“Trẻ hóa” đối tượng sử dụng rượu, bia

16/12/2022 06:06

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XII, các đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về tình trạng thanh thiếu niên tiếp xúc sớm với rượu, bia và ngày càng có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Không băn khoăn sao được khi uống rượu, bia – chuyện chỉ tưởng của người trưởng thành thì nay cũng đang là “thú vui” của một bộ phận trong lớp trẻ. Họp lớp – uống rượu, bia cho xôm tụ; sinh nhật – uống rượu, bia cho rôm rả; ba mẹ la mắng – rủ nhau uống rượu, bia tâm tình cho đỡ buồn; thậm chí, chẳng vui, chẳng buồn, chẳng có lý do gì, nhưng như thành quen, gặp nhau là cứ phải uống. Nhiều em nhận thức được không nên uống hoặc không biết uống nhưng rồi khi vào cuộc vui lại dễ bị mềm lòng với câu nói: uống tí cho vui, thậm chí bị ép. Nên đủ 1001 lý do để giới trẻ hiện nay tiếp cận sớm với rượu, bia.

Không lo lắng sao được khi trên thực tế có những em ở độ tuổi 15, 16 đã sa đà vào rượu, bia, thậm chí uống nhiều đến mức say khướt. Đây là độ tuổi tâm sinh lý của các em có sự thay đổi, luôn muốn thể hiện cái tôi. Các em coi uống rượu, bia là “sành điệu”, là cách thể hiện bản thân, là cách chứng tỏ bản thân đã lớn. Và thực tế cho thấy nếu lạm dụng rượu, bia, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của chính các em mà còn kéo theo những hệ lụy về trật tự an toàn xã hội.

Bi kịch từ buổi uống rượu, một người vào tù, một người rời cõi đời khi còn rất trẻ. Ảnh: N.P

 

Ở lứa tuổi vị thành niên, các em chưa đủ độ chín chắn, trưởng thành, khi đã ngấm men, chỉ cần một tác động nhỏ từ bên ngoài, sẽ dễ có hành động thiếu tự chủ, gây ra hậu quả khôn lường. Rượu, bia là nguyên nhân khiến các em không làm chủ được tốc độ khi tham gia giao thông, lạng lách, đánh võng, gây tai nạn, ẩu đả, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, trộm cắp… Và nhiều câu chuyện buồn không thể buồn hơn tất yếu xảy ra sau những lần say khướt, không làm chủ được bản thân. Vì rượu bia, cuộc đời có em đã bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, học hành dang dở. Cũng vì rượu, bia có em đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, có em vướng vào tù tội, gây ra nhiều nỗi đau cho gia đình và những người liên quan.

Rõ ràng, nếu giới trẻ không được giáo dục, nhận thức đầy đủ tác hại của việc uống rượu, bia sớm thì chắc chắn sẽ có nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nhưng, đúng là cũng khó mà ngăn cản được con trẻ. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã được tiếp xúc với rượu, bia. Bình dân một chút thì các cuộc liên hoan, ăn nhậu của người lớn trong nhà; thậm chí, ở các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, hình ảnh những bữa nhậu triền miên, cá thịt có thể thiếu nhưng rượu luôn đầy, trong khi người này say nằm trên sàn nhà thì người khác vẫn say sưa uống trở nên quen thuộc. Rồi sang trọng hơn là các quán nhậu đang ngày càng nhiều và kèm theo đó là những tiếng cụng ly, tiếng hô “một, hai, ba, zô, zô”. Lớn hơn một chút là phim ảnh, là quảng cáo rượu, bia của các nhãn hàng “đập” vào mắt con trẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, thói quen, hành vi ở lứa tuổi này. Và đầu tiên chỉ là uống “cho vui”, “cho biết”, lâu dần thành thói quen, lứa tuổi vị thành niên dành nhiều thời gian cho các cuộc nhậu ắt hẳn sẽ chểnh mảng chuyện học hành và cứ thế mà trượt dài.

Mỗi lứa tuổi uống mỗi ít, cộng dần lại, lượng tiêu thụ rượu, bia tăng dần qua mỗi năm. Theo thống kê, lượng tiêu thụ rượu, bia trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng dần, từ 0,9 lít/người/tháng (năm 2018) lên 1,3 lít/người/tháng (năm 2020).

Hẳn rằng nhiều bậc phụ huynh cũng không đồng tình với xu hướng  “trẻ hóa” độ tuổi đối tượng sử dụng rượu, bia như hiện nay. Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Quy định là vậy nhưng trên thực tế ai phạt – phạt ai, rồi quy luật cung – cầu của thị trường, nên tình trạng người chưa đủ tuổi mua, sử dụng rượu, bia vẫn còn tồn tại trên thực tế.

Để hạn chế tình trạng “trẻ hóa” độ tuổi sử dụng của rượu, bia cùng với việc nỗ lực đưa Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đi vào cuộc sống hiệu quả, thì điều quan trọng là gia đình – nhà trường – xã hội phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức tự giác cho các em. Để cho các em hiểu rằng nếu chưa thực sự trưởng thành, chưa thực sự làm chủ được tình huống, chưa đủ kỹ năng sống và sự hiểu biết xã hội, hãy nói không với rượu, bia để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.   

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác