Trên đất nước bạn Lào

22/08/2017 18:13

​Lào - nơi được mệnh danh “Miền đất Triệu Voi”, nằm ở nơi giao hội của hai nền văn minh vĩ đại và hùng mạnh nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa. Người dân Lào đã hấp thụ những phong tục và tín ngưỡng của hai nền văn minh ấy để hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc của riêng mình...

Những điệu múa lăm vông truyền thống, những ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp, những quán cà phê và bánh mì sừng bò hay những quán bia ngoài trời giản dị... Tất cả làm nên một nét duyên riêng cho miền đất quyến rũ này. 

Tháp tùng Đoàn công tác cấp cao của tỉnh sang thăm các tỉnh Nam Lào nhân dịp tết cổ truyền Bunpimay (lễ hội năm mới), dù chỉ một tuần lễ, nhưng phần nào chúng tôi cũng được chiêm nghiệm vẻ đẹp của đất nước và con người Lào. Hôm nay, tôi cố ngồi ngẫm lại và sắp xếp những gì tuyệt vời nhất mà tôi đã cảm nhận được, để kể vài điều về xứ sở hoa Chămpa.

Thành phố Pắc Xế. Ảnh: D.L

 

Lào là một đất nước của màu xanh núi rừng trùng điệp, của sông của suối và của những nét chấm phá thiên nhiên tinh khôi, gợi cảm nhất. Sinh sống trên một đất nước không giáp biển, nên người Lào xem dòng sông như là linh hồn của đất nước. Nếu có dịp đi dạo trên những chiếc thuyền, xuôi theo dòng sông Mê Kông, bạn sẽ nhìn thấy những ngôi làng nhỏ trên sông, nơi mà cuộc sống mưu sinh hàng ngày của người dân đều nổi trôi theo dòng nước. Đa số người dân ở Lào đều sống ở vùng nông thôn và các con sông là nơi họ có thể kết nối, hỗ trợ với nhau.

Anh Khăm Bun May Xẳng người tỉnh Attapư cho biết, từ Mê Kông tiếng Lào có nghĩa là sông Cái hay sông Mẹ, dòng sông này chảy qua Lào có chiều dài 1.898km, trong đó có 919km là biên giới với Thái Lan, vì vậy sông Mê Kông có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lịch sử, cũng như trong đời sống văn hóa và phát triển kinh tế của đất nước Lào. Nó không chỉ tạo nên những cánh đồng màu mỡ phù sa, cung cấp nguồn lợi về thủy sản và thủy điện hết sức to lớn, mà còn là tuyến giao thông thủy thuận tiện từ Luông Nậm Thà cho đến Chămpasắc…

Đồng chí Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm và tặng quà ông Lê Việt Muồn. Ảnh: D.L

 

Trong những ngày ở Sê Kông, chúng tôi đến thăm ông Bô Nhơn. Ông Bô Nhơn còn có tên là Lê Việt Muồn đang sinh sống ở bản Nôn Mi Sai, huyện Lạ Màm, tỉnh Sê Kông.

Vui chuyện, ông Muồn kể lại vắn tắt quá trình tham gia cách mạng của mình. Tháng 8/1948, ông được chọn trong số 19 chiến sĩ quân tình nguyện của Liên khu 5, tập trung tại làng Đề An (xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) làm lễ xuất quân lên miền tây Tổ quốc, chiến đấu đánh Pháp giúp Lào. Từ Nghĩa Hành, sau hàng tháng trời gùi lương thực, súng đạn vượt dãy Trường Sơn, những người lính Cụ Hồ đã đặt chân lên vùng hạ Lào lúc này còn rất hoang sơ. Cách mạng thành công, ông được phân công ở lại giúp nước bạn Lào và trở thành Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Ban Tổ chức Trung ương cho đến ngày nghỉ hưu. Người Lào hay gọi ông là Bô Nhơn.

Bây giờ ở cái tuổi 88, chân yếu, mắt đã mờ nhưng ký ức đẹp đẽ về một thời lý tưởng cứ cuộn chảy trong ông không thôi. Dù để nỗi nhớ quê hương dằng dặc sau lưng, nhưng với ông mỗi năm đều có những đoàn của Việt Nam từ trung ương đến địa phương đến thăm hỏi. Ông nói: Mừng lắm, hơn 70 năm sống ở đất này, tôi đã thành người Lào lúc nào không biết, nhưng ký ức về làng quê xưa, về Hội An một thời trai trẻ vẫn vẹn nguyên trong tôi.

Từ Sê Kông qua Salavan đến Chămpasắc, hầu hết những tuyến quốc lộ ở đất nước Lào rất bằng phẳng, rộng rãi và thoáng đãng, tạo cảm giác bình yên cho người và phương tiện lưu thông trên đường khi đến với nước bạn Lào. Trên đường phố các tỉnh Nam Lào đã xuất hiện đủ các loại xe, lớn có, nhỏ có, có cả người đi bộ sang ngang đường. Nhưng tuyệt đối không hề có một tiếng còi xe. Các xe lưu thông nối tiếp nhau rất trật tự, rất có ý thức, người người nhìn nhau mà đi, tự giác dừng lại nhường đường mà không cần sử dụng đến một loại tín hiệu nào.

Có khoảng 30% dân số Lào nói được tiếng Việt và đặc biệt có đến 80% số cán bộ, công chức Lào học tập tại Việt Nam khiến cho việc giao tiếp nơi đây rất thuận lợi. Cho dù đang ở Sê Kông, Salavan hay Chămpasắc thì người mới sang Lào cũng không lo lạc đường. Đến với Pắc Xế - thành phố mệnh danh Sài Gòn của Lào, là thủ phủ của tỉnh Chămpasắc trù phú, có đến 80% thương nhân là người Việt bán đủ các loại hàng hóa. Từ quần áo may sẵn, vải vóc các loại cho đến hàng điện, điện tử, điện thoại, hàng ăn sẵn, hàng thực phẩm chín nấu sẵn... đều của người Việt. Cách bày trí hàng hóa không khác gì các chợ bên Việt Nam và trong chợ người ta nói chuyện, mặc cả, mua bán với nhau bằng tiếng Việt.

Chị Trương Hồng Thảo người quê gốc Huế cho biết, người Việt mình luôn làm ăn hoà đồng với người Lào tại chợ này. Vài năm trở lại đây, thị trường Lào đã có sự “xâm lấn” của thương nhân người Thái Lan, người Trung Quốc khiến cho thị phần người Việt giảm đi đáng kể. Cũng còn may là thị trường Lào ưa chuộng nhiều mặt hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam.

Những ngày ở trên đất bạn Lào, đi đâu chúng tôi cũng gặp những tình cảm ấm áp của người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở Lào. Riêng vùng Pắc Xế có khí hậu mát mẻ hơn khi có dòng sông Mê Kông uốn quanh thành phố lượn lờ. Dường như cuộc sống của người Việt ở lâu bên Lào cũng dần “nhiễm” nếp bình lặng, êm ả như tâm tính của người dân Lào.

Gần một tuần trên đất nước Triệu Voi thắm đượm nghĩa tình, chúng tôi  cảm nhận sâu sắc được tình cảm, sự gắn bó, đoàn kết keo sơn của chính quyền và người dân các tỉnh Attapư, Sêkông, Salavan, Chămpasắc dành cho Kon Tum nói riêng và dành cho Việt Nam nói chung thật sâu nặng. Dù trên mỗi nẻo đường của các tỉnh Nam Lào còn rất nhiều gian khó, nhưng đã dần hiện hữu nhiều công trình xây dựng, nhà máy, vườn cao su, cà phê, mía… của các doanh nghiệp Việt Nam, là những dấu ấn sâu đậm của mối tình đoàn kết, son sắt thủy chung Việt-Lào.

                                                                           Dương Lê

Chuyên mục khác