“Tôi thấy sự chủ quan ở nhiều người”

11/09/2020 13:00

Có một thực tế rất đáng lo ngại là tâm lý chủ quan đang trở thành “căn bệnh” lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Trong điều kiện cuộc chiến với Covid-19 đang bước vào giai đoạn mới, được dự đoán là sẽ kéo dài, với những yêu cầu đặc thù, thì bài học về nâng cao ý thức tự bảo vệ của mỗi người dân trong làn sống Covid-19 đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị.

Rất may là tôi đã không đồng ý chấp nhận “độ” với anh hàng xóm, nếu mà gật đầu là thua cuộc rồi. Tất nhiên là một cái “độ” vui mà thôi.

Chuyện là, anh sang chơi, rồi bức xúc nói: Cứ tưởng dân ta chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống Covid- 19 lắm ông ạ. Ai ngờ  không phải như vậy, tôi thấy rõ sự chủ quan, thờ ơ ở nhiều người.

Thì ra, chiều chiều, anh thường đạp xe tập thể dục trên mấy tuyến đường chính trong thành phố, nhưng một hôm quyết định đổi hướng, dạo qua vùng ven thì phát hiện có rất nhiều người “đáng giận”.

Đấy, như đầu đường Võ Nguyên Giáp, từ bùng binh Đăk Cấm đi vào vài chục mét là gặp ngay mấy quán nhậu bình dân, khách đông ơi là đông. Họ ngồi chen chúc, cụng ly hò hét, nào có quan tâm gì đến quy định về số lượng người đâu. Rồi trên vỉa hè các tuyến đường, mấy bà, mấy chị tập thể dục hay tụ tập tám chuyện rộn rã mà chẳng có ai đeo khẩu trang- anh bức xúc kể.

Không khó để bắt gặp những hình ảnh này trên phố. Ảnh: H.L

 

Cứ theo anh thì, điều đáng giận nhất là, dù là trong câu chuyện ở quán nhậu hay là “tám chuyện vỉa hè” thì đề tài chính vẫn là bàn tán về dịch bệnh, từ trong nước đến thế giới, ai cũng bày tỏ sự lo lắng, bất an, trong khi chính họ lại làm ngơ, bỏ qua tất thảy những khuyến cáo, những biện pháp phòng dịch.

Rõ là dân ta còn chủ quan lắm- anh kết luận.

Lúc ấy, tuy không nói ra, nhưng tôi không mấy đồng tình với anh. Vì trong thâm tâm, tôi luôn tin rằng, tinh thần phòng, chống Covid- 19 của mỗi người dân đang rất cao. Nhất là khi các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, hệ thống loa phát thanh của xã, phường, xe loa tuyên truyền lưu động liên tục phát các nội dung tuyên truyền về phòng, chống Covid- 19.

Nhưng rồi chiều cuối tuần, chạy xe lòng vòng trên đường Đào Duy Từ (thành phố Kon Tum), tôi mới nhận ra rằng, anh hàng xóm nói đúng. Rõ là dân ta còn chủ quan lắm.

Trong một quán nhậu, khách ngồi chật như nêm, phục vụ chạy mướt mồ hôi. Chủ yếu là thanh niên, nên chuyện hò hét khi ăn nhậu là không tránh khỏi. Ở quán bên cạnh cũng đông không kém. Và không nói ra ai cũng biết, các yêu cầu về phòng, chống Covid- 19 đều bị chủ quán “phớt lờ”. Nói như  mấy anh bạn nhậu, “không tụ tập quá 30 người” hay “bố trí nước rửa tay diệt khuẩn”… là những “món” không có trong “thực đơn” của rất nhiều quán nhậu, đúng nghĩa khách càng đông chủ quán càng… vui.

Không chỉ ở các quán nhậu, ở các quán cà phê vỉa hè, các cổng trường, công viên, điểm xanh, chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum cũng dễ nhận thấy ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ sức khỏe, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch còn hạn chế. Điều đó thể hiện qua việc nhiều người có biểu hiện chủ quan, không đeo khẩu trang, mặc dù đang ở nơi tập trung đông người.

Thậm chí vào siêu thị cũng không đeo khẩu trang. Ảnh: HL

 

Điều đáng lo ngại là tâm lý chủ quan đang trở thành “căn bệnh” lây lan nhanh chóng nơi công cộng. Tại quán cà phê trên đường Trần Phú (phường Thắng Lợi), khi tôi hỏi một thanh niên về chuyện không đeo khẩu trang, cậu ta cười rồi hỏi ngược lại: Chú không thấy tình hình đã được kiểm soát tốt hay sao mà lại bắt người ta cứ phải đeo khẩu trang khi ra ngoài đường? Phiền muốn chết.

Chị chủ quán lắc đầu, bày tỏ thái độ bức xúc: “Em thấy đó, quán có trang bị nước rửa tay sát khuẩn, nhưng có mấy ai đụng đến đâu, nhắc nhở thì mất khách. Tình hình dịch bệnh vẫn còn đang rất phức tạp, vậy mà nhiều người rất chủ quan khiến tôi cũng cảm thấy lo lắng”.

Cuộc chiến với Covid-19 đang bước vào trong giai đoạn mới, kéo dài, với những yêu cầu đặc thù, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh “chúng ta phải xác định tinh thần chung sống an toàn với dịch”. Vì vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi Covid-19, đảm bảo an toàn, theo các chuyên gia, cần “3 mũi giáp công”: Hệ thống chính trị, cơ quan chuyên môn và người dân.

Trong đó, các hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn, tránh tụ tập; lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh  để phát hiện kịp thời, nhắc nhở và xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid- 19.

Các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là cơ quan Y tế cần phát huy tốt vai trò “cú đấm thép” trong “phòng dịch” và “diệt bệnh”. Tiếp tục nêu cao trách nhiệm về chuyên môn để triển khai thực hiện và tham mưu phối hợp thực hiện nguyên tắc “ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm, nhất là từ nước ngoài; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh; điều tra dịch tễ, phân loại, sàng lọc, cách ly chặt chẽ; khoanh vùng, dập dịch; điều trị kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời tham mưu xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại mỗi địa phương; phối hợp với các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nhân lực để phòng, chống dịch trong tình huống dịch bùng phát.

Mũi thứ 3, là ý thức người dân, mang ý nghĩa “tạo vòng chắn” ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, góp sức “diệt bệnh”. Trong làn sóng Covid- 19 thứ nhất, chính sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội và ý thức tự bảo vệ của mỗi người dân đã góp phần đem lại thành công vang dội. 

Vì vậy, để giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được, đòi hỏi mỗi cá nhân cần tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh; có ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn dịch tễ để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và cộng đồng trong trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh

Và biểu hiện cụ thể nhất của ý thức phòng, chống dịch bệnh chính là đưa việc đeo khẩu trang khi ra bên ngoài, sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế tập trung đông người thành thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Hồng Lam

Chuyên mục khác