19/06/2018 13:00
Tháng Sáu hai mươi năm về trước là lúc tôi chính thức bước vào nghề báo. Thời gian cứ thế trôi qua, cứ mỗi dịp tháng Sáu về, tôi và các đồng nghiệp lại có thêm cơ hội hàn huyên tâm sự, để rồi trân trọng, nâng niu nghề được xã hội tôn vinh nhưng không kém phần rủi ro, nguy hiểm…
Gánh trên mình trách nhiệm truyền tải thông tin và phản biện xã hội, nghề báo nói chung, đội ngũ những người làm báo trong tỉnh đã phản ánh kịp thời hoạt động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; phản ánh các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước cũng như của tỉnh; các vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm…, qua đó góp phần định hướng dư luận xã hội được kịp thời…
Để có được những thông tin xác thực, kịp thời, những người làm báo chúng tôi, chẳng nề hà thời tiết khắc nghiệt, hay những bữa đói lòng với mì tôm, cháo gói…, lăn lộn về cơ sở.
Nhớ lại những ngày mới bước vào nghề báo, mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ, xa lạ. Những chuyến công tác dài ngày về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chồng chất gian nan nhưng đối với tôi là niềm đam mê với ước muốn được khám phá, được trải nghiệm….
Và mỗi lần tin, bài được đăng tải trên Báo Kon Tum, với tôi, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc không gì so sánh. Bởi đó chính là “đứa con tinh thần” mà mình đã chắt chiu từng phút, từng giờ trên trang giấy để cho ra một sản phẩm hoàn hảo, được xã hội đón nhận…
Những người làm báo chúng tôi luôn ghi nhận và trân trọng những sẻ chia, giúp đỡ, cộng tác từ phía những người cung cấp thông tin. Những sẻ chia, cảm thông đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi khi tác nghiệp …
Tuy nhiên, hiện tại, có một số ít cán bộ ngành, địa phương vẫn chưa hiểu thấu đáo được những lợi ích cho xã hội mà báo chí mang lại. Có đôi khi, họ lại có những tư duy sai lệch về nghề báo và những người làm báo, không muốn cung cấp thông tin, thậm chí là gây khó dễ, o bế thông tin.
Ở một số ngành được xem là “nhạy cảm”, việc cung cấp thông tin cho báo chí lại càng khó hơn. Có một số thông tin, tư liệu đã công khai bằng văn bản trong các hội nghị, vậy mà khi cung cấp các nội dung trên cho báo chí họ lại xem là “cơ mật”(!?)
Hai mươi năm gắn bó với nghề, tôi cũng đã nếm trải không ít những vui buồn, những “tai nạn” nghề nghiệp nên thấm thía hơn với cái “nghề nghiệt ngã”. Nhưng không vì thế mà chùn bước, bản thân tôi cũng như nhiều nhà báo khác vẫn kiên cường theo đuổi sự kiện, vấn đề để đều đặn có các tin, bài đăng tải trên mặt báo.
Hơn ai hết, những người làm báo chúng tôi cần có một hệ thống hành lang pháp lý (ngoài Luật Báo chí) để bảo vệ nhà báo như những người đang thi hành công vụ…
Hơn ai hết những người làm báo chúng tôi mong có được sự sẻ chia, giúp đỡ, tạo điều kiện từ phía những người cung cấp thông tin. Bởi một khi thông tin được đăng tải trên báo, cũng chính là tạo điều kiện cho độc giả có những thông tin giá trị đa chiều, kịp thời định hướng dư luận…
Hiện nay, do nhu cầu phục vụ công tác chuyên môn, nhiều cơ quan, ban, ngành phải sử dụng các website, cổng thông tin điện tử để chuyển tải các tư liệu, thông tin hoạt động của cơ quan, ngành mình. Tuy nhiên, một số ít cơ quan, ngành nghiễm nhiên xem đó như là “tờ báo” của riêng mình, nên dẫn đến tình trạng “độc tôn” thông tin, không muốn cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Họ “sợ” rằng khi cung cấp thông tin cho báo chí thì những thông tin của ngành họ sẽ trở nên “lạc hậu” và ít người truy cập.
Mỗi lần tháng Sáu về, chúng tôi lại có dịp để tản mạn đôi dòng tâm sự, cùng nhau chia sẻ những trăn trở chuyện nghề. Để rồi, những người làm báo chúng tôi lại tiếp tục dấn thân trên chặng đường phía trước, dẫu biết rằng vẫn còn lắm gian truân…
Dương Đức Nhuận