Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc

25/03/2023 06:27

Sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, nhận thức pháp luật và ý thức tham gia của người dân là những yếu tố quyết định để phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt hiệu quả cao.

Là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xây dựng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Báo cáo số 438/BC-BCĐ ngày 22/2 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh đánh giá, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được triển khai sâu rộng, gắn với các cuộc vận động, phong trào cách mạng khác của Trung ương và chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở từng địa phương.

Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và nhận thức của cán bộ, đảng viên về bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng được nâng cao, có chuyển biến tích cực.

Từ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhiều vũ khí tự chế được người dân giao nộp cho Công an. Ảnh: Minh Trung

 

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng được thực hiện một cách thường xuyên, hiệu quả, có sự đổi mới về nội dung và hình thức, phương pháp tuyên truyền linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, đối tượng và thời điểm cụ thể.

Từ đó triển khai, tổ chức xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại cơ sở, nhất là ở các địa bàn chiến lược, biên giới, vùng đồng bào DTTS, vùng tôn giáo được tăng cường. Từ đó lôi cuốn đông đảo nhân dân tích cực, tự giác tham gia xây dựng, bảo vệ, quản lý an ninh trật tự; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật.

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo, chỉ tính riêng năm 2022, nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an 488 nguồn tin có giá trị. Hiện nay có 48 mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở đang được củng cố, duy trì hoạt động ở 10 huyện, thành phố, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng khu vực, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng.

Đặc biệt, đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 21/85 xã thuộc diện xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.

Qua hoạt động thực tế, đa số mô hình đã đáp ứng được nhu cầu thiết thực của nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, thu hút được nhiều người tham gia. 

Tuyên truyền, vận động hộ gia đình tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Ảnh: Hồng Lam

 

Lực lượng Công an các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt, thể hiện được tính chủ động, trách nhiệm trong tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trong đó, lực lượng Công an xã chính quy đã làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở. Triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; xác minh, điều tra làm rõ nhiều vụ án hình sự; phối hợp cảm hóa, giáo dục đối tượng có tiền án, tiền sự.

Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ được quan tâm tổ chức với nhiều hoạt động có ý nghĩa, như thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, tôn giáo còn gặp nhiều khó khăn; tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm và chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước trong nhân dân.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo số 438/BC-BCĐ của Ban Chỉ đạo tỉnh, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở một số nơi phát triển chưa đồng đều. Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào còn hạn chế, thiếu hiệu quả, dẫn đến nhận thức của một bộ phận nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ chưa đầy đủ.

Một số cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, chưa phát huy hết trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện.

Thậm chí còn có tư tưởng coi đây là trách nhiệm của lực lượng Công an; trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch, chưa thực sự vào cuộc trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Còn có lúc, có nơi, cán bộ, đảng viên và người dân chưa thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ nên chưa tích cực tham gia hưởng ứng; một số cơ quan, đơn vị còn thụ động trong phối hợp tổ chức ngày hội.

Mục tiêu đặt ra trong năm 2023 là 100% chính quyền địa phương và cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ban hành chương trình, kế hoạch xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; 100% khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, cơ sở giáo dục và 70% doanh nghiệp đăng ký đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, trước hết, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự tổ chức và quản lý của chính quyền, sự tham mưu nòng cốt của Công an. Gắn kết chặt chẽ phong trào với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh.

Phát huy vai trò của quần chúng trong tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng phong trào, không ngừng nghiên cứu các hình thức vận động và xây dựng phong trào mới ở địa phương.

Có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn để xác định mục tiêu vận động cho phù hợp, tập trung giải quyết các vấn đề phức tạp mà quần chúng quan tâm. Nhân rộng các gương điển hình, mô hình hay và thường xuyên khen thưởng các tấm gương tốt.

Phát huy vai trò nòng cốt của công an nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Xây dựng công an cơ sở, bảo vệ dân phố trong sạch vững mạnh.

Hồng Lam

Chuyên mục khác