14/06/2017 08:34
Nhiều trẻ em lao động sớm
3h sáng một ngày đầu tháng 6, dưới ngọn đèn mờ của điện cao áp dẫn vào khu vực chợ đêm tuyến đường Lê Hồng Phong - Đoàn Thị Điểm – Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Kon Tum), các loại xe tải lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh tấp nập chở các mặt hàng nông sản, thủy hải sản bỏ mối cho các tiểu thương tại chợ. Len lỏi giữa dòng người người lớn làm nghề khuân vác, còn có đội quân chừng 5 - 7 cô cậu nhóc tuổi tầm 10 - 14. Các lơ xe, hoặc chủ xe đọc toa đặt hàng của các bà, các cô chuyên lấy hàng bỏ mối, rồi quẳng bọc hàng, hoặc các bao tải chừng 50 - 100kg hàng rau củ, thùng xốp trái cây, thùng đá đựng cá, mực, tôm… Những bao có trọng lượng lớn sau khi được người lớn di chuyển đi, đội khuân vác nhí ùa đến tranh nhau xách, vác trên vai, hay kéo lê từng bao hàng 30-50kg đến những địa chỉ có các tiểu thương trong chợ đêm chờ sẵn.
Hỏi chuyện cậu bé Phong chừng 11 tuổi, em hồn nhiên nói: mẹ cháu bán hàng rau củ ở đây lâu lắm rồi. Nghỉ hè, mẹ cho cháu đi chợ sớm thế này. Mỗi sáng, cháu phụ giúp xe tải hàng ở Đà Lạt xuống hàng rau củ cho vào bọc ni lông chừng vài chục ký, rồi giao 15-20 quầy trong chợ. Từ 3-7h sáng xong việc này, chủ vựa bỏ mối trả cháu 40 ngàn đồng. Tiền này, cháu dồn lại để mua sách, quần áo cho năm học mới.
Khi được hỏi khuân vác có nặng không, Phong thỏ thẻ việc khuân nặng vài ngày đầu chưa quen, quai xách ni lông mỏng cứa rách da tay, có lúc đánh rơi hàng bị dập… lâu dần thì quen việc.
Không chỉ mưu sinh sớm ở chợ đầu mối, nhiều người cho rằng còn có không ít trẻ em làm việc nặng ở các lò gạch thủ công xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum), nhưng để vào khu vực này và tiếp cận các em rất khó. Tuy nhiên, lấy cớ là phụ huynh đi tìm việc tạm bợ trong hè cho con trai lớp 9 ham mê chơi game, các thanh niên ở lò gạch thôi “bám” theo tôi gặng hỏi: “Chị đi đâu đấy?”, hay: “Người kia, vào lò gạch dòm ngó gì đấy!”.
Sau một hồi “tra khảo” tôi, một thanh niên mới giới thiệu lò gạch của bà T có 3 lao động nhỏ tuổi đang phơi gạch sống. Quan sát hơn 30 lò gạch nơi đây có công nghệ đốt củi kiểu cũ, khói bay mù mịt và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động. Vậy nhưng, ở đây có khoảng 13 lao động nhí được các chủ lò thuê làm. Loanh quanh khu vực phơi gạch ngoài trời, gặp hai mẹ con chị H và cháu K đã làm thuê được 4 năm.
|
Khuôn mặt đen sạm do dầm mưa dãi nắng mà không có đồ bảo hộ lao động, cháu K kể: Em năm nay 14 tuổi, đã nghỉ học 2 năm nay. Năm ngoái mẹ đi làm, K bỏ học chơi game gần một học kỳ. Thấy con không thích đi học, chị H đang làm công ở lò gạch bà T, sẵn tiện dẫn K đi làm cùng. Lúc đầu chưa quen việc, K chỉ khuân đất sét bỏ vào máy xay đất để thợ lành nghề khác cắt thành viên gạch. Dần biết việc, em vận chuyển sản phẩm gạch sống đi phơi, mỗi chuyến chở 50-100 viên. Sau đó, K tăng dần và đến nay có thể đẩy xe rùa chở 200 - 250 viên đến khu vực phơi phóng, cất bốc vào lò đun cách chừng 2.000m.
Để trẻ biết kiếm được đồng tiền khó khăn(!?)
Chị H vô tư chia sẻ về cháu K: Mỗi ngày, chủ lò trả công người lớn 200 ngàn đồng, K còn nhỏ được trả 120 – 140 ngàn đồng. Đối công việc lao động nặng nhọc này, tôi nhiều lúc cũng thấy đuối. Nhưng tôi đi làm, một mình cháu ở nhà cũng lo theo bạn bè hư hỏng, sẽ hại nó cả đời. Tôi dẫn cháu đi để biết quý sức lao động, biết kiếm đồng tiền khó khăn lắm. Tôi cũng dự định, K đi làm vài năm nữa chững chạc sẽ cho học nghề ổn định hơn.
Ngay ở chợ đầu mối thành phố cũng thế, khi thấy tôi là khách lạ hỏi chuyện các cháu nhỏ chợ đêm, chị Dung – một chủ xe ở Đăk Lăk chuyên về hàng trái cây tâm sự rằng, thấy mấy đứa nhỏ này cũng lanh, cha mẹ nó đều dân buôn bán ở đây nên mới yên tâm cho bốc vác hàng, tiền công trả bằng 1/3 người lớn.
“Còn người lạ như chị muốn làm việc (khuân vác hàng) này à! Chị phải có người quen ở chợ giới thiệu, tôi mới tin được. Lỡ đâu tôi không kiểm soát hết, hay ví dụ chị chở hàng đi mất, hoặc lấy bớt hàng, tôi cầm chắc lỗ vốn, mất mối làm ăn luôn…” - chị Dung rào đón người lạ xem chừng xin việc nên nói thêm.
Trước câu chuyện kể khổ về hoàn cảnh các cháu nhỏ, những người lớn cho rằng cảm thông và chia sẻ việc làm với trẻ là giúp đỡ. Nhiều người không biết, hành động trên đã vi phạm pháp luật, cũng như vi phạm các quy định về quyền trẻ em căn cứ theo công ước quốc tế...
Tìm hiểu từ ngành Lao động Thương binh và Xã hội, 5 năm gần đây, tình trạng trẻ em lao động sớm, nặng nhọc có con số thống kê khá khiêm tốn, chỉ 3 trường hợp trẻ lao động nặng nhọc bị ngược đãi ở một bãi đào vàng huyện Đăk Glei. Các em đã may mắn được người quen can thiệp, liên hệ chính quyền và cha mẹ đón về.
Thế nhưng, trên thực tế số trẻ lao động sớm, nặng nhọc không chỉ dừng lại ở con số 3 đó; hầu hết chủ sử dụng lao động thường cố tình giấu nhẹm chủ yếu vì lợi nhuận kinh tế thuê nhân công giá rẻ, không phải đóng các khoản bảo hiểm… Phía người thân của các em vẫn chưa nhận thức được việc cho con nhỏ lao động sớm làm giảm nguy cơ phát triển thể chất toàn diện, tăng nguy cơ sẽ bị xâm hại, tiềm ẩn lớn tai nạn trong lao động, vi phạm pháp luật; chưa kể đến việc làm tăng hành vi ngược đãi, vi phạm về quyền trẻ em…
Hiện tại, ngành chức năng cho rằng, với các gia đình có trẻ em phải lao động sớm - nếu bị phát hiện - chủ yếu vẫn dừng lại ở công tác tuyên truyền, cảnh báo và nhắc nhở. Còn giải pháp để hạn chế tình trạng trên, điều quan trọng, các cấp, các ngành phải đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, ưu tiên cho các hộ có con em sống trong hoàn cảnh nghèo, đặc biệt khó khăn có nguồn vốn, cơ hội tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho các bậc cha mẹ. Có vậy, trẻ mới được quan tâm, được có điều kiện sống tốt hơn để không phải là lao động chính, lao động sớm, nặng nhọc.
Mai Trâm