Trong lòng đất Mẹ thương yêu

26/07/2021 13:02

Nhà cách nghĩa trang liệt sĩ tỉnh không xa, nên thi thoảng anh vẫn đến đây. Đã gần cuối tháng 7, tầm này dạo trước, anh đã có thể gặp gỡ, chuyện trò với thân nhân các liệt sĩ từ những nơi gần, nẻo xa cùng về viếng mộ. Được thắp lên một nén hương thơm, được thì thầm với từng bia đá…, mọi người như vơi đi nỗi đau nhớ, tiếc thương những người thân yêu đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của đất nước.

Tháng 7 về, trong lòng anh thường trở lại ký ức không thể nào quên về những khao khát trông đợi của các gia đình suốt cuộc đời luôn đi tìm hài cốt của những người thân đã ngã xuống cho dù chưa rõ ở đâu, thì bao năm rồi, cũng đã ngủ yên trong lòng đất Mẹ thiêng liêng.

Còn nhớ, đó là năm đầu thiên niên kỷ mới 2000. Cách ngày 27/7 chừng hơn nửa tháng, gia đình anh bỗng nhận được cuộc điện thoại của một người bạn mới quen qua những lần ra Hà Nội công tác. Vội thu xếp công việc để lên đường với tâm trạng vừa xôn xao, vừa hồi hộp, anh về Đăk Tô trong một trưa hừng nắng. Đăk Tô, mảnh đất chiến trường xưa đã ghi dấu cuộc chiến cam go, ác liệt của quân và dân ta với Mỹ - Ngụy trong Chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh. Anh trai của anh bạn, cũng như bao chàng trai Hà Nội ngày ấy, đã lên đường vào chiến trường miền Nam khi 18 tuổi. Tháng 4/1972, anh chiến đấu trong đội hình đơn vị bộ binh của Sư đoàn 10. Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã đi vào lịch sử, song cho đến 25 năm sau ngày đất nước thống nhất, gia đình vẫn chưa tìm được mộ phần của người lính trẻ năm xưa. Với tâm nguyện khát khao nung nấu cũng là ước mong xoa dịu nỗi đau mất mát của người mẹ đã ngoài 90, gia đình đã nhờ đến “tiếng gọi của tâm linh”, những mong có thể tìm thấy “phép màu” ở cuối con đường tìm kiếm.

Ảnh minh họa. Nguồn: An ninh Thủ đô

 

Xe dừng ở cổng nghĩa trang. Đúng như vị trí được chỉ dẫn: Mé trái một cây cổ thụ. Vào thẳng khoảng sân, rẽ vào lối nhỏ, anh thận trọng từng bước. Một hàng, hai hàng, ba hàng… Một mộ, hai mộ, ba mộ… Thận trọng từng bước, để tránh bỏ sót, hay nhầm lẫn. Sau một hồi tìm đi tìm lại, song cuối cùng, anh nhận ra là đó vẫn không phải là vị trí ngôi mộ vô danh cần tìm. Quanh khu vực ấy đều là những ngôi mộ đều xác định rõ ràng danh tính và đã được quy tập, an táng từ nhiều năm trước. Được người bạn nơi xa gửi gắm kiếm tìm, anh đành quay về, mang theo cả sự băn khoăn cùng điều nghi ngại. Nỗi niềm thực sự được giải tỏa, khi một ngày sau đó không lâu, anh nghe người bạn báo tin mẹ già vò võ mong con cũng đã chấp nhận sự thật đau thương không gì bù đắp. “Thằng T. đi xa lâu quá chưa về. Hình hồn tự lâu đã hòa vào lòng đất Việt”.

Một lần, trước Tết Canh Dần 2010, trên đường ra thủ đô công tác, anh cũng được chị bạn kể cho nghe câu chuyện gia đình chị đằng đẵng nhiều năm trời tìm kiếm hài cốt của người anh đã hy sinh ở chiến trường miền Nam từ hơn 35 năm trước. Rời quê hương vùng núi Hòa Bình, chàng trai ấy đã tình nguyện lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Theo thông tin của đơn vị cũ, gia đình đã lặn lội vào tận Kiên Giang, tìm kiếm ở nhiều nơi từ nhiều nguồn chỉ dẫn, song đều chưa có kết quả. Cảm thấy bế tắc, gia đình chị cũng từng trông cậy vào “chốn tâm linh” song vẫn vô vọng. Nhìn lại chặng đường đã qua cùng bao hy vọng kiếm tìm, ngày ấy, chị bạn nhẹ nhõm: “Cũng đành gác lại đấy thôi! Cho dù xác thân có ở nơi đâu, thì cũng vẫn là hòa vào đất Mẹ”.

Chiến tranh đã lùi xa, song trên đất nước thân yêu, còn bao nhiêu gia đình từng nghẹn ngào tiễn con cháu ra đi rồi lặng lẽ mong tin trở về, cho dù chỉ là nấm mồ lặng lẽ?! “Cho dù xác thân có ở nơi đâu, thì cũng vẫn là hòa vào đất Mẹ”- điều tưởng chừng rất đỗi đơn sơ, để được nhận ra thì đã trải qua bao nhiêu tâm sức.?!

Thanh Như

Chuyên mục khác