Tổ chống bỏ học ở Đăk Hà

07/11/2014 08:55

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của tổ chống bỏ học của các thôn và xã, tỉ lệ chuyên cần trong trường chúng tôi đạt hơn 98% - Hiệu trưởng Trường THCS A Ninh (xã Đăk Mar) Nguyễn Quang Nhật cho biết.
Chính quyền thôn Kon Gung, xã Đăk Mar tranh thủ đi vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con ra lớp. Ảnh: T.A

 

Xác định phải hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, vắng học, từ năm 2012, huyện Đăk Hà đã chỉ đạo, thành lập tổ chống bỏ học tại 9/11 xã (trừ xã Hà Mòn và thị trấn Đăk Hà). Đến nay, với tinh thần trách nhiệm cao, các tổ chống bỏ học đã hoạt động hiệu quả, phát huy tác dụng, góp phần nâng cao chất lượng học tập.

Một lần đến xã Đăk Mar, khi chúng tôi vừa hỏi đến việc huy động học sinh ra lớp, ông Đinh Thư - Phó Chủ tịch UBND xã liền cho biết: Toàn xã có 5 trường học, trong đó 2 trường THCS, 2 trường tiểu học và 1 trường mầm non. 2 năm nay, từ khi thành lập các tổ chống bỏ học, tỉ lệ học sinh đi học chuyên cần ở các trường luôn đạt trên 90%.

Năm 2012, ngay khi nhận được thông báo của UBND huyện Đăk Hà, xã Đăk Mar đã tổ chức họp, quán triệt và thành lập 8 tổ chống bỏ học ở 8 thôn, làng. Theo đó, tổ chống bỏ học của mỗi thôn sẽ bao gồm tất cả các thành phần trong ban nhân dân thôn: thôn trưởng, bí thư chi bộ, ban mặt trận thôn, bí thư chi đoàn, chi hội trưởng chi hội phụ nữ…

Với tinh thần trách nhiệm cao, các tổ chống bỏ học làm việc một cách nhiệt tình, chu đáo. Hàng tuần, cứ đến thứ 6, sau khi tập hợp danh sách học sinh vắng học, các trường sẽ gửi cho tổ chống bỏ học tại các thôn. Tổ chống bỏ học phối hợp với nhà trường đi đến từng nhà các học sinh, tìm hiểu nguyên nhân để vận động các em đến lớp.

Chia sẻ với chúng tôi, thôn trưởng A Vải – Tổ trưởng tổ chống bỏ học thôn Kon Gung, xã Đăk Mar cho biết: 2 năm trở lại đây, tuần nào chúng tôi cũng đi đến từng nhà để tuyên truyền học sinh ra lớp. Ngày trước cứ vào thời điểm thu hoạch cà phê hoặc mỳ là học sinh lại vắng học. Nay thì khác rồi, dù đã vào vụ thu hoạch lúa, cà phê nhưng chỉ có một vài em nghỉ học thôi.

Không chỉ đi tận nhà, tuyên truyền, nhắc nhở các học sinh ra lớp, trong những buổi họp thôn, tổ chống bỏ học còn nhắc nhở tất cả phụ huynh phải chú trọng đến việc học của các con. Đặc biệt, qua quá trình vận động, nhận thấy học sinh nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chống bỏ học của thôn sẽ thông báo lên nhà trường và Ban chỉ đạo chống bỏ học của xã để quyên góp sách vở, quần áo, hỗ trợ, giúp đỡ các em đến lớp.

Cũng giống như xã Đăk Mar, tại xã Đăk La ngay khi nhận được thông báo của huyện, xã cũng thành lập 6 đội chống bỏ học tại 6 thôn, làng ĐBDTTS. Chị Y Chiên – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cả xã có 11 thôn nhưng học sinh vắng học chủ yếu tập trung tại 6 thôn ĐBDTTS nên chúng tôi triển khai trước tại 6 thôn này. Vì nhận thức của người dân chưa cao nên công tác vận động gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhìn chung, từ khi có tổ chống bỏ học, tỉ lệ học sinh chuyên cần đã tăng cao hơn so với trước.

Theo chị Y Chiên, xã Đăk La có 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 2 trường THCS; trong đó, học sinh thường xuyên vắng học tập trung chủ yếu tại Trường THCS Mạc Đĩnh Chi và đặc biệt là Trường THCS Lương Thế Vinh.

Phân tích và nắm rõ tình hình, ngoài việc thành lập 6 tổ chống bỏ học, Ban chỉ đạo đội chống bỏ học tại xã đã chia thành 2 nhóm: 1 nhóm do Phó Chủ tịch UBND chỉ đạo phối hợp với tổ chống bỏ học của các thôn cùng đi vận động học sinh ở Trường THCS Mạc Đĩnh Chi; 1 nhóm do Chủ tịch UBMTTQ xã chỉ đạo, vận động học sinh ở Trường THCS Lương Thế Vinh. Các tổ đều liên hệ chặt chẽ với nhà trường, phối hợp với giáo viên, vừa tuyên truyền trên loa phóng thanh, vừa vào tận nhà học sinh để khuyên nhủ, vận động các em ra lớp.

Đặc biệt, trước các thời điểm vào mùa vụ, xã sẽ tổ chức họp tất cả các tổ chống bỏ học, cùng với nhà trường tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để duy trì sĩ số. “Có tuần chúng tôi chỉ đi 2-3 buổi nhưng có tuần chúng tôi phải đi 5-6 buổi để vận động các em ra lớp. Thoạt đầu, nhiều em không chịu đi học nhưng đến nay cơ bản đã ổn định rồi” – ông Nguyễn Minh Vương - Chủ tịch UBMTTQ xã Đăk Mar, Bí thư chi bộ thôn 9 cho biết.

Bên cạnh công tác vận động, xã cũng tìm hiểu, trao các phần quà, học bổng cho các em học sinh nghèo học giỏi để khuyến khích, tạo động lực, tiếp sức các em đến lớp. Các trường cũng tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức thêm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí: giao lưu bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ… để thu hút các em. “Ngày trước tỉ lệ học sinh chuyên cần chỉ đạt hơn 70% thôi nhưng nay với sự vào cuộc của xã, của thôn, học sinh trong trường đã đi học đông hơn, cơ bản đạt được  86%, có thời điểm đạt hơn 90%. Chúng tôi tin rằng với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và tổ chống bỏ học của thôn, của xã, tỉ lệ học sinh vắng học sẽ tiếp tục giảm đáng kể” – ông Tạ Ngọc Ngọ - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh chia sẻ.                      

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác