những đứa trẻ cũng lớn lên. Sinh ra từ làng, nâng bước từ làng, đi qua cái bóng của làng, chúng tôi vươn mình ra những miền đất rộng lớn. Chúng tôi biết đến những cái Tết Trung thu rộn ràng, rực rỡ ở phố thị, thật khác với những Tết Trung thu chúng tôi đã từng có. Thời gian như cánh thoi đưa, nhưng những mùa Trung thu xưa cũ, thiếu thốn mà ấm tình vẫn vẹn nguyên trong ký ức tôi.

Chung Loan

 

 

 

Chuyên mục khác