Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

16/03/2023 06:03

Không ít người khuyết tật hoàn toàn mơ hồ về các quyền của mình, chứ chưa nói đến kiến thức pháp luật nói chung. Vì vậy họ rất cần được trợ giúp pháp lý.

Ngôi nhà lụp xụp của  gia đình V. nằm dưới chân một ngọn đồi. Trên con đường đất dẫn vào nhà cậu ta, tôi nhìn thấy sườn đồi bị đào xới, lộ ra những hố sâu đỏ quạch.

Đó là do người ta đào đất làm nguyên liệu cho mấy lò gạch thủ công kia kìa- V. chỉ chếch sang khu đồi phía trước, nơi những lò gạch đang nhả khói đen sì, nói với tôi trong một lần tới nhà cậu chơi.

Từ khi sinh ra, V. đã bị khuyết tật về vận động. Tuổi thơ lăn lộn trong một môi trường đầy khói bụi.

Lớn hơn, V. học đủ biết mặt chữ rồi nghỉ. Cậu không muốn ba mẹ vất vả đưa đón đến trường, càng không muốn thành gánh nặng của gia đình. Thế nên V. xin bố mẹ học nghề cắt tóc, sau đó được chủ tiệm thương, nhận vào làm thợ.

Hàng ngày, V. điều khiển chiếc xe máy đã được “độ” thành xe ba bánh của mình vào phố làm việc.

Một buổi trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật ở thành phố Kon Tum. Ảnh: T.H

 

Cậu tạm thời xa được khu lò gạch đầy khói bụi. Nhưng mỗi lần về nhà, đi ngang qua những lò gạch đang đua nhau phun khói, cậu lại thấy lo lắng cho sức khỏe của cha mẹ và các anh chị mình.

Có một lần, V. nói với tôi là muốn viết một tờ đơn gửi tới các cấp, các ngành đề nghị can thiệp để di dời hoặc đóng cửa những lò gạch thủ công ấy. Cậu tin, khi ấy môi trường sẽ trong lành hơn.

Nhưng cậu ta lại sợ mình vi phạm pháp luật vì gửi đơn thư khiếu kiện!

Trong nhiều lần tiếp xúc, không khó để nhận thấy, nhận thức, kiến thức về pháp luật của V. gần như bằng không.

Thậm chí cậu ta không biết mình có những quyền cơ bản của người khuyết tật, như được chăm sóc sức khỏe, được học tập, học nghề, tạo việc làm, chứ chưa nói đến kiến thức pháp luật nói chung.

Theo số liệu từ Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 7.699 người khuyết tật. Và không ít trong số họ hạn chế về nhận thức pháp luật, và cần được trợ giúp pháp lý.

Trên thực tế, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến người khuyết tật, thể hiện qua việc ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chính sách về người khuyết tật phù hợp thực tế, trong đó có  quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người khuyết tật.

Ở tỉnh ta, chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đã và đang đi vào cuộc sống. Việc thực hiện trợ giúp pháp lý được thực hiện tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh hoặc tại cơ sở thông qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, sinh hoạt các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật những năm qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Người khuyết tật cần được trợ giúp pháp lý. Ảnh: TH

 

Đáng chú ý là hoạt động truyền thông chưa sâu rộng, phương pháp truyền thông chưa phù hợp với các dạng tật khác nhau, dẫn đến nhiều người khuyết tật chưa biết quyền được trợ giúp pháp lý hoặc biết nhưng không thể tiếp cận được.

Mặt khác, đội ngũ trợ giúp viên, chuyên viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý còn ít, chất lượng hoạt động chưa đồng đều; số vụ việc trợ giúp pháp lý chỉ tập trung ở lĩnh vực tư vấn pháp luật.

Hoạt động trợ giúp pháp lý tuy ngày càng được tăng cường về cơ sở nhưng chủ yếu mới đến trung tâm xã, chưa đến được nhiều thôn, làng vùng sâu, vùng xa. Trong khi người khuyết tật rất khó khăn trong việc đi lại, nghe, nói, tiếp xúc, trao đổi, nên hạn chế khả năng đến nơi trợ giúp pháp lý lưu động, trung tâm để yêu cầu trợ giúp.

Thực tế cho thấy, người khuyết tật là một trong số những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất và ít được tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp lý nhất. Trong khi đó, các vấn đề pháp lý có thể ảnh hưởng đến sinh kế, gây ra gánh nặng tài chính và cản trở việc hòa nhập cộng đồng của họ.

Vì vậy, trách nhiệm của chính quyền, ngành chức năng và toàn xã hội là tích cực xóa bỏ các rào cản tiếp cận trợ giúp pháp lý và đảm bảo người khuyết tật có nhu cầu sẽ được sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng cao.

Muốn vậy, cần chú trọng  xây dựng mô hình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có hiệu quả, nhất là mô hình trợ giúp pháp lý lưu động; huy động nguồn lực cho hoạt động trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật, trong đó có mở rộng mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Triển khai các phương thức truyền thông pháp luật và trợ giúp pháp lý đa dạng, đặc thù, phù hợp với người khuyết tật. Bên cạnh đó, việc truyền thông pháp luật về người khuyết tật cũng cần hướng tới những đông đảo quần chúng nhân dân, bởi lẽ vẫn còn nhiều người dân chưa có nhận thức, thái độ đúng đắn, chưa sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Mới đây, ngày 7/3/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 575/KH-UBND triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu chính là nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý nói chung, người khuyết tật có khó khăn về tài chính nói riêng.

Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và thiết lập hệ thống giám sát để đánh giá chất lượng trợ giúp. Bảo đảm 100% người khuyết tật thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí khi có yêu cầu.

Nâng cao năng lực cho những người thực hiện trợ giúp pháp lý. Chú trọng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý mà người khuyết tật là bị hại trong các vụ án hình sự, bị đơn trong các vụ án dân sự, hành chính và là nạn nhân trong các vụ việc bị bạo lực, bạo hành, mua bán.

Tin rằng, việc triển khai hiệu quả Kế hoạch 575/KH-UBND sẽ cải thiện khả năng tiếp cận và thúc đẩy nhu cầu sử dụng các dịch vụ trợ giúp pháp lý của người khuyết tật nói chung, người khuyết tật khó khăn về tài chính nói riêng.          

Thành Hưng

Chuyên mục khác