11/12/2017 13:11
1. Khoảng lặng
Tròn bốn mươi năm sau, đêm nay, tôi trở lại cảm xúc hệt như mình còn trẻ. Bây giờ là 4h sáng ở Kon Tum. Có tiếng gà gáy eo óc. Bao nhiêu năm nay giữa đô thị ồn ào nào chả có lúc nào chợt thấy tiếng gà rừng trong đêm. Đêm nay nghe tiếng gà lẻ loi như trong một đêm bám địch
Sáng mai tôi sẽ lên 1015 (phía bên kia gọi là Charlie). Đêm Kon Tum khó ngủ quá. Tuổi hai mươi của tôi cũng là những đêm Kon Tum mất ngủ. Đêm nay tôi ngủ bên bờ Đăk Bla. Gà gáy bên dòng sông cao nguyên nghe thật buồn, thật day dứt, thật quen thuộc mà cũng thật xa xăm. Xa lắm rồi những trận đánh, xa lắm rồi những tiếng nổ của đạn bom nhưng tiếng thì thầm của rừng của dòng sông lại trở về gần thế. Tiếng nấc bạn tôi trước lúc hi sinh cũng vẳng bên tai. Những khoảng lặng của một đời chinh chiến lại bật lên âm thanh. Âm thanh kí ức được cất lên từ khoảng lặng một đời.
Giữa đêm khuya nghe tiếng gà gáy bên bờ Đăk Bla, nghe âm thanh rừng của hơn bốn mươi năm về trước. Không có khoảng lặng này tôi làm sao quay trở về là mình lúc tuổi đôi mươi. Tất cả những gì giờ đây viết về lính của mình đó thật sự là một khoảng lặng cho một đời người. Sáng mai tôi sẽ lên đỉnh cao điểm 1015 dù biết con đường lên đó mấy ai đi để chơi, bởi 40 năm sau leo được lên cao điểm ấy phải là một nỗ lực và tôi được trở lại đó cũng là một điều may mắn.
Không thể nghĩ mình có cái may mắn đến thế. Hỏi người Kon Tum, thuê xe lên Charlie ai cũng lắc đầu và nhìn mình như rơi trên sao hỏa xuống. Một người bạn am hiểu về Kon Tum nói với tôi: Lên 1015 ngoài xe Công ty Nguyên liệu giấy thì không có ai có thể làm điều phi thường này.
Người chủ khách sạn tôi ở xởi lởi:
- Ông lên Charlie với mục đích thăm thú?
- Vâng tôi là chiến sĩ cũ của đơn vị đánh Charlie đây.
Ông ấy tròn mắt :
- Trung đoàn 64 à? 320 à?
- Vâng tôi lính 64 đây anh.
Ông ấy lao vào bắt tay tôi, rối rít hỏi thăm anh Xuân Hùng, hỏi thăm anh Lê.Q.B hỏi cụ K.D.T. rồi nói:
- Tôi đã là cán bộ ở huyện Đăk Tô, tôi thuộc 1015 lắm. Tôi cũng đã từng nhiều lần nghĩ cách biến 1015 thành rừng, thành màu xanh cho khỏi tủi với vong linh anh em lính 320. Anh ngồi đợi tôi tôi gọi xe chỗ anh Hà anh Tân bên Nguyên liệu giấy cho.
Tôi khấp khởi ngồi đợi và ngắm anh. Anh xoay bên này bên kia gọi. Nhớ nhớ, phải cố mà đi, cố đưa một người lính đã từng chiến đấu nơi đó lên cắm nén nhang cho đồng đội… Anh ấy nói đến là lâu rồi mươi phút sau quay sang tôi:
- Anh yên tâm mà ngủ sáng sớm 6 rưỡi xe đến đón anh đi đường Sa Thầy lên hết Charlie sang đất Ngọc Hồi là 12h trưa, anh quay về Đăk Tô đứng đó mà nhìn lên Charlie lần nữa để thấy ngọn núi án ngữ Đăk Tô - Tân Cảnh nó quan trọng nhường nào.
Đêm. Trời seo seo lạnh. Yên ắng quá. Ngày mai tôi biết nói gì với gần 400 liệt sĩ đơn vị tôi ngã xuống trên cao điểm ấy đây. Còn ngót 500 thương binh bạn bè tôi đang vật vã nơi đồng chiêm nơi núi đồi phía bắc có biết là tôi sẽ lên cao điểm ấy không? Những người Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng nay làm nương rẫy chân cao điểm liệu có biết một người lính già đang lần theo bước chân đồng đội mình, lần theo vệt máu các bạn bè tưới xuống Bazan để lên ngọn núi có ba mỏm đẫm máu. Ấy là tôi chỉ kể những cái mỏm núi có bố phòng hỏa lực công sự của địch đó thôi chứ 1015 có biết bao nhiêu những điểm cao lợi thế vô cùng cho địch.
Tôi lại chợt nhớ lời Trung tướng Khuất Duy Tiến nói với tôi trên chuyến bay vào Tây Nguyên. Ngày 2/4/1972 địch huy động 46 lần trực thăng đổ bộ tiểu đoàn 11 dù của lữ dù 3 xuống Tây Nam điểm cao 1015 tăng cường cho tuyến phòng thủ Tây sông Pô Cô. Chúng gồm 5 đại đội có hỏa lực mạnh tối đa có chi viện của không quân, của các trận địa pháo từ 1049, 966 và Diên Bình. Một cụm chốt liên hoàn với hầm hào lô cốt cũ được củng cố lại và độ dốc rất lớn tưởng chừng chỉ lăn đá là quân ta đã đủ hy sinh… Tôi lại nhớ anh Hinh - C trưởng C tôi, anh Hiệp - D trưởng, anh The - Chính trị viên tiểu đoàn trong cùng một ngày đã hy sinh ở đó. Tôi lại nhớ lời anh Thoán hôm gặp nhau ở hội trường Quân khu Thủ đô. Anh Thoán nói: Mày không vào 1015 để viết, để nói hộ chúng tao những ông già 70, 80 này thì mày xoàng.
Anh Thoán nay đã nghỉ hưu với quân hàm Đại tá Khoa chiến lược Học viện Quốc phòng mắt ngân ngấn nước: Lúc Hiệp nó hi sinh, tớ là Tham mưu phó trung đoàn được cử xuống chỉ huy D8 lại bị thương. Anh em họ khiêng mình ra trong lúc các chiến sĩ sốc lại đội hình người này ngã người kia lao lên... mình khóc trên võng, chả thấy đau đớn vì vết thương chỉ thấy nước mắt cứ tự nhiên dàn dụa…
2. Chiến tranh lùi xa như chưa hề có
7h sáng 25/3, tôi đã tới thị trấn Sa Thầy. Dãy Chư Mom Ray xanh mờ sương sớm. Mặt trời lên hồng phía Pô Cô, thị trấn khoác tấm áo bụi đỏ lẫn sương mai thật mềm. Tôi nhẹ nhàng bước vào Nghĩa trang Sa Thầy. Sớm thế mà tôi đã thấy đoàn cựu chiến binh từ Hà Nội đang lúi húi thắp nhang. Tôi tìm đến dãy mộ cuối cùng đứng trước mồ anh Đàm Vũ Hiệp - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tôi hi sinh ngày 12/4/72 trên 1015.
- Anh Hiệp ơi, hôm nay tôi lên 1015 đây. Xin anh phù hộ tôi lên được đến đỉnh cao điểm để thắp nén hương cho anh em mình, xin anh chỉ đường cho tôi, phù hộ tôi đi được an toàn…
Sau lưng tôi mặt trời lên vượt đỉnh núi ánh nắng rọi về phía Chư Mom Ray rực rỡ. Khói nhang thơm tỏa một vùng. Tôi đứng trước ngót trăm ngôi mộ chiến sĩ Trung đoàn 64, hơn trăm ngôi mộ của lính e52 và hàng chục liệt sĩ e48 e54 của sư đoàn tôi. Tôi đang đi ngược về tuổi trẻ đi ngược về một vùng đồng đội. Nơi ấy có tuổi trẻ của tôi và các anh đang nằm đây. Nơi ấy để lại nỗi khiếp đảm của Tiểu đoàn 11 dù Nguyễn Đình Bảo. Một mùa hè đỏ lửa cao nguyên bắt đầu bằng những trận đánh 1015, 1049, Kleng; bắt đầu bằng cuộc phá toang phòng tuyến Tây sông Pô Cô của quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Từ thị trấn Sa Thầy đi thêm 5km nữa dọc theo chân núi Chư Mom Ray tôi đến làng Rờ Kơi. Suối Rờ Kơi thanh bình trong sáng sớm, những người đàn bà dân tộc giặt quần áo gò lưng soi trên những hòn cuội trắng, những người đàn ông lùa bò lên nương. Nơi này là cứ, bắt đầu để e64 vượt qua suối, vượt qua những vạt rừng thấp để vào chiếm lĩnh 1015 từ phía tây nam. Nơi chúng tôi đang đứng đây là nơi tọa độ B52 suốt những ngày 10-11/4/1972 địch ngăn chặn cuộc áp sát tấn công của ta. Chả còn dấu tích gì ngoài những vạt nương lồi lõm chập chùng những hố bom ngày xưa ngô non uốn lượn. Con suối trong veo và nắng chan hòa trên nương ngô, đường lên Charlie dậy lên trong tôi những hơi thở gấp gáp của đêm chiếm lĩnh đầy máu.
Vượt qua chừng 2km vùng đệm ngày xưa. Xe cài cầu leo lên dốc, dốc dựng đứng rồi lại tụt xuống suối, đất đỏ bụi ngầu lên vào mùa khô tôi lại gặp những bụi le khô ran và chập chùng là lau sậy với gai xấu hổ. Ngược lên cao những nương rẫy đang mùa trồng tỉa sừng sững là những cây kơ nia lá xanh ngát. Thật là bồi hồi đã hơn 40 năm tôi lại nhìn thấy những cái lều giữa nương, ở đó có người con gái địu con lên nương nhìn chúng tôi lơ đễnh. Nơi này như chưa từng có chiến tranh, kơ nia vẫn xanh ngằn ngặt đứng hiền lành như một ông già đóng khố che chở cho dân làng. Người đàn bà cho con bú trên sườn dốc nơi ngày xưa chúng tôi bám lưng nhau chịu bom chịu pháo trong cái đêm tiếp cận 1015.
3. Nắng và gió 1015
Xe tôi leo lên chừng 30 phút. Đường dốc ngược, tôi bám vào tay nắm xe Uoát đu người lúc lên, tôi đạp chân đứng dậy lúc xuống dốc. Chân tôi “đạp phanh” bên phụ đến tê dại cả người. Chú lái xe bặm môi, mỗi khi nhả cầu cài thì khói lại bốc lên mù mịt. Cành cây, hoa lau va vào cửa kính hệt như hành quân trên Trường Sơn năm nào. Lâu lắm tôi lại ngồi xe mà hít cái mùi khói xăng khét lẹt. Đã lên đến bình độ mà dân địa phương không thể làm nương được nữa, con đường toe toét đất đỏ và tôi đã nhìn thấy những bụi le khô ran, vài cây kơ nia đứng chênh chao trên dốc. Lúc này đã là 9h sáng, xe lọt vào một cánh rừng thông non và tiếng ve bùng lên. Tôi bảo chú lái dừng lại, bước xuống xe. Người tôi như nghẹn lại rồi ngực bỗng như nở ra. Tiếng ve Tây Nguyên mà hơn 40 năm nay tôi mới lại thấy. Nó ríu rít, nó quay tít mù nỗi niềm gì đó chả thể cắt nghĩa. Ve cứ ào ào trên đầu. Ai đang vui thì cảm giác ve kêu tung hô niềm vui. Ai đang nhớ thì tiếng ve day dứt như đào sâu vào nỗi nhớ. Ai đang buồn thì tiếng ve ra rả râm ri như cứa vào nỗi buồn khiến ta buồn thêm. Với tôi, tiếng ve 1015 là nỗi nhớ là nỗi buồn là ngày gặp mặt với anh em thân thiết của mình. Nhớ, buồn, vui là tiếng ve 1015. Tôi nghe như có tiếng gọi tên tôi, tôi nghe như có tiếng khóc của những đồng đội mới 18 tuổi, tôi nghe có tiếng gọi con của các anh chỉ huy tiểu đoàn, đại đội. Tiếng gọi mang giọng nói khu 4, khu 3, cả những tiếng Tày Nùng Mường Mán… phía bắc.
Bỗng trong chập chùng tiếng ve Charlie kêu máy điện thoại tôi đổ chuông. “Luân đã lên 1015 chưa?”. Ra là Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến đang họp ở Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 gọi cho tôi. Vâng thủ trưởng ơi em sắp lên đến mỏm 1. Dốc lắm, khó đi lắm... “Luân ơi, cậu thắp hương nhớ nói tên tớ, khấn anh em… Tớ là Khuất Duy Tiến xin lỗi anh em, biết ơn anh em 64, tớ yếu quá không lên được với anh em xin anh em tha lỗi!”. Tôi biết cụ già lại khóc rồi. Tiếng ve bỗng ngừng bặt. Hình như tiếng ve là tiếng gần 300 liệt sĩ đang tâm sự thì phải. Họ đang ngừng lại để nghe tiếng gọi của người chỉ huy của mình. Nắng chan hòa. Gió ngằn ngặt. Gió chạy từ đông sang tây. Gió thổi từ phía biển ào qua 1015 va vào dãy Ngọc Rinh Rua tràn qua Chư Mom Ray sang ngã ba Đông Dương. Nắng và Gió Tây Nguyên như ngưng đọng nơi này một sáng cuối mùa khô như một sáng 43 năm trước đồng đội tôi ngã xuống…
4. Nhang rừng rực cháy trên đỉnh núi mang tên 1015
Từ đây, chúng tôi đã thấy rừng thông nhưng thông không thể trồng khắp các điểm cao được, nó chỉ ở những vạt đất đỏ mà thôi, còn những sườn dốc đá vẫn là cỏ lau khô sác. Tôi đang cố hình dung ra đâu là M11, M12, đâu là D1, D2. Tôi đang cố hình dung ra 12,7 ly bố trí thế nào mà hôm ấy đại đội 2, D16 của Khuất Đình Nuôi trong vòng 15 phút bắn rơi 5 máy bay địch và cả trận đánh này riêng đại đội anh đã hạ 9 máy bay các loại. Tôi dừng xe trên sườn đất đỏ để xác định nơi đại đội 7 bị bom cháy lúc 2h chiều 13/4/1972 làm hi sinh 24 chiến sĩ và hơn 10 người bị thương. Tôi nhớ anh Kiều Thế người Thái Nguyên bị cháy hôm ấy mà không chết. Sau này anh Thế trở về làm Trưởng phòng ở Sở Thủy lợi Thái Nguyên vẫn mang những vết cháy sần sùi trên mặt trên tay. Tôi đứng giữa các mỏm M11, M12. Nhìn những yên ngựa hẹp vanh vanh mà bộ đội ta vượt qua để tấn công hỗ trợ cho nhau. Những yên ngựa ấy hôm nay toàn là lau lách vàng như rơm. Máu các đồng đội tôi đổ xuống chảy rẽ sang hai sườn đồi dốc đứng. Gió ngàn ngạt thổi, cỏ lau phất phơ, trong gió có mùi nhựa thông mùi hoa cà phê từ phía Đăk Tô ngạt ngào. Hít căng lồng ngực ngọn gió Cao Nguyên tôi nhìn dòng Pô Cô ở phía mặt trời đang chói chang. Bốn mươi ba năm trước đồng đội tôi có kịp thấy mặt trời như hôm nay không?
Chúng tôi thắp nén nhang trên miếu thờ hơn ba mươi công nhân trồng rừng trên Charlie đã hi sinh vì bom mìn còn sót lại lúc 10h sáng. Nắng vàng như nghệ và gió như ngựa hoang quất đuôi vun vút. Ngước lên đỉnh cao nhất của 1015 một màu xám đen những đá và cỏ khô. Đỉnh cao ấy không có xe nào leo lên được, đến trèo bộ cũng khó. Anh Hinh hi sinh trên mỏm ấy. Đại đội 7 bị bom hết nửa quân số vẫn người này ngã người kia bám dốc leo lên tấn công.
11h trưa lên đến đỉnh núi Charlie tôi lập bập thắp nhang cho đồng đội. Tôi quay nhìn về phía tây, ngọn Chư Mom Ray xanh mờ đẹp thế. Dãy Ngọc Rinh Rua thơ mộng thế. Dưới kia những đụn khói đốt nương le lói, làng Rờ Kơi có con suối bé như sợi chỉ yên bình. Tôi gọi tên anh Hiệp - D trưởng, anh The - Chính trị viên, anh Hinh - Đại đội trưởng Đại đội 7, anh Hải - Đại đội trưởng Quân y 24… gọi những cái tên trẻ già bất tử. Tôi chợt nhớ lời Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến… “Nghe báo cáo Hiệp, The và toàn bộ trinh sát thông tin D8 hi sinh chúng tôi bàng hoàng… Ngày đầu tiên 12/4/1972 ta đã diệt được một phần sinh lực địch và chiếm được một số điểm cao nhưng rõ ràng pháo ta bắn chưa đủ mạnh. Đêm ấy ông Kim Tuấn lệnh cho bộ đội giãn ra để pháo bắn tiếp. Họp xong quyết định xong thì trời gần sáng tôi xin hoãn lại vì sợ bộ ta thương vong tổn thất. Một ngày 13/4, bộ đội ta nằm lưng chừng dốc chịu bao nhiêu là ác liệt nhưng thà thế còn đỡ thương vong hơn giãn ra lúc này. Một ngày lửa cháy trong ruột tôi… Ngày 14/4, ta bắn pháo dữ dội và chiều hôm ấy các mũi xung phong lẫm liệt. Cả D11 dù chỉ thoát ba bốn chục tên. Bó nhang cháy rừng rực giữa trưa, tôi đứng ngước lên đỉnh điểm cao mang cái tên 1015 mà khấn các anh. Tôi quay mặt về hướng tây mà lạy các anh, tôi vái tứ phía các D1, D2, D3 tôi không biết còn những ai đã hòa tan vào đất đỏ Charlie này, tôi không thể biết màu đỏ đất Bazan này có bao nhiêu dòng máu của những trai trẻ từng ngấm vào thớ đất để mùa khô mùa mưa vắt thành nhựa thông, thành ngô, thành cà phê hôm nay hương thơm ngan ngát không gian. Nơi đây, trung đoàn tôi đã xóa sổ một tiểu đoàn dù mang danh Thiên thần mũ đỏ SONG KIẾM HỢP BÍCH. Vài trăm xác lính dù phải bỏ lại không thể mang về. Quân lực Việt Nam Cộng hòa đành phải ném bom đốt hủy trận địa. Cánh cửa Tây Pô Cô mở toang để 14 ngày sau chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh tiêu diệt Sư đoàn 22 Việt Nam Cộng hòa bắt đầu. Nơi đây hôm nay có một người lính đã già đứng run run trong nắng gió 1015 gọi tên đồng đội. Nơi đây có một bài hát ra đời mang tên MỘT VÙNG ĐỒNG ĐỘI hào hùng mà da diết thương nhớ. 1015 - Một vùng cỏ cây và đất đỏ - một vùng đồng đội không trở về, một vùng tâm linh mà những người lính Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 Anh hùng còn mắc nợ. Mắc nợ một tấm bia tưởng niệm trên đỉnh núi. Tôi nghe trong rừng rực bó nhang cháy trưa nay nhắc thế.
Nguyễn Trọng Luân