Tổng kết Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2016-2020”

23/11/2020 13:20

Sáng 23/11, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2016-2020”.

Khen thưởng các tập thể, cá nhân. Ảnh: QĐ

 

Dự Hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành, huyện, thành phố cùng các đơn vị và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 7/10/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2016-2020”, ngành VHTTDL tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả các nội dung của đề án này.

Cụ thể, đã triển khai công tác điều tra, sưu tầm, ghi chép được 145 bài cồng chiêng của 7 DTTS tại chỗ; hỗ trợ 40 bộ cồng chiêng cho các thôn làng đồng bào DTTS chưa có cồng chiêng (trong đó 35 bộ cho 35 làng và 5 bộ cho trường học); vận động các làng có điều kiện mua sắm thêm cồng chiêng, nâng số lượng cồng chiêng trên địa bàn tỉnh lên 2.134 bộ, tăng 218 bộ cồng chiêng so với năm 2016, đồng thời nâng tổng số làng đồng bào DTTS có cồng chiêng 502/622 làng, tăng 259 làng có cồng chiêng so với năm 2015.

Ngành VHTTDL phối hợp với chính quyền các địa phương cơ sở tổ chức được 103 lớp truyền dạy cồng chiêng cho hàng ngàn lượt thanh thiếu nhi; phục dựng 15 nghi lễ, lễ hội truyền thống của các thành phần DTTS tại chỗ.

Đáng chú ý, toàn tỉnh hiện có 74 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và đang làm hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần thứ III năm 2021 cho 15 nghệ nhân.

Để bảo tồn và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, thời gian qua, ngành VHTTDL tỉnh thường xuyên tổ chức Tuần lễ văn hoá-du lịch, Ngày hội văn hoá-thể thao-du lịch (cấp huyện tổ chức định kỳ 1 năm/1 lần, cấp tỉnh tổ chức 2 năm/1 lần); ngành Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức Hội thi cồng chiêng, múa xoang trong trường học; thành lập 2 CLB văn hóa dân gian dân tộc Ba Na (nhóm Rơ Ngao và nhóm Tơ Dră) tại huyện Đăk Hà và xây dựng được 534 đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang tại các làng đồng bào DTTS để phục vụ các lễ hội văn hóa của cộng đồng.

Đặc biệt, Sở VTTTDL thường xuyên cử các đoàn nghệ nhân cồng chiêng tham gia các Liên hoan cồng chiêng, sự kiện văn hóa do Bộ VHTTDL, các tỉnh tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá, phát huy các giá trị di sản văn hóa cồng chiêng.

Các đại biểu dự Hội nghị đã phát biểu ý kiến tham luận, nêu bật những kết quả đạt được; những tồn tại và hạn chế cần khắc phục; kiến nghị một số giải pháp để triển khai thực hiện đề án đạt kết quả tốt hơn trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng và trách nhiệm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng trước xu thế phát triển của xã hội hiện nay; phục hồi và giữ gìn các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội truyền thống để tạo môi trường diễn xướng cồng chiêng; phấn đấu có 10/10 huyện, thành phố tổ chức truyền dạy kỹ thuật đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, múa xoang cho thanh thiếu nhi; hỗ trợ kinh phí mua cồng chiêng cấp cho các làng đồng bào DTTS chưa có cồng chiêng, phấn đấu đến năm 2021, 100% số làng có cồng chiêng; duy trì tổ chức thường niên Tuần lễ văn hóa-du lịch, Ngày hội văn hóa-thể thao-du lịch từ cấp xã đến cấp tỉnh.

Nhân dịp này, Sở VHTTDL khen thưởng 5 tập thể và 10 cá nhân, đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020.

Quang Định    

Chuyên mục khác