Triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh

28/05/2019 12:29

Ngày 26/5, UBND tỉnh ban hành Công điện khẩn (số 03/CĐ-UBND) về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, nắm chắc tình hình, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh xác định rõ và nâng cao vai trò người đứng đầu của địa phương đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền để tổ chức, cá nhân và mọi người dân hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn Châu Phi, chủ động tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh; không chủ quan với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ, tổng hợp kịp thời diễn biến về tình hình dịch bệnh để phối hợp các địa phương kịp thời kiểm tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật về phòng chống để người dân biết, thực hiện; thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng dân cư hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các biện pháp xử lý đối với động vật nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với lực lượng liên ngành tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông ra vào tỉnh thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Thú y; kiểm tra hàng hóa trên các phương tiện vận chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định; thực hiện phun thuốc khử trùng tiêu độc tất cả các phương tiện vận chuyển vào tỉnh Kon Tum.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Thanh tra Giao thông tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phải sử dụng phương tiện chuyên dùng, không vận chuyển động vật, sản phẩm động vật (đặc biệt là lợn) trên các phương tiện vận chuyển hành khách.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển, mua bán lợn và sản phẩm lợn qua các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường Kon Tum theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm thịt lợn, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, kinh doanh, giết mổ động vật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan chủ trì tham mưu, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; chỉ đạo các phòng ban liên quan, chủ tịch UBND cấp xã thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh đàn lợn đến tận hộ gia đình; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp lợn mắc bệnh, chết do bệnh hoặc nghi ngờ bệnh dịch tả lợn Châu phi; địa phương nào để xảy ra tình trạng giấu dịch hoặc không báo cáo, xử lý kịp thời thì chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Luật thú y, Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 1/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 10/5/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; khẩn trương thành lập đội kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn, sản phẩm lợn; kiên quyết xử lý nghiêm các điểm mua bán, giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn không đúng nơi quy định, không có kiểm soát của cơ quan thú y.

Tăng cường giám sát nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh, nâng cao hơn nữa việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống thú y, chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế thực hiện nghiêm Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 27/3/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp công tác và chế độ thông tin báo cáo giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố về công tác chăn nuôi thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 271/QĐ-SNN ngày 17/4/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm khuyến nông) với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn nhập lậu; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn theo quy định.

Đối với huyện có cơ sở giết mổ tập trung: Thường xuyên kiểm tra công tác quản lý và quy trình thực hiện kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung; không để xảy ra tình trạng đưa gia súc mắc bệnh, gia súc chưa qua kiểm dịch vào giết mổ; rà soát và tổ chức đưa tất cả các cơ sở giết mổ vào thực hiện việc giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung.

Đối với huyện, thành phố chưa có cơ sở giết mổ tập trung: Tổ chức kiểm tra hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn; đôn đốc, nhắc nhở cơ quan Thú y địa phương tổ chức, thực hiện công tác kiểm soát giết mổ thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y; kiên quyết xóa bỏ các điểm giết mổ, điểm kinh doanh động vật và sản phẩm động vật chưa được cấp giấy phép theo quy định về của pháp luật; tổ chức các quầy hàng, cửa hàng kinh doanh thịt lợn đảm bảo an toàn phục vụ cho tiêu dùng của nhân dân.

Đối với UBND thành phố Kon Tum, UBND huyện Kon Plông và Ia H’Drai, khẩn trương thành lập chốt kiểm dịch tạm thời (gồm Thú y, Công an, dân quân) tại các trục đường (ngoài các Trạm kiểm dịch động vật của tỉnh) nối với tỉnh bạn như Gia Lai, Quảng Ngãi... để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn.

Khi phát hiện có bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, các địa phương chủ động phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các ngành có liên quan khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nội dung quy định tại Tình huống 2 khi phát hiện dịch tả lợn Châu Phi theo Quyết định số 230/QĐ-UBND ngày 13/3/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp bệnh dịch tả lợn Châu phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Kon Tum và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh theo Quyết định số 235/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND tỉnh Kon Tum tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; kịp thời chấn chỉnh những đơn vị chưa quyết liệt, tinh thần trách nhiệm chưa cao trong chỉ đạo triển khai phòng, chống dịch bệnh động vật.

Sở Thông tin và truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi và hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đảm bảo người dân hiểu rõ, tránh gây hoang mang trong xã hội.

Về chế độ báo cáo, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh động vật trên địa bàn, tổng hợp báo cáo tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh gửi về Chi cục Chăn nuôi và Thú ý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước 15 giờ hàng ngày. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh trước 16 giờ hàng ngày và báo cáo tuần vào lúc 8 giờ thứ 5 hàng tuần.

XB

Chuyên mục khác