Trao giọt máu hồng lan tỏa nghĩa cử đẹp

05/04/2022 06:01

Hiến máu tình nguyện - một hành động cao đẹp không chỉ góp phần cứu sống người bệnh, mà qua đó, đã gieo những hạt giống của lòng nhân ái, lan tỏa yêu thương vào trong cuộc sống.
Cán bộ, nhân viên Công ty điện lực Kon Tum tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: TH

 

Anh bạn tôi làm việc ở một doanh nghiệp. Mỗi năm, đơn vị anh thường đăng ký tổ chức 1-2 đợt hiến máu để cán bộ, công nhân viên tham gia vào hoạt động nhân văn này. Dường như lần nào tôi cũng thấy anh đến thật sớm, đăng ký trước với tâm trạng phấn khởi, khí thế.

Anh kể: Mình không nhớ đã tham gia hiến máu bao nhiêu lần rồi, từ khi còn trẻ đến giờ tóc đã điểm bạc. Thấy sức khỏe tốt là tham gia thôi, vì mình nghĩ mỗi giọt máu cho đi có thể mang lại sự sống cho những người đang cần thì đó chính là hạnh phúc. Thêm một lần hiến máu là trao thêm cơ hội cứu sống cho một người.

Trao đi những giọt máu quý giá làm tăng cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân – suy nghĩ ấy đã thôi thúc anh bạn tôi cũng như nhiều người tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện.

Điều này có thể thấy rõ trong không khí, tinh thần tham gia hiến máu của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, đoàn viên thanh niên, hội viên các hội đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh trong “Ngày hội hiến máu tình nguyện” do các địa phương tổ chức vừa qua. Đây là ngày hội đặc biệt nằm trong khuôn khổ chương trình “Lễ hội Xuân hồng” – Một lễ hội đặc biệt vào mỗi mùa Xuân, đánh dấu sự khởi đầu của phong trào hiến máu trong suốt cả năm.

Có những người mới tham gia lần đầu, nhưng cũng có rất nhiều gương mặt thân quen của các cơ quan, đơn vị đã nhiều lần tham gia hiến máu. Những giọt máu nghĩa tình trong ngày xuân mang đến niềm tin và hy vọng cho những bệnh nhân cần tiếp máu, qua đó, thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.

Có thể thấy, hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, góp phần lan tỏa các giá trị nhân đạo, những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Với ý nghĩa đó, ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện. Kể từ đó đến nay, đã trở thành phong trào lớn, lan tỏa rộng khắp trong các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Hơn 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động bị đình trệ, nhưng phong trào hiến máu tình nguyện không bị gián đoạn hay thiếu đi sự nhiệt tình. Ngược lại, giữa dịch bệnh, nhu cầu về máu để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo gia tăng, phong trào này lại càng phát triển mạnh mẽ.

Thực tế cuộc sống, mỗi ngày, mỗi tuần tại các cơ sở điều trị, có rất nhiều ca phẫu thuật, cấp cứu mà người bệnh cần được truyền máu để vượt qua nguy kịch. Nhu cầu máu để cứu người là rất lớn. Vì thế, những giọt máu hồng được sẻ chia đã đem đến niềm tin và hy vọng sống cho nhiều người bệnh.

Không chỉ trong những dịp kỷ niệm đặc biệt hay các đợt tổ chức cố định mà hiến máu đã trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống. Với nhiều câu lạc bộ hiến máu tình nguyện và ngân hàng máu sống được duy trì đã góp phần đảm bảo nguồn máu liên tục khi cần. Nhiều tấm gương tham gia hiến máu hàng chục lần, đồng thời vận động, tuyên truyền người thân, cộng đồng tham gia hiến máu. Chính từ những đóng góp nhỏ của từng cá nhân, gia đình đến tổ chức xã hội đã giúp cứu sống nhiều người bệnh, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh nhu cầu và tầm quan trọng của việc hiến máu đối với người bệnh thì đối với người hiến máu, lợi ích mang lại của việc hiến máu nhân đạo cũng rất đáng lưu tâm. Hiến máu thường xuyên vừa để cứu người vừa là dịp để  kiểm tra được sức khỏe của mình.

“Máu là quà tặng cuộc sống”,  “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, mỗi người dân tham gia hiến máu lại mang đến hy vọng về sự sống cho nhiều người khác. Đó cũng là cách để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn và tình yêu thương lan tỏa rộng khắp, thấm sâu, tạo nên những giá trị tốt đẹp.

Thùy Hương

Chuyên mục khác