Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Giải quyết kịp thời hồ sơ của các tổ chức, cá nhân

21/10/2019 13:01

Qua 3 tháng chính thức đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã phát huy tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về tiếp nhận và giải quyết tích cực, kịp thời các hồ sơ, thủ tục hành chính công cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch tại đây.

Ông Trịnh Văn Minh - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18/7 với nhiệm vụ được giao là đầu mối “một cửa” cấp tỉnh tập trung hướng dẫn, thực hiện liên kết tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính công thuộc thẩm quyền của các sở, ngành cấp tỉnh khi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đến giao dịch theo quy định. Mục tiêu đặt ra của Trung tâm là đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của chính quyền; giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện. Song song đó, các tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ giao dịch tại đây còn được đáp ứng các dịch vụ công chứng, chứng thực, các dịch vụ bưu chính, công ích thuận tiện, nhanh chóng, giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí…

Gắn với các chức năng, nhiệm vụ trên, Trung tâm đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh quan tâm, đầu tư hệ thống thông tin một cửa điện tử, các trang thiết bị làm việc hiện đại để đáp ứng tốt công tác phục vụ hành chính công tỉnh như: Đã lắp đặt máy lấy số tự động, màn hình cảm ứng tra cứu hồ sơ; ứng dụng các tiện ích tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ nhanh qua mã số trên hệ thống thông tin một cửa điện tử; xây dựng tổng đài nhắn tin thông báo tự động khi có kết quả giải quyết trước hạn hoặc xin lỗi khi quá hạn giải quyết, đề nghị bổ sung hồ sơ…

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: TH

 

Đặc biệt, từ khi đi vào hoạt động đến nay, đơn vị đã bố trí bộ phận Cơ sở số 2 của Văn phòng đăng ký đất đai (thuộc bộ phận một cửa) của thành phố Kon Tum, đặt tại Trung tâm, nhằm kịp thời tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố về đăng ký biến động đất đai như thế chấp và xóa các thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn các ngân hàng thương mại; thay đổi, điều chỉnh chủ sở hữu, diện tích đất đai…   

Qua 3 tháng hoạt động, Trung tâm nhận được sự phối hợp tốt của các sở, ngành tỉnh trong việc phân công đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giao dịch tại bộ phận “một cửa” cấp tỉnh cơ bản đảm bảo có hơn 3 năm kinh nghiệm trong chuyên môn kiểm soát và giải quyết hồ sơ liên quan. Với điểm thuận lợi này, đến nay, công chức phục vụ hành chính công tỉnh đã phát huy tốt chuyên môn, nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ đúng theo quy định. Trong 3 tháng (18/7-18/10), Trung tâm đã tiếp nhận tổng số 5.622 hồ sơ. Trong đó, các sở, ngành đã phối hợp giải quyết 4.301 hồ sơ, với tỷ lệ hồ sơ trả kết quả giải quyết trước hạn so với quy định đạt 55,7%; trong hạn xử lý đang giải quyết 1.261 hồ sơ.

“Đáng chú ý, đối với các bộ hồ sơ của tổ chức hoặc cá nhân đến giao dịch nhưng chưa được xem xét, giải quyết đúng hạn đã hẹn theo quy định, cán bộ tại bộ phận trực đều có sự kiểm tra hàng ngày, tham mưu Trung tâm có văn bản nhắc nhở sở, ngành liên quan, đồng thời chuyển thư xin lỗi đến tổ chức, cá nhân với việc nêu rõ các lý do chậm trễ chưa giải quyết đề xuất, kiến nghị của họ và có hẹn lại thời gian trả kết quả lần sau…” - ông Minh nói thêm.       

Ông Minh cũng nêu, khó khăn hiện nay là, một số ngành chưa có phần mềm kết nối đồng bộ với bộ phận “một cửa” của Trung tâm, nên việc cập nhật thông tin, kết nối xử lý và giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính công cấp tỉnh còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như, hàng ngày, công chức tiếp nhận hồ sơ phải thao tác 2-3 lần, vừa nhập dữ liệu theo dõi trên hệ thống quản lý của Trung tâm, tiếp đó lại nhập vào hệ thống phần mềm riêng của ngành dẫn đến mất rất nhiều thời gian, công đoạn thực thi nhiệm vụ chung. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, bộ phận phục vụ thủ tục hành chính công tỉnh có 20 người, nhưng tiếp đón 280 - 300 khách đến giao dịch với tổng số 250 hồ sơ yêu cầu xem xét, xử lý.

Người dân được hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ tại Trung tâm. Ảnh: Dương Nương

 

Khó khăn nữa là, sau khi đi vào hoạt động, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức phục vụ bộ phận hành chính công tỉnh gần như túc trực 100% thời gian hành chính tiếp đón, giải quyết hồ sơ, nhưng họ chưa có các chế độ đãi ngộ, phụ cấp khác ngoài chi trả lương hàng tháng theo quy định bằng cấp. Do đó, nhiều anh chị em phục vụ nơi đây cũng kiến nghị UBND tỉnh, sở, ngành tỉnh trực tiếp quản lý, cử cán bộ công chức đảm trách công tác tiếp nhận, kiểm soát và tham mưu giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính công tỉnh, cần xem xét, hỗ trợ cho họ đảm bảo quyền lợi.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - công chức Sở Tài nguyên và Môi trường được phân công đảm trách công tác “một cửa” cấp tỉnh tại Trung tâm chia sẻ: Mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận 250 hồ sơ, trong đó lĩnh vực đất đai đã có đến 150 hồ sơ. Do đó, tôi và 2 đồng chí khác được đơn vị quản lý ngành dọc phân công trực luân phiên khá vất vả để tiếp nhận, kiểm tra và giải quyết từng vụ việc, hồ sơ về đất đai. Nhiều lúc dù đã quá giờ tiếp nhận hồ sơ, nhưng người dân vẫn chờ được giải quyết quá đông, nên anh chị em phải nán lại hỗ trợ, hướng dẫn cho họ…

Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ tại đây khá tích cực và đã góp phần thực hiện liên kết tăng từ 1.170 thủ tục hành chính công lên 1.383 thủ tục được liên thông các cơ quan thuộc thẩm quyền cấp tỉnh để giải quyết cho các cá nhân, tổ chức đến nộp hồ sơ tại đây. Những kết quả này đã và đang tạo sự minh bạch, hiệu quả cho quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới xây dựng mô hình chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

Trần Hà

Chuyên mục khác