29/12/2020 13:02
Tôi từng về Măng Bút 2 lần. Ngày ấy, Măng Bút chỉ có gần 800 hộ, nhưng có đến 70% là hộ nghèo. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Giao thông cách trở, việc đi lại, giao thương của người dân trong địa bàn rất khó khăn, vì phải vượt qua nhiều ngầm. Gian nan nhất là vượt ngầm sông Đăk Snghé.
Bấy giờ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội của Măng Bút rất nghèo nàn, lạc hậu. Từ trung tâm xã để đến được các thôn, làng trên địa bàn chỉ có cách duy nhất là men theo các lối mòn nhỏ và vượt qua các cây cầu treo chênh vênh. Hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm chưa được xây dựng kiên cố; phần lớn các hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dựng trên những triền dốc.
Trở lại xã Măng Bút lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nơi đây. Các tuyến đường giao thông liên thôn được mở rộng và thông suốt; hệ thống điện lưới quốc gia vươn dài đến tận các làng; trường học kiên cố khang trang. Tuy tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao, nhưng bộ mặt nông thôn ở Măng Bút đã có nhiều khởi sắc.
|
Trước khi làm việc với Ðảng ủy xã Măng Bút, chúng tôi ghé thăm một số thôn, làng và các hộ dân. Hầu hết người dân chúng tôi gặp đều bày tỏ niềm vui, sự phấn khởi. Vì bây giờ, nhiều gia đình đã có của ăn, của để, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được các phương tiện máy móc phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Đi dọc các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn làng, tôi đều nhận thấy có sự đổi thay rất nhiều so với trước kia. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội được đầu tư xây dựng và đang phát triển khá nhanh. Thay vào các trường học (từ mầm non đến trung học cơ sở) lụp xụp trước đây là những ngôi trường được xây dựng kiên cố, khang trang. Những ngôi nhà kiên cố ở 12 thôn, làng mọc lên; hệ thống điện lưới quốc gia kéo đến từng hộ gia đình ở 11/12 thôn.
Sự đổi thay mang tính quyết định ở Măng Bút là nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Trước đây, ở vùng đất này, người dân chủ yếu trồng lúa, trồng mì, bây giờ, nhiều loại cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất. Những rẫy mì giờ đây đang được thay bằng những rẫy cà phê, bời lời xanh tốt.
Theo báo cáo của xã Măng Bút, đến nay toàn xã đã có hơn 537ha lúa, 200ha bắp, gần 22ha cà phê, 11ha cây ăn quả, 51ha bời lời, 2ha keo, gần 1ha quế và hơn 41ha tre lấy măng.
Hiện nay, Măng Bút được huyện Kon Plông chọn thí điểm mô hình cây sâm dây trồng độc lập và xen với cà phê. Huyện Kon Plông cũng đang chọn Măng Bút làm điểm xây dựng mô hình cánh đồng lớn trồng bắp sinh khối và đến nay đã trồng được hơn 10 ha cung cấp thức ăn nuôi dê sữa tại 2 thôn Măng Bút và Long Rủa.
Ông A Đinh (thôn Đăk Niêng) phấn khởi khoe với chúng tôi rằng: Điều đáng mừng là người người, nhà nhà trong xã ai cũng ủng hộ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bà con hiến đất và tham gia ngày công làm đường. Hiện Măng Bút đã có 8/12 thôn, làng có đường bê tông đến trung tâm mỗi làng, thậm chí một số thôn, làng còn làm được cả đường bê tông đến đầu khu sản xuất, thuận lợi cho việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa, làm cho bộ mặt các thôn, làng thật sự đổi mới.
Măng Bút không chỉ phát triển kinh tế mà còn thay đổi lề lối làm việc, đẩy mạnh chăm lo phát triển giáo dục, y tế. Trạm y tế xã Măng Bút luôn bám sát các chỉ tiêu được giao để hoàn thành các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, làm tốt công tác y tế dự phòng. Nhờ đó, hằng năm, luôn có 98% số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng, 98% trẻ em dưới 5 tuổi được uống Vitamin A và tẩy giun định kỳ, 100% trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi biểu đồ tăng trưởng; định kỳ hằng tháng, thăm khám và cấp phát thuốc cho người cao tuổi. 5 năm gần đây, trên địa bàn xã không có dịch bệnh xảy ra.
Ngày trở lại Măng Bút, chúng tôi cảm nhận nhiều niềm vui. Chính những việc làm thiết thực của cán bộ và sự đồng lòng ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đã và đang tạo động lực cho Măng Bút bứt phá đi lên. Từ một xã vùng sâu gặp nhiều khó khăn, nay Măng Bút đã trở thành một xã có khởi sắc rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Dương Lê