Trong gian khó càng thấu tỏ nghĩa tình

13/09/2024 13:23

Từ trong gian nan, tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ, chung sức đồng lòng được phát huy mạnh mẽ. Và như truyền thống quý báu của dân tộc ta, càng gian khó càng kiên cường, càng thấu tỏ nghĩa tình.

Cuộc sống của nhân dân là trên hết, trước hết

Bão số 3 (tức Yagi) và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, gây thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Cho đến hôm nay, người dân nhiều tỉnh phía Bắc vẫn đang phải chật vật đối phó với lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng. Những con số thiệt hại không ngừng tăng, và tình hình ngày càng thảm khốc.

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 9 giờ 20 phút ngày 12/9, có 197 người chết, 128 người mất tích, 807 người bị thương.

Càng trong gian khó, lại càng vững niềm tin với Đảng, với Nhà nước, với Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội và khối đoàn kết toàn dân.

Có thể nói, những ngày qua, hình ảnh lãnh đạo Đảng, Chính phủ bận rộn với những chuyến đi kiểm tra thực tế đến những điểm “nóng nhất”; những cuộc họp ngay tại vùng lũ đã đem lại niềm tin và động lực mạnh mẽ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân tại xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang sáng 10/9. Ảnh: VGP

 

Ngay chiều 9/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra.

Bộ Chính trị chia sẻ với những mất mát, đau thương của các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thiệt hại nặng nề; chia buồn tới người thân, gia đình các đồng chí đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.

Đặc biệt, Bộ Chính trị yêu cầu hạn chế các hoạt động khác, tập trung cho việc cứu trợ, cứu nạn; quán triệt tinh thần “cuộc sống của nhân dân là trên hết, trước hết”.

Huy động tối đa lực lượng để ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Cung cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm, không để bất kỳ người dân nào bị thiếu đói; hỗ trợ kịp thời gia đình khó khăn, có người già, trẻ nhỏ, người ốm đau.

Tinh thần ấy cũng được quán triệt tại cuộc họp trực tuyến ngày 8/9 của Chính phủ  đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Chính phủ yêu cầu các địa phương không được để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh thiếu chỗ khám chữa bệnh trong lúc ốm đau, bệnh tật.

Tin chắc rằng, không chỉ riêng tôi, mà nhiều, rất nhiều người dân Việt Nam đều xúc động trước hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lội nước lũ đến thăm hỏi, động viên người dân và các lực lượng chức năng đang làm công tác cứu hộ, cứu nạn tại xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là xã đang bị nước lũ chia cắt, cô lập hoàn toàn.

Sau đó, ngay tại vùng lũ, Thủ tướng Chính phủ đã họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội về ứng phó với lũ lụt.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế.

Với tinh thần ấy, trong những ngày bão lũ hoành hành, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đoàn viên, thanh niên, cộng đồng dân cư kịp thời giúp đỡ, sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Lực lượng vũ trang cùng với cán bộ cơ sở đã bất chấp nguy hiểm lao mình vào mưa giông, bão giật cứu giúp người dân. Đã có 2 sĩ quan  quân đội, công an dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Tất cả đều là minh chứng sống động và mạnh mẽ cho tinh thần: Cuộc sống của nhân dân là trên hết, trước hết.

Nghĩa đồng bào còn mãi

Sáng 11/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia thông tin, hàng loạt sông ở miền Bắc lũ đã vượt báo động ba - mức báo động cao nhất; 9 tỉnh thành đối diện ngập lụt, trong đó có Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình; 16 tỉnh thành đối diện nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.

Những bản tin báo mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản phát tới tấp trên báo, đài, mạng xã hội làm lòng tôi quặn lên nỗi đau. Chúng khiến tôi nhớ lại sức tàn phá kinh hoàng của 3 cơn bão đổ vào miền Trung trong các năm 2006, 2009 và 2020.

Còn nhớ cuối tháng 9/2009, cơn bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề về người và của ở tỉnh ta, với 33 người thiệt mạng; tổng thiệt hại về kinh tế lên tới 3.415 tỷ đồng. Dù đã rất nỗ lực, nhưng phải mất 5 năm chúng ta mới cơ bản khắc phục xong hậu quả.

Tôi biết, và mọi người đều biết, người dân các tỉnh phía Bắc đã và sẽ đương đầu với cái gì, sức mạnh của nó khủng khiếp cỡ nào. Sau mưa lũ là chồng chất gian khó, với dịch bệnh, với thiếu đói đợi chờ phía trước, với những bữa ăn đói lòng, manh áo không lành lặn.

Có một giá trị được đúc kết từ lịch sử vệ quốc, đó là mỗi khi có giặc, thì tinh thần đoàn kết, sự cống hiến, hy sinh và lòng nhân ái, đùm bọc, sẻ chia được thể hiện cao nhất. Với “giặc” thiên tai cũng vậy. Càng gian khó càng thấu tỏ nghĩa tình.

Một số nhà ở thôn Làng Nủ còn sót lại sau lũ quét. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Trong khi nhân dân vùng lũ đang kiên cường tranh đấu với “giặc”, thì những “đoàn quân” cứu viện, trợ giúp từ khắp mọi miền Tổ quốc đã xuất phát. Mang theo hàng hóa chi viện, họ không ngần ngại xông vào rốn lũ, sát cánh cùng đồng bào.

Trên báo chí, mạng xã hội, những lời kêu gọi hướng về vùng lũ đã lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp. Các cơ quan, doanh nghiệp, người dân, nhà hảo tâm sẵn sàng đóng góp những gì mình có ủng hộ các địa phương và người dân vùng lũ với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”.

Và chiều 10/9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tôi tin rằng, Lời kêu gọi ấy sẽ nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, trên tinh thần “người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều”.

Mưa bão rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có nghĩa đồng bào là còn mãi!

Thành Hưng

Chuyên mục khác