Trên vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông

28/04/2023 13:20

Phát huy truyền thống kiên cường, anh dũng của vùng căn cứ trong chiến tranh, trong thời bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tu Mơ Rông tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt khó, quyết tâm vươn lên. Đến nay sau 48 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết cấu hạ tầng của Tu Mơ Rông ngày càng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Với quyết tâm tất cả cho tiền tuyến, trong chiến tranh, quân và dân huyện Tu Mơ Rông đã đóng góp sức người, sức của, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến, đồng bào Tu Mơ Rông tham gia tích cực mọi hoạt động, góp sức cho ngày đất nước được thống nhất như: đi bộ đội, tham gia dân quân hỏa tuyến, gùi gạo, đạn dược. Đặc biệt,  trong suốt thời gian từ năm 1960-1972, Tỉnh ủy đã lựa chọn đứng chân hoạt động và chỉ đạo đấu tranh tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Tại đây, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành công 4 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (từ Đại hội I, ngày 9/3/1960 đến Đại hội IV, ngày 26/10/1971) và đề  ra những quyết sách quan trọng, chỉ đạo quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum tích cực tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ghi nhận sự đóng góp của người dân Tu Mơ Rông, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tất cả các xã trên địa bàn huyện”.

Cơ sở hạ tầng trường học ở Tu Mơ Rông được đầu tư phục vụ nhu cầu học tập của con em đồng bào. Ảnh: P.N

 

Phát huy truyền thống cách mạng của vùng căn cứ năm xưa, sau chiến tranh, với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Tu Mơ Rông bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng.

Ông A Sỹ- Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri cho biết: Trong kháng chiến chống Mỹ, cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang dân quân du kích của xã Măng Ri đã tham gia trực tiếp 17 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và làm tan rã 2 tiểu đoàn Mỹ, Ngụy. Ngoài đóng góp sức người, sức của, nhân dân xã Măng Ri đã đưa đón và bảo vệ hàng trăm lượt cán bộ của trên đi về an toàn, tiếp nhận và nuôi dưỡng nhiều đơn vị chủ lực của tỉnh, quân khu trong thời gian tập kết tại địa bàn xã. Phát huy truyền thống cách mạng, sau chiến tranh, nhân dân Măng Ri nỗ lực vượt qua đói nghèo, tập trung xây dựng xã ngày càng phát triển. Người dân đã chuyển đổi cây trồng, ngoài cây lúa, bà con đã trồng 260ha cà phê, 73ha dược liệu, trong đó có 20ha sâm Ngọc Linh. Nhờ phát triển dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh mà nhiều hộ ở xã đã thoát được nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn gần 39% so với tổng số hộ toàn xã. 

Không chỉ ở xã Măng Ri mà tất cả các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông sau 48 năm đất nước hoàn toàn thống nhất, đặc biệt là sau gần 20 năm được chia tách từ huyện Đăk Tô và thành lập huyện Tu Mơ Rông đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Vượt qua khó khăn bởi những bất lợi về khí hậu, địa hình, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Tu Mơ Rông đã đề ra và triển khai nhiều giải pháp phát triển phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Nhờ vậy, diện mạo vùng căn cứ năm xưa ngày càng đổi thay. Ở từng thôn làng kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, từng bước đồng bộ, ngày càng có nhiều thêm những ngôi nhà mới vững chãi, những rẫy cà phê, dược liệu giúp đời sống người dân từng bước được nâng cao, số hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Bình quân các xã trên toàn huyện đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 11/25 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt tỷ lệ 44%; hộ nghèo giảm dần, đến cuối năm 2022 giảm còn 52,11%; tỷ lệ bao phủ y tế đạt 100%; tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 91,5%. Tu Mơ Rông đang ngày càng có những đổi thay. Về Đăk Tờ Kan, đến Măng Ri, Tê Xăng, qua Ngọc Yêu, Ngọc Lây, sự đổi thay ấy thể hiện rõ trên những con đường bê tông về làng, về xóm, ra tận khu sản xuất, những trụ sở làm việc, trường học khang trang,.

Người dân Tu Mơ Rông phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: PN

 

Cựu chiến binh A Phêm (ở xã Tu Mơ Rông) có 10 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ (từ 1965-1975). Ông đã tham gia nhiều chiến dịch quan trọng của quân và dân ta như Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch giải phóng Đăk Tô- Tân Cảnh, giải phóng thị xã Kon Tum 1975. Đất nước thống nhất, ông tích cực tham gia công tác tại xã và Hội Cựu chiến binh huyện. Phấn khởi trước sự thay đổi của quê hương, ông tâm sự: Trước đây muốn đến nhiều xã ở huyện phải đi bộ mất vài ngày đường thì ngày nay đường ô tô đã đến tận các thôn. Điện lưới quốc gia đã về đến từng nhà. Ốm đau có bác sĩ chăm sóc, hỗ trợ thuốc, các cháu đi học đến trường ngay ở thôn. Nhiều người còn được hỗ trợ vay vốn, được tham gia các mô hình khuyến nông khuyến lâm để phát triển kinh tế. Mới đây, người dân các làng trong huyện còn được hỗ trợ truy cập wifi miễn phí để có điều kiện tiếp cận các thông tin mới, tìm hiểu thêm về cách làm ăn. Cuộc sống đổi thay, nhiều hộ đã mua sắm được các vật dụng đắt tiền, xây nhà khang trang, cho con ăn học đàng hoàng.

Đáng mừng là trong những năm gần đây, với những chủ trương, định hướng đúng đắn, cụ thể của tỉnh, của huyện, người dân huyện Tu Mơ Rông đã tập trung đầu tư khai thác lợi thế của địa phương là sâm Ngọc Linh và các dược liệu để xóa đói giảm nghèo. Đến cuối năm 2022, huyện có tổng diện tích sâm Ngọc Linh là 1.715,1ha/1.709,7ha, đạt 100,3% kế hoạch, trong đó, trồng mới 495,40ha/490ha, đạt 101,1% kế hoạch (trồng mới trong dân 14,40 ha/8ha, đạt 180% kế hoạch; trồng mới trong doanh nghiệp 481ha/482ha, đạt 99,8% so với kế hoạch); cây dược liệu khác có 1.222,34ha/1.219,70ha, đạt 100,21%, trồng mới 502,70ha/500ha, đạt 100,5% kế hoạch (trồng mới trong dân 254,20ha/200 ha đạt 127,1% kế hoạch; trồng mới trong doanh nghiệp 248,50ha/300ha đạt 82,8% kế hoạch).

Cũng theo thống kê của huyện Tu Mơ Rông, đến nay, có khoảng 80% hộ đồng bào Xơ Đăng đang trồng, phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu. Đặc biệt ở các xã như Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri có nhiều làng gần như 100% hộ dân đều trồng dược liệu. Nhờ sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác mà nhiều hộ  dân ở Tu Mơ Rông không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu, như gia đình chị Y HLạng xã Măng Ri, chị Y Bắp xã Tê Xăng, gia đình anh A Hình xã Tê Xăng, A Hải xã Tê Xăng.

Theo ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển dược liệu, sâm Ngọc Linh, huyện đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở các lĩnh vực: Trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh; Phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng. Huyện cũng làm cầu nối kết nối các doanh nghiệp đang phát triển dược liệu trên địa bàn hợp tác, liên kết với nhau để phát triển thành vùng nguyên liệu dược liệu, xây dựng Tu Mơ Rông trở thành vùng trọng điểm dược liệu của tỉnh và xem đây là hướng đi giúp cho đời sống người dân vùng căn cứ cách mạng ngày càng nâng cao.

Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, anh dũng trong chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tu Mơ Rông trong suốt thời gian qua luôn đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vươn lên để xây dựng vùng căn cứ xưa ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao.    

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác