Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

30/01/2017 08:33

Không náo nhiệt cũng chẳng sầm uất nhưng Kon Tum lại trở thành điểm đến sinh sống của người dân ở nhiều vùng, miền trên khắp cả nước. Điều đặc biệt, ai đến đây cũng đều yêu, đều quý mảnh đất này. Và từ trong tâm thức của họ, tình yêu với Kon Tum đã làm “đất lạ hóa quê hương” thứ hai.

Đất lành chim đậu

Như được mặc định, nhắc đến thôn Thung Nai ở xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi), người ta biết chúng tôi đang muốn tìm đến cộng đồng người Mường. Bởi nơi đây có hàng trăm hộ người Mường từ tỉnh Hòa Bình chuyển đến sinh sống, lập nghiệp.

Còn đến với thôn Ya Hội, xã Đăk Năng (thành phố Kon Tum), từ đầu thôn đến cuối thôn đều là người phố Hội, Quảng Nam; hay vào đến huyện mới Ia H’Drai, ai không biết cứ ngỡ như mình đang ở trong một vùng nào đó của tỉnh Thanh Hóa, Thái Nguyên… bởi người dân nơi đây đa số đều là người DTTS ở các tỉnh miền Bắc vào lập nghiệp.

Bà con người Quảng Nam ở thôn Ya Hội, xã Đăk Năng tích cực làm kinh tế. Ảnh: H.T

 

Đâu phải ngẫu nhiên người dân từ các vùng miền chọn Kon Tum làm điểm đến. Ông Nguyễn Minh Khuê ở thôn Ya Hội, xã Đăk Năng nói rằng, ông cũng như người dân Quảng Nam biết đến Kon Tum như một cái duyên, nhưng không phải ngẫu nhiên mà chọn mảnh đất này làm nơi lập nghiệp.

“Trước đây, tôi được giao nhiệm vụ đi tìm hiểu, xem vùng đất nào phù hợp về khí hậu, con người, có thể phát triển tốt để dẫn người dân ở Hội An vào định cư, làm kinh tế mới. Lúc đó, tôi đã đi khảo sát một vài vùng đất nhưng rồi tôi chọn Kon Tum. Dù những năm 1980, Kon Tum còn hoang sơ nhưng đất đai nơi đây rất trù phú, rộng rãi, khí hậu lại phù hợp. Tôi tin ở mảnh đất này người dân xứ Quảng chúng tôi sẽ sớm thích nghi, phát triển. Vậy mà đúng thật” – ông Nguyễn Minh Khuê nhớ lại.

Còn với anh Vi Văn Phố (người Tày) ở thôn 8, xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai), vào Kon Tum là cơ hội để gia đình anh phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no. Từ năm 2012, anh cũng như nhiều người khác rời quê hương Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Nam Mô Rai (nay là huyện Ia H’Drai).

Dù chân ướt chân ráo vào mảnh đất mới, phương thức sản xuất hoàn toàn khác, khí hậu cũng khác biệt, thế nhưng, nhìn thấy những vườn cao su trù phú, những mảnh đồi tốt tươi ai nấy như an tâm hơn, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Bỏ qua bước bỡ ngỡ ban đầu, mọi người tập trung dựng nhà, khai hoang đất đai, sản xuất kinh tế.

“Không riêng gì người Tày chúng tôi đâu, ở chỗ tôi sống còn có cả người Thái ở Sơn La, Hòa Bình vào đây nữa. Rồi còn có cả người Kinh ở Bình Định, Quảng Ngãi… sinh sống. Nhìn chung đa dạng lắm!” – anh Phố cho hay.

 Yêu quê hương thứ hai

Biết Kon Tum qua những trang báo mạng, đến Kon Tum tham quan một vài lần, thế rồi với sự chất phác, hiếu khách của con người nơi đây cùng khí hậu dễ chịu, mát mẻ, 12 hộ dân từ Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết tâm rời phố thị, đèn màu tìm đến huyện Kon Plông để sinh sống.  

Với cô Nguyễn Thị Thiện Mỹ, Kon Plông và cô như đã có duyên nợ từ trước. Cô nói rằng, ngày đầu tiên, từ Thành phố Hồ Chí Minh đặt chân đến đây, trước khung cảnh hoang sơ của núi rừng, với cái se lạnh đặc trưng, cô đã rất thích. Dù khi ấy con đường đi vào thôn Tu Rằng, xã Măng Cành đất đỏ, mưa thì lầy, nắng thì bụi; xung quanh là cây cối um tùm, nguồn nước chưa đảm bảo nhưng cô và 12 người bạn của mình vẫn quyết đến đây sinh sống.

“Tôi yêu nơi này lắm! Nơi đây rất mát mẻ, đặc biệt là còn nguyên sơ vẻ đẹp của núi, của rừng. Bởi vậy dù cả gia đình ngăn cản, một mình tôi vẫn rời Thành phố Hồ Chí Minh lên đây” – cô Mỹ chia sẻ.

Một phần vì khí hậu, hơn thế do thích làm nông nghiệp và nhận thấy tiềm năng của mảnh đất này, cô Mỹ đã đầu tư mở trang trại tại đây. Bước qua những khó khăn ban đầu, bây giờ trang trại rộng gần 10ha của cô Mỹ với 85% diện tích đất đã ken kín các loài cây xứ lạnh đang mùa đơm hoa trái: bưởi da xanh, măng tây, dâu tây Nhật Bản, bắp cải, bơ sáp, khoai Lệ Cần, cà chua bi, bắp cải, hoa phong lan...

“Tôi xác định ở đây lâu dài nên mới đầu tư cả cây ngắn ngày lẫn dài ngày. Đất ở đây rất tốt nên năng suất cây trồng rất cao. Hiện tại, tôi đã nhận được nhiều lời mời nhận bao tiêu sản phẩm. Tôi tin rằng khí hậu nơi này sẽ giúp tinh thần tôi thoải mái, thư thái và đất ở đây, nếu đầu tư kĩ sẽ giúp tôi hái ra tiền” – cô Mỹ cười.

Và đặc biệt cô Mỹ cho biết, mới ngày nào cả gia đình còn ngăn cản việc cô lên Kon Tum, ấy thế mà giờ đây, cả gia đình cô đều thích mảnh đất này. Thỉnh thoảng, con cái của cô vẫn tạm gác công việc, ghé lên đây chơi để được sống trong thiên nhiên, cây cối.

Dù gia đình ngăn cản, cô Thiện Mỹ vẫn quyết tâm ở lại mảnh đất Kon Plông. Ảnh: H.T

 

Động lực lớn nhất để vợ chồng ông Trà Văn Sáu và bà Bùi Thị Mỹ Châu (cũng ở Thành phố Hồ Chí Minh) đến và ở lại với Kon Tum chính là khí hậu nơi đây.

Vì yêu thích nông nghiệp, ông Sáu đã cải tạo, trồng nhiều loại cây trong trang trại 13ha của mình. Song ông vẫn giữ lại một vài héc ta rừng để được sống cùng với thiên nhiên, được hưởng khí hậu mát lành, đồng thời, giữ lại những loại cây thuốc quý hiếm.

“Con cái một mực ngăn cản bảo chúng tôi về lại Thành phố Hồ Chí Minh sống nhưng vợ chồng tôi không chịu. Mảnh đất, khí hậu nơi đây rất tuyệt vời. Không được sinh ra ở đây nhưng tuổi già của vợ chồng tôi sẽ ở đây. Hơn nữa, ở đây có rất nhiều loại thảo dược quý, chúng tôi thấy mình may mắn khi được biết và được ở trên mảnh đất này” – ông Sáu bày tỏ.

Ông Hà Đức Hoan (dân tộc Mường) xem Kon Tum là quê hương thứ hai của mình. Ảnh: H.T

 

Những ai đã đến đây, dù đến trước hay đến sau cũng đều nhanh chóng gắn bó và xem Kon Tum là quê hương thứ hai của mình. Như anh Vi Văn Phố, mới vào huyện mới nhưng nhờ đất đai tươi tốt, vợ chồng lại siêng nhặt chặt bị nên kinh tế đã ổn định hơn rất nhiều.

“Bây giờ thì nơi này đã là quê hương của mình rồi. Sắp tới mình sẽ gọi anh em ngoài quê vào đây xây dựng kinh tế, ổn định cuộc sống” – anh Phố phấn khởi.

Còn ông Bùi Duy Nhất - thôn trưởng thôn Thung Nai bảo rằng, ngày ấy ông chỉ nghĩ rằng sẽ vào Kon Tum để làm kinh tế, sản xuất cho có của ăn của để rồi quay trở về Hòa Bình. Từ khí hậu ở miền Bắc với những đợt rét run bần bật, khi vào Kon Tum, chỉ một thời gian sau, ai nấy đều gật gù: “Khí hậu thích thế”.

Ấy thế rồi, trên mảnh đất đỏ, ai nấy đều chăm lo cày xới. Những củ mỳ to bằng bắp chân, những hạt cà phê chín đỏ đã đưa những mái nhà tranh lên thành những ngôi nhà xây kiên cố, kín cổng cao tường. Đời sống kinh tế ổn định, nhà nhà no ấm.

“Giờ gia đình tôi ở đây là 4 thế hệ rồi, anh em, họ hàng đều ở trong này cả. Nơi đây là nơi chôn rau cắt rốn của các con, các cháu tôi. Bây giờ với chúng tôi, nơi đây là chùm khế ngọt rồi” – ông Nhất vui vẻ.

Đến với Kon Tum, bà con từ các vùng miền cùng thi đua làm kinh tế, thúc đẩy chuyên canh nông nghiệp, công nghiệp. Một năm mới lại đến, ai nấy đều cố gắng sản xuất thật giỏi, góp phần đưa kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Và đó cũng là yếu tố để góp phần đưa Kon Tum ngày càng phát triển về kinh tế, đa sắc màu văn hóa.

Hoài Tiến 

 

Chuyên mục khác