26/12/2020 06:01
Hết lòng vì nhiệm vụ
Kon Plông là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh, công việc của những người làm công tác dân số nơi đây rất gian nan, vất vả. Ðể người dân vùng sâu, vùng xa biết và thực hiện chính sách DS-KHHGÐ, nhất là giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số phải luôn nỗ lực không ngừng, thường xuyên lặn lội đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, họ cần mẫn tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức về DS-KHHGĐ cho đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.
Chị Y Trang - cán bộ chuyên trách dân số xã Măng Bút chia sẻ: 10 năm làm công tác dân số, em không nhớ mình đã vượt bao nhiêu quãng đường đèo dốc, lội bao nhiêu con suối để đến các thôn, làng và từng hộ dân để tuyên truyền chính sách DS -KHHGĐ. Toàn xã có trên 4.200 khẩu, nhưng có đến 99% là đồng bào DTTS nên nhận thức của nhiều người còn hạn chế. Một số người lớn tuổi nghe, nói tiếng Việt không rành nên việc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, ban ngày mọi người đều đi rẫy, vì vậy, muốn tuyên truyền mình phải “đi sớm về khuya” vào buổi tối hoặc sáng sớm (từ 5h-6h30) mới gặp. Vất vả nhất là vào mùa mưa, nhiều thôn, làng ở cách trung tâm xã rất xa, đường sá đi lại lầy lội, các gia đình ở rải rác cách xa nhau nên em phải đi bộ rồi ở lại trong làng vài ngày mới hoàn thành kế hoạch đề ra.
Những cố gắng của chị Y Trang đã mang lại kết quả đáng kể khi tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn xã Măng Bút mấy năm qua giảm rõ rệt. 4 năm trở lại đây, tỷ lệ này đều được khống chế ở mức dưới 10%, riêng năm 2019 chỉ có 5,4% và năm 2020 là 6,8%. Tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai vào khoảng 74%.
Sự tận tâm, hết lòng vì công tác dân số của chị Y Trang được người dân trên địa bàn xã đánh giá cao. “Chị Trang rất chịu khó, kiên trì trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Chị nhiệt tình tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc của người dân về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Vì thế mà mọi người rất tin tưởng, cởi mở khi hỏi chị Trang về những vấn đề vốn được coi là tế nhị này” - chị Y Sa (thôn Măng Bút) nhận xét.
|
Để đưa các chính sách dân số đến với người dân là cả một nghệ thuật. Ở vùng sâu, vùng xa các thiết bị hỗ trợ tuyên truyền như máy tính, tivi thiếu, tài liệu được cấp lại có hạn nên nếu tuần nào, tháng nào cũng nói và phát một ít tờ rơi cùng một nội dung thì sẽ nhàm chán và hiệu quả tuyên truyền không cao. Vì vậy, những người làm cán bộ dân số đã linh hoạt, đổi mới cách tuyên truyền, khéo léo kết hợp với các hoạt động và các buổi sinh hoạt của thôn, làng, tổ chức đoàn thể.
10 năm nay làm công tác dân số ở xã Măng Cành, điều khiến chị Trần Thị Hòa luôn trăn trở là làm sao để đa dạng biện pháp tuyên truyền nhằm lôi cuốn, thu hút được người dân. Chính vì vậy, chị phải tìm hiểu tâm lý của từng đối tượng để có cách tuyên truyền phù hợp.
Chị Hòa bộc bạch: Các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên thường có tâm lý ngại ngùng khi nói về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản, sử dụng các biện pháp tránh thai... nên mình phải tổ chức tuyên truyền nhóm nhỏ khoảng 5-7 người để họ cảm thấy thoải mái khi tiếp nhận và chia sẻ. Còn với những người đã có từ 3 con trở lên thì mình phải đến tận nhà để tuyên truyền, tư vấn cho cả hai vợ chồng về các biện pháp tránh thai. Không ít gia đình mình phải tới nhiều lần để phân tích, giảng giải, chia sẻ thì họ mới nghe. Còn với những gia đình trẻ có từ 1-2 con thì mình tổ chức các buổi tuyên truyền rộng rãi, tập trung nói về lợi ích của việc sinh ít con. Các bài tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ nhớ. Thỉnh thoảng mình còn phải mượn loa lưu động kéo từ làng trên đến xóm dưới để tuyên truyền…Nói chung là luôn phải nghĩ ra các cách tuyên truyền mới, để mang lại hiệu quả cao nhất.
Nhờ đó mà nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã Măng Cành ngày càng được nâng lên, nhất là những cặp vợ chồng trẻ. Đa số họ đều ý thức được rằng dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.
Song song với công tác vận động, tuyên truyền thực hiện các chính sách dân số, các trạm Y tế xã còn thường xuyên tổ chức khám, chữa bệnh phụ khoa miễn phí cho chị em phụ nữ. Các dịch vụ y tế đều được cung cấp kịp thời, hiệu quả, an toàn nên đã tạo được niềm tin đối với những người thực hiện các biện pháp KHHGĐ.
Vẫn còn nhiều trăn trở
Với sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể, những năm gần đây, công tác DS -KHHGĐ trên địa bàn huyện Kon Plông có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng giảm. Chẳng hạn như năm 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn là 13,3% thì năm 2020 giảm còn khoảng 11%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kon Plông, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn giảm nhưng không ổn định và thiếu bền vững. Tình trạng kết hôn sớm, sinh đông con vẫn còn khá nhiều. Đa số các đối tượng sinh con thứ 3 đều rơi vào các cặp vợ chồng trên 35 tuổi không chịu sử dụng các biện pháp tránh thai hoặc có sử dụng nhưng kiểu “được chăng hay chớ”. Đây cũng là những đối tượng rất khó thay đổi.
Chị Trần Thị Hòa giãi bày: Có những trường hợp, mình đến tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhưng họ bỏ ngoài tai, cung cấp các dụng cụ hỗ trợ tránh thai cũng không dùng. Có khi thấy bóng dáng mình là họ né tránh, không muốn gặp. Một số phụ nữ có ý thức hơn cũng vui vẻ nhận thuốc tránh thai hay tự giác đi tiêm, cấy que ngừa thai nhưng lại hay quên uống thuốc hoặc đến kỳ không đi tiêm, cấy lại nên xảy ra tình trạng “vỡ kế hoạch”. Có trường hợp “vỡ kế hoạch” tới 3-4 lần.
Kon Plông là địa bàn rộng, đường giao thông khó khăn, người dân sống rải rác nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai công tác tuyên truyền. Hơn nữa, do thiếu các phương tiện trình chiếu phim tư liệu cho người dân được xem bằng hình ảnh trực quan nên hiệu quả tuyên truyền bị hạn chế.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ, ngoài những người làm công tác dân số chuyên trách thì đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, nhưng hiện nay, thù lao cho đội ngũ này rất thấp nên không khích lệ, động viên được họ tham gia một cách nhiệt tình.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác DS-KHHGD và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện Kon Plông vẫn đang là trăn trở đối với ngành Y tế, đặc biệt là với những người trực tiếp làm công tác dân số trên địa bàn.
Thùy Hương