23/04/2018 13:00
Thưa ông, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương về triển khai thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ, công tác trên như thế nào?
Năm 2015, thực hiện Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, ngành Nội vụ tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Quyết định phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của sở, ngành giai đoạn 2015-2021 theo Kế hoạch số 1524/KH-UBND ngày 17/7/2015.
Theo đề án trên, kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế 1.085 người, đến nay tổng số biên chế đã cắt giảm được do thực hiện tinh giản và nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc là 465 (đạt 42,86% chỉ tiêu đề án đề ra).
Vậy, quá trình thực hiện tinh giản biên chế ở các sở, ngành tỉnh và địa phương tự chủ động tiến hành, hay thể theo nguyện vọng của người lao động?
Thực tế phần lớn các sở, ngành, địa phương vẫn chưa làm mạnh việc tinh giản biên chế, dù có rà soát báo cáo về triển khai công tác này theo lộ trình dài đến năm 2021. Do đó, hàng năm, đơn vị phải thường xuyên tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách tinh giản biên chế đến cán bộ quản lý, công chức, viên chức, người lao động; đồng thời, yêu cầu các sở, ngành trong tỉnh nghiêm túc thực hiện việc rà soát, bổ sung đối tượng tinh giản biên chế thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị để đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 theo các quyết định đã phê duyệt, cũng như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Mặt khác, quá trình thực hiện tinh giản biên chế ở các cơ quan nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và đúng theo các quy định hiện hành. Chẳng hạn như, cá nhân được đơn vị quản lý đưa vào diện tinh giản biên chế cần dựa trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại tổ chức và thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức của cơ quan phải có các yếu tố do dôi dư, hay không đáp ứng được yêu cầu công việc, hoặc không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác phù hợp...
Tuy nhiên, thực tế cán bộ, công chức có mức đánh giá, phân loại hằng năm không hoàn thành nhiệm vụ là rất hạn chế, hầu như không có. Mặt khác, một số trường hợp có nguyện vọng xin nghỉ hưởng chế độ nhưng không đảm bảo các điều kiện theo quy định nên cũng rất khó trong quá trình giải quyết chính sách.
Qua công tác theo dõi, đánh giá về tinh giản biên chế, ngành có phát hiện các sai sót ở cơ sở không, thưa ông?
Tôi khẳng định, hàng quý, các phòng chức năng của Sở Nội vụ có báo cáo đúng định kỳ về tiến độ công tác lập hồ sơ, thẩm định đối tượng chặt chẽ đi từ cơ sở, đảm bảo thực hiện tinh giản biên chế đúng đối tượng và đúng trình tự theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh không có tình trạng đơn thư khiếu nại về việc thực hiện chế độ, chính sách tinh giản biên chế.
Tổng hợp của ngành Nội vụ tỉnh, phần nhiều đối tượng đã tinh giản biên chế tập trung các đơn vị sự nghiệp như: ngành Y tế giảm 148 người, ngành Giáo dục và Đào tạo giảm 79 người; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 28 người.
Theo ông, công tác tinh giản biên chế đã có con số đánh giá kết quả cụ thể, nhưng về mục tiêu lớn đề ra của đề án là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện như thế nào?
Có thể khẳng định, từ năm 2016 đến nay, thông qua công tác tinh giản biên chế được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác thực thi nhiệm vụ được giao, cũng như tự giác đăng ký, thi đua qua các phong trào phát động thi đua cho sự phát triển chung của tỉnh. Đồng thời, sở ngành, địa phương đã đưa ra khỏi đơn vị những trường hợp không đáp ứng yêu cầu công việc, hoặc không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác.
Song hiện tại, Sở Nội vụ vẫn có những cái khó trong quá trình thực hiện, do đó đơn vị đang phối hợp các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh hướng tháo gỡ. Như, từ năm 2012 đến nay, biên chế của tỉnh không được trung ương bổ sung, địa phương không còn nguồn biên chế để kịp thời bổ sung cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu cấp thiết do thành lập mới tổ chức hoặc phát sinh thêm nhiệm vụ.
Điển hình huyện Ia H’Drai mới thành lập thời gian gần đây. Một thực tế khác là, một số cơ quan còn chưa đủ biên chế tăng thêm đáp ứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, như ngành Y tế biên chế giao theo số giường bệnh; ngành Giáo dục và Đào tạo biên chế giao theo số lớp, số học sinh; ngành Kiểm lâm biên chế giao theo diện tích rừng được cấp có thẩm quyền giao quản lý. Trong khi theo tinh thần chỉ đạo chung đến năm 2021, các đơn vị này vẫn phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định hiện tại...
Vậy đâu sẽ là giải pháp tích cực để tham mưu tỉnh tháo gỡ khó khăn và định hướng thực hiện đến năm 2021?
Đơn vị tiếp tục phối hợp các địa phương, sở, ngành tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách tinh giản biên chế đến đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, người lao động hiểu, tham gia ủng hộ, thực hiện chính sách theo quy định của nhà nước. Riêng ngành Nội vụ tỉnh tiếp tục cùng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh rà soát, bổ sung đối tượng tinh giản biên chế thuộc thẩm quyền quản lý để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt điều chỉnh đề án theo định kỳ hàng năm, đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và Nghị định 108/2014/NĐ-CP, mục tiêu tinh giản biên chế của tỉnh vẫn quyết tâm đảm bảo đến năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế được giao năm 2015 (tương đương 1.746 biên chế). Đồng thời, phải nhấn mạnh việc yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm về việc thực hiện tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị mình (gắn kết quả thực hiện tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị với việc đánh giá, phân loại hàng năm của thủ trưởng đơn vị).
Ngoài ra, hiện nay, Bộ Nội vụ đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, trong đó mở rộng đối tượng thực hiện tinh giản biên chế (những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố) và cho phép địa phương tạm ứng kinh phí từ nguồn ngân sách thường xuyên hàng năm để thực hiện chi trả các chế độ, chính sách cho đối tượng thực hiện chính sách. Sau đó, trình Bộ Tài chính kiểm tra theo quy định.
Xin cảm ơn ông!
Mai Trâm (thực hiện)