22/09/2019 13:01
Ngay khi mới thành lập, Trung tâm đã ban hành Quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 15 khoa, phòng trực thuộc. Đồng thời, xây dựng Đề án vị trí việc làm trình cấp thẩm quyền phê duyệt và bố trí, sắp xếp công chức, viên chức, người lao động vào các vị trí làm việc phù hợp để duy trì tốt công tác chuyên môn; xây dựng và đề xuất các phương án sử dụng cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, tài chính trình Sở Y tế xem xét quyết định. Bên cạnh đó, hoàn thiện các thủ tục hành chính, hồ sơ chuyên môn, nghiệp vụ như hồ sơ cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám đa khoa thuộc đơn vị, ký kết hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, hồ sơ đào tạo liên tục…
Hàng năm, Trung tâm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật về lĩnh vực y tế dự phòng trên cơ sở định hướng chiến lược của Bộ Y tế, UBND tỉnh và tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời, tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, phòng chống bệnh không lây nhiễm, phòng chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, quản lý sức khỏe cộng đồng, khám phát hiện và điều trị dự phòng, cung cấp các dịch vụ y tế khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Bác sĩ Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trung tâm thành lập với bộ máy tinh gọn, tiết kiệm được nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Cụ thể, trước đây 7 đơn vị có 14 phòng chức năng làm công tác hành chính, 27 khoa chuyên môn, 221 biên chế và 18 giám đốc, phó giám đốc của các đơn vị. Sau khi nhập lại, Trung tâm chỉ còn 3 phòng chức năng làm công tác hành chính, 12 khoa chuyên môn, 174 biên chế và 4 giám đốc, phó giám đốc. Trước đây có 7 trụ sở làm việc, nhưng nay chỉ còn 4 trụ sở làm việc.
Mạng lưới y tế dự phòng được củng cố, phát triển theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối các đơn vị đã nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đồng thời các hoạt động chuyên môn được triển khai đồng bộ, thống nhất, bảo đảm đủ khả năng dự báo, kiểm soát các bệnh lây nhiễm, các bệnh không lây nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường, lối sống. Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phần lớn các chỉ tiêu chuyên môn nhà nước giao cho Trung tâm luôn đạt và vượt chỉ tiêu; các nguồn lực về chuyên môn như nhân lực và vật lực được tập trung, thuận lợi hơn trong việc quyết định và điều phối nhân lực để giải quyết các sự kiện y tế khẩn cấp cũng như các sự kiện y tế công cộng.
|
“Sau gần 2 năm hoạt động, Trung tâm đã tập trung ổn định tổ chức bộ máy, sắp xếp và phân công lại nhiệm vụ cho một số cán bộ, viên chức, người lao động phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ đã được đào tạo, nhằm phát huy thế mạnh của mỗi người trong công tác y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Trung tâm đã được xếp hạng II theo Quyết định số 05/QĐ-UBND ngày 4/1/2019 của UBND tỉnh, được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh theo Quyết định số 129/QĐ-SYT ngày 5/3/2018 và phê duyệt 246 danh mục kỹ thuật chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh áp dụng tại Trung tâm theo Quyết định số 132/QĐ- SYT ngày 8/3/2018, được Cục Khoa học-Công nghệ cấp mã đào tạo cho Trung tâm theo Quyết định số 128/QĐ- K2ĐT ngày 12/10/2018” - bác sĩ Đào Duy Khánh khẳng định.
Tuy nhiên, sau khi hợp nhất 7 đơn vị dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm thì cơ sở làm việc không đảm bảo, phải sử dụng nhiều cơ sở riêng lẻ, nên khó khăn trong công tác quản lý và điều hành. Nguyên nhân là do hiện nay, Bộ Y tế chưa ban hành các văn bản hướng dẫn chuẩn quốc gia về Trung tâm, cho nên chưa có cơ sở để tham mưu quy hoạch, đầu tư xây dựng Trung tâm.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu về y tế dự phòng đạt thấp như: Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch còn thấp; tỷ lệ sinh con tại nhà còn cao; tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh chỉ đạt 61,4% và tiêm chủng đầy đủ chỉ đạt 93% kế hoạch...
Bác sĩ Đào Duy Khánh cho biết thêm: Trong thời gian tới, Sở Y tế tập trung chỉ đạo Trung tâm tăng cường hơn nữa công tác rà soát tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm gan B liều sơ sinh, tiêm bù vắc xin DPT-VGB-Hib đối với trẻ còn sót. Đặc biệt, lập danh sách những đối tượng chưa được tiêm chủng trên địa bàn để tiến hành tiêm vét, tiêm bổ sung nhằm đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Để đạt tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đến trạm y tế để sinh con, để có điều kiện tiêm chủng đầy đủ. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân; tăng cường sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, địa phương trên địa bàn trong triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng và một số các hoạt động khác trong công tác y tế dự phòng nói chung… Có như vậy, Trung tâm mới hoàn thành tốt công tác y tế dự phòng, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Hà Nguyên