Trừ điểm giấy phép lái xe

01/03/2024 13:03

Mới đây, Bộ Công an đã có văn bản gửi các cơ quan, hiệp hội liên quan lấy ý kiến về một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe.

Tôi vẫn giữ giấy phép lái xe máy (hay còn gọi là bằng lái xe) bằng giấy được cấp từ năm 2003. Giấy phép này hơi đặc biệt: Nó bị đục một lỗ tròn ở mép trên.

Đây là “dấu tích” của một lần tôi vi phạm quy định về tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy vào năm 2005, bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, và phạt bổ sung “bấm lỗ trên giấy phép”.

Từ năm 2003, lực lượng Cảnh sát giao thông áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng “bấm lỗ”.

Nếu giấy phép lái xe bị “bấm lỗ” 2 lần thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe. Nếu bị “bấm lỗ” 3 lần, giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới.

Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ. Lý do là, theo Bộ Công an, việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe không thể hiện thời điểm vi phạm; làm bằng lái lem nhem thiếu thẩm mỹ.

Trừ điểm bằng lái sẽ góp phần chấn chỉnh hành vi của người tham gia giao thông... Ảnh: H.L

 

Ngoài ra hình thức này dễ phát sinh tiêu cực, như khi lái xe bị “bấm lỗ” nhiều thì tìm mọi cách “chạy” bằng lái mới, hoặc lái xe vi phạm “chạy” để không bị “bấm lỗ”.

Với tôi, việc giữ giấy phép lái xe máy ấy vừa là làm kỷ niệm, vừa để nhắc nhở mình, mỗi khi có ý nghĩ vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Tôi nhớ rằng, một số người mà tôi quen biết từng bị “bấm 1 lỗ” trên bằng lái xe đều rất cẩn thận một khi tham gia giao thông vì “lỡ vi phạm, bị bấm lỗ nữa thì phải học lại, vừa phiền phức, tốn kém lại xấu hổ”.

Điều này cho thấy tác dụng nhất định của việc “bấm lỗ” bằng lái xe ngày ấy đối với ý thức tuân thủ pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. 

Sở dĩ tôi nhắc lại chuyện “bấm lỗ” bằng lái là vì nó hơi giống với đề xuất mới đây của Bộ Công an là quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.   

Bộ Công an cho biết việc quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là cần thiết. Bởi hiện nay, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép đang bị buông lỏng, cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý phù hợp, nhất là việc chấp hành pháp luật của người lái xe.

... từ đó góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Ảnh: HL

 

Việc trừ điểm bằng lái cũng tương đồng với quy định quản lý nhà nước như trong lĩnh vực y tế, dược. Pháp luật quy định biện pháp quản lý hành chính nhà nước tương tự thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Đây sẽ là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông- Bộ Công an nêu.

Theo dự thảo, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý mỗi khi vi phạm giao thông. Mức trừ điểm trong một lần vi phạm sẽ được nghiên cứu và đảm bảo không trùng với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe bị coi không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp giấy phép lái xe mới, phải học và thi trong ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe cũ hết hiệu lực.

Biện pháp này giúp quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho đến quá trình chấp hành pháp luật, vi phạm tái phạm. Trừ điểm bằng lái còn nhằm cải thiện hành vi, nâng cao ý thức, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Theo dõi trên báo chí, mạng xã hội, tôi nhận thấy lượng ý kiến đồng tình với dự thảo này khá lớn. Đa số đều thống nhất rằng, hệ thống trừ điểm bằng lái sẽ tạo ra một cơ chế răn đe hiệu quả.

Việc biết rằng mỗi lần vi phạm không chỉ phải đối mặt với nộp phạt mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giữ bằng sẽ khiến các tài xế suy nghĩ kỹ hơn. Cơ chế này giúp tăng cường ý thức tự giác tuân thủ luật lệ giao thông, từ đó tăng cường trật tự an toàn trên đường và giảm thiểu tai nạn.

Một số ý kiến đề nghị “đã có trừ điểm thì nên có cộng điểm”. Với một lái xe bị trừ điểm, nếu một khoảng thời gian đủ dài theo quy định, tài xế không tiếp tục vi phạm thì sẽ được tự động xoá  điểm trừ trước đó trên bằng. Có thể coi đây là phần thưởng khuyến khích lái xe sửa lỗi và tuân thủ luật giao thông tốt hơn.

Cũng có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại khi thực hiện “bấm lỗ” bằng lái xe, khi triển khai quy định này sẽ không tránh khỏi nguy cơ hệ thống trừ điểm bị cá nhân được giao quyền lợi dụng để thu lợi bất chính, thông qua việc đòi hỏi người vi phạm “chung chi” để bỏ qua, không bị trừ điểm.

Tất nhiên là cơ quan soạn thảo luật cũng đã nhận rõ nguy cơ này và sẽ có những giải pháp khắc phục, hoặc ít nhất là hạn chế, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng, không có “ngoại lệ” hay “vùng cấm”.

Có thể là tăng cường phạt nguội, ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, dùng camera để ghi nhận lỗi, cập nhật lên hệ thống một cách tự động, giảm thiểu sự can thiệp của con người.

Tôi tin rằng, nếu được áp dụng, quy định trừ điểm bằng lái đối với lái xe vi phạm sẽ là bước đột phá để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tự giác chấn chỉnh hành vi khi tham gia giao thông của lái xe, từ đó góp phần giải “bài toán” về an toàn giao thông, vốn vô cùng khó khăn và phức tạp.

Giống như sau bị “bấm lỗ” bằng lái xe, tôi đã rất cẩn thận khi lái xe để không tái phạm. 

Vì thế, tôi ủng hộ quy định này!

Hồng Lam

Chuyên mục khác