25/02/2019 13:00
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Một ngày giữa tháng 2, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà. 9h sáng, tại thời điểm “nóng” nhất trong ngày về số lượng người dân đến khám bệnh tại Khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu của Trung tâm, trái với tất cả suy đoán của chúng tôi về cảnh chen lấn nộp sổ khám bệnh, sự lo lắng của người bệnh và người nhà người bệnh ngồi chờ được gọi tên thì mọi quy trình khám bệnh ở đây đều diễn ra theo trật tự và nghiêm túc. Bệnh nhân đến khám bệnh tại đây chỉ việc lấy số theo thứ tự từ hệ thống tự động và chờ đến lượt vào đăng ký.
Hệ thống lấy số khám bệnh tự động được đặt tại cửa ra vào của khu phòng khám. Trên phiếu ghi rõ số thứ tự, ngày, giờ nhận phiếu. Tại khu vực làm thủ tục cho bệnh nhân và các phòng khám bệnh đều có bảng điện tử hiển thị số phiếu đến lượt, đồng thời các cụm loa cũng được lắp xung quanh để thông báo số thứ tự. Các nhân viên tại quầy tiếp đón phân loại bệnh theo từng chuyên khoa khám và chuyển lại phiếu khám bệnh cho từng bệnh nhân.
|
Chị Trần Thị Hằng ở thôn 12, xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) cho biết: Từ khi Trung tâm Y tế huyện thực hiện lấy số khám bệnh tự động, lại được các nhân viên y tế hướng dẫn tận tình nên thời gian khám, cấp thuốc cũng nhanh hơn so với trước kia.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà cho hay: Hiện nay, Trung tâm là đơn vị có số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nhiều thứ 3 trên địa bàn tỉnh, sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi. Mỗi ngày, Khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu đón nhận từ 200 - 250 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Để tránh tình trạng quá tải và tạo thuận lợi cho người bệnh, năm 2017, Trung tâm đầu tư hệ thống lấy số khám bệnh tự động.
Cũng theo bác sĩ Hà, từ khi hệ thống lấy số khám bệnh tự động được đưa vào áp dụng đã khắc phục được tình trạng chờ đợi lâu, chen lấn, tạo sự thông thoáng và trật tự khi đến khám bệnh của bệnh nhân, đồng thời, cũng giảm áp lực cho các cán bộ y tế. Hệ thống cũng góp phần hoàn thiện hơn quy trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu khám, chữa bệnh, từ tiếp nhận hồ sơ đến khám và điều trị.
“Ngoài đầu tư hệ thống trên, phòng khám cũng được chia thành các phòng khám nhỏ như: khám nội nhi, khám bảo hiểm y tế, khám giám định y khoa. Các quầy tiếp đón, trả kết quả khám, chữa bệnh; thu viện phí, lệ phí khám sức khỏe; lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; cấp phát thuốc bảo hiểm y tế… cũng được bố trí tại một khu vực để các bệnh nhân thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng” - bác sĩ Hà nói.
Bác sĩ Hà cũng chia sẻ thêm: Với phương châm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thời gian qua, tập thể cán bộ, y bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện luôn phấn đấu, nỗ lực học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử, hướng dẫn tận tình, giải đáp các thắc mắc… nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh.
Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn
Dẫn chúng tôi tham quan Khoa Ngoại tổng hợp - Chăm sóc sức khỏe sinh sản, bác sĩ Hà tự hào cho biết, đây là một trong những tập thể đạt nhiều thành tích của Trung tâm Y tế huyện. Tại đây, chúng tôi được gặp bác sĩ Lê Thị Thạc - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Bác sĩ Thạc chia sẻ, chúng tôi luôn chủ động trong việc khám và điều trị cho bệnh nhân. Sau khi khám và chẩn đoán, nếu phát hiện những ca khó, chúng tôi đều chủ động sàng lọc và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Do vậy, những năm gần đây, tại khoa không có ca nào bị tai biến hoặc trường hợp xấu xảy ra.
Bác sĩ Thạc nhớ lại, vào lúc 2h20' ngày 13/7/2017, Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà tiếp nhận một ca đang trên đường chuyển viện từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi về Bệnh viện Đa Khoa tỉnh, bệnh nhân là chị Y Nam (20 tuổi) trú tại huyện Xaysetha, tỉnh Attapư, nước Lào. Qua khám và chẩn đoán, bác sĩ Thạc xác định bệnh nhân đang trong tình trạng tiền sản giật, vỡ ối, đầu thai nhi lọt thấp (đã chui ra ngoài) nhưng bị vướng lại bởi vách ngăn âm đạo, thai 35 tuần, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ sinh non. Tình thế nguy cấp, nếu không can thiệp xử lý ngay, thai nhi và người mẹ sẽ tử vong. Không kịp gọi điện cho các bác sĩ đồng nghiệp tuyến trên, bác sĩ Thạc đã trực tiếp thực hiện kỹ thuật cột cầm máu hai bên vách ngăn, rạch vách ngăn để đưa thai nhi ra ngoài sau đó khâu tái tạo lại vách ngăn. Thai nhi chào đời là một bé trai. Những ngày sau đó, sức khỏe của chị Y Nam cùng cháu bé tiến triển tốt, cả hai được xuất viện trong niềm hân hoan của gia đình chị Y Nam và tập thể cán bộ, y bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp - Chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Qua chuyện kể của bác sĩ Thạc mới thấy, dù còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị (hiện nay Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà chưa có phòng phẫu thuật) nhưng tập thể cán bộ, y bác sĩ của Trung tâm đã vượt qua mọi khó khăn, không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, xử lý thành công nhiều ca kỹ thuật khó.
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà là bệnh viện hạng III với 140 giường bệnh, đơn vị có 9 bác sĩ sau đại học. Hàng năm, đơn vị luôn cử nhiều lượt cán bộ, y bác sĩ đi học tập để nâng cao chuyên môn với nhiều trình độ như: cao đẳng, đại học, sau đại học. Trong năm 2018, đơn vị đã cử 2 bác sĩ đi học chuyên khoa I và 1 bác sĩ đi học chuyên khoa II. Kế hoạch trong năm 2019, đơn vị sẽ cử 4 bác sĩ và năm 2020 cử 2 bác sĩ đi học chuyên khoa I.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà cho biết, trong thời gian tới, tập thể cán bộ, y bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà sẽ tiếp tục chú trọng việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ, y bác sĩ vừa có chuyên môn nghiệp vụ giỏi vừa có phẩm chất đạo đức, ý thức phục vụ tốt, đáp ứng các nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.
Bài, ảnh: Đức Thành