Trang bị kỹ năng mềm – Sự cần thiết của mỗi sinh viên

09/07/2017 08:07

​Dù tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có đủ các bằng cấp, chứng chỉ đạt loại khá giỏi, nhưng sinh viên ra trường rất khó tìm được việc làm. Các nhà tuyển dụng cho rằng, các bạn trẻ học rất xuất sắc ở trường, song thiếu kỹ năng sống, kỹ năng mềm bắt nhịp nhanh môi trường hoạt động của doanh nghiệp...

Thất nghiệp do thiếu kỹ năng

Tình cờ gặp Trần Trọng Nam - cựu sinh viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, bạn đã “tay bắt mặt mừng” báo tin vui: Chị ơi, em đã xin được việc làm ở một công ty xây dựng công trình giao thông thuộc Tổng công ty Cenco 5 ở Đà Nẵng đã hơn 3 tháng.

Tháng 6/2015, Nam tốt nghiệp loại khá Khoa Kinh tế, chuyên ngành kế toán ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Theo Nam, hằng năm, số sinh viên Khoa Kinh tế ra trường đông, trong khi địa bàn tỉnh Kon Tum có không nhiều doanh nghiệp kinh doanh sản xuất như các thành phố lớn, nên khả năng trụ lại xin việc rất khó.

Nam và một số bạn cùng khóa đã quyết định xuống các tỉnh đồng bằng như Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh để xin việc. Thế nhưng, đăng ký tuyển dụng nhân lực nơi nào Nam và các bạn đều bị loại hồ sơ xin việc. Nam kể, trong nhóm có bạn cầm bằng tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi vẫn bị rớt tuyển dụng như thường. 

Nhiều lần thất bại, Nam dò hỏi thông tin từ phía nhà tuyển dụng, mới hay: Các bạn thiếu các phần mềm kỹ năng về năng lực hiểu biết xã hội, chưa biết thế nào là ý thức tự chủ lập kế hoạch, xây dựng mục tiêu vào làm việc ở doanh nghiệp cần lao động...

Khi biết nguyên nhân, cả nhóm phải động viên nhau tiếp tục học cấp tốc các kỹ năng giao tiếp, trả lời phỏng vấn xin việc, tự hoạch định lại năng lực và sở trường chuyên môn để đăng ký vào doanh nghiệp phù hợp. Trong nhóm, có bạn đã lặng lẽ cất đi chiếc bằng đại học đi lao động phổ thông, tham gia tình nguyện các tổ chức thiện nguyện nhằm bổ sung kinh nghiệm hoạt động đội, nhóm… Theo Nam, sau quá trình lăn lộn thực tế, trang bị kỹ năng trên, các bạn đã chín chắn hơn và hiện nay cơ bản tìm được việc làm ổn định.       

Nói về sự không hài lòng của nhà tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp, ông Nguyễn Văn Ban - Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh thanh niên Măng Đen (huyện Kon Plông) cho rằng, ngày nay, công nghệ và nhu cầu của cơ sở kinh doanh sản xuất, đến thị trường lao động cần sinh viên phải thích nghi với thực tế công việc nhưng các bạn ít đáp ứng được, dù bằng cấp kiến thức lý thuyết khá, giỏi có thừa.

“Tôi đã từng phỏng vấn vài bạn sinh viên đến xin việc ở Hợp tác xã. Hỏi các bạn đã tốt nghiệp ngành nông lâm về lý do chọn ngành và trường học, thì nghe câu trả lời người nhà em định hướng học do ở Kon Tum vẫn còn nhiều rừng, doanh nghiệp hoạt động nông - lâm nghiệp lớn nên khả năng tìm việc làm dễ dàng hơn. Hỏi bạn thích ngành lâm nghiệp, trồng trọt ở vườn chẳng hạn, sinh viên trả lời, các cô chú phân công việc sao cũng được, miễn có việc làm…” -  anh Ban kể.

Cần chú trọng bổ sung kỹ năng mềm

Còn ông Nguyễn Thanh Long – Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổ chức sự kiện tại Kon Tum cho rằng, việc học của sinh viên chưa gắn với sở thích, mục tiêu lý tưởng sống do bản thân xây dựng nên. Do đó, lớp trẻ sẽ khó có thái độ, ý chí phấn đấu.

Sinh viên tham gia tình nguyện tư vấn mùa tuyển sinh cho các bậc phụ huynh, cũng là hình thức rèn luyện kỹ năng giao tiếp ngoài xã hội. Ảnh: M.T

 

Vị giám đốc này nhận xét, đơn vị có chừng 30 nhân lực, quá trình hoạt động gần 5 năm, hàng năm đều tuyển dụng sinh viên mới ra trường 3-5 người. Thế nhưng, gần như 95% số bạn trẻ thiếu thực tiễn, yếu ngoại ngữ, tin học, một số kỹ năng mềm và thiếu luôn thái độ nghề nghiệp. Đây là nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh viên có việc làm không cao.

Ông Long nhấn mạnh, giải pháp quan trọng để tăng tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là các trường phải thiết kế lại chương trình sao cho sinh viên có thể thích nghi tốt hơn với thực tiễn. Đồng thời tổ chức đào tạo lại cho những sinh viên đã tốt nghiệp mà chưa có việc làm để họ đáp ứng tốt hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Trước mùa tuyển sinh 2017, họp báo về thông báo tuyển sinh đại học năm 2017, ông Đặng Văn Mỹ - Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cũng nhận xét, thực trạng sinh viên có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang theo học gần như rất thụ động, thiếu ý chí tiến thủ. Cụ thể, nhiều em có thể nói lười nghiên cứu, đi thư viện, tham gia trao đổi chuyên môn, chuyên đề với đội ngũ giảng viên, nhằm tích lũy kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế và ít tham gia các hoạt động đội nhóm công tác xã hội địa phương.

Ông Mỹ đưa ra giải pháp, tham mưu Đại học Đà Nẵng thiết kế lại các chương trình, học phần giáo dục đại học có chương trình lý thuyết, kiến thức tập trung; sau đó gắn thời gian thực tế nhiều hơn cho sinh viên làm quen công việc tại doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trên các lĩnh vực chuyên ngành học; áp dụng mô hình vận dụng môn học và thực tế cho sinh viên tham gia nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả hơn…

“Giáo trình giảng dạy của giảng viên đã có, đơn vị cũng yêu cầu thầy cô phải đứng vị trí lãnh đạo doanh nghiệp để xem xét họ đặt ra các yêu cầu gì ở sinh viên của trường. Từ đó, đội ngũ giảng viên mới có cơ sở, kinh nghiệm giúp sinh viên tiếp cận kiến thức, tạo cơ hội tiếp cận công việc tốt hơn, sau khi ra trường” - Ông Mỹ nói thêm.

Qua khảo sát, hầu hết sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học đều được khuyến khích nghiên cứu khoa học, tạo sân chơi học thuật để tự rèn luyện kỹ năng, đây cũng là môi trường phát triển tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên, các đơn vị đào tạo cần phải thường xuyên, liên tục cập nhật, mở rộng các quan hệ ngoài nhà trường để có môi trường học tập kinh nghiệm thực tế nhiều hơn; đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn quy định đối với sinh viên về trách nhiệm, thái độ thẳng thắn tự bồi dưỡng, phát huy năng lực sở thích trong môi trường học tập. Từ đó, mỗi sinh viên tự tin rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng sống để hoàn thiện bản thân, thì công việc tương lai mới thuận lợi.

Mai Trâm

Chuyên mục khác