Tình đoàn kết

18/11/2022 06:07

Đi dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở thôn, tôi nghĩ nhiều về ý nghĩa của Ngày hội. Đó là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc- hẳn rồi, nhưng chưa đủ.

1. Hôm ấy, tôi hòa vào dòng người đổ về nhà văn hóa thôn dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, háo hức và vui vẻ. Tôi biết, hôm nay không chỉ có ở thôn tôi, nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức Ngày hội.

Hôm ấy, trong dòng người đang hướng về nơi tổ chức Ngày hội, sắc màu thổ cẩm của những chàng trai, cô gái Ba Na, Xơ Đăng; tà áo dài thướt tha của các bà, các mẹ người Kinh hòa lẫn với nhau.

Trong dòng người, tôi gặp một bà mẹ theo đạo Thiên chúa, một cụ bà mặc áo nâu, tay mân mê chuỗi tràng hạt cùng nhau đi trên đường. Họ vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ về việc nhà việc cửa, về nuôi dạy con cháu.

Đó chẳng phải là hình ảnh đẹp nhất của tình đoàn kết hay sao!

Hai năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên thôn tôi không thể tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc theo nghi thức bài bản, nhưng tôi tin, không vì thế mà tình đoàn kết giảm bớt.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, không chỉ là để tổ chức các hoạt động ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà còn là  ngày quần tụ của các dân tộc anh em, để chúng ta khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lúc này, bất cứ ai cũng đều là anh em, đoàn kết dưới “mái nhà chung”, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương ngày giàu đẹp.

Tôi càng tin rằng, trải qua 29 năm, kể từ lần đầu tiên tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân theo Nghị quyết 04/NQ/ĐCT-MTTW ngày 1/8/200 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, Ngày hội luôn khơi dậy cảm xúc, gắn kết tình đồng bào, nhân lên tình đoàn kết trong mỗi người.

Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã về tận thôn, làng dự Ngày hội, hòa vòng xoang, ngồi cùng bàn uống ly nước chè đặc sánh với bà con cho thấy sự quan tâm, mong muốn của Đảng và Nhà nước trong việc củng cố tinh thần đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ngày càng bền chặt.

Sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện tại các Ngày hội là sự động viên, khích lệ lớn lao, để nhân dân thêm phấn khởi, thêm động lực phấn đấu; sợi dây đoàn kết và thống nhất càng bền chặt. Từ đó, mỗi người, bằng hành động cụ thể, vươn lên trong đời sống, sản xuất, lao động và học tập.

Đoàn kết gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: H.L

 

2. Có thể nói, trong những ngày này, một trong những hoạt động có ý nghĩa, được sự quan tâm của đông đảo nhân dân chính là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đang được tổ chức ở các thôn làng, khu dân cư.

Vậy ý nghĩa của Ngày hội là gì? Dự Ngày hội ở thôn mà tôi cứ nghĩ nhiều về điều này.

Đó là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc- hẳn rồi. Nhưng từng đó là chưa đủ.

Tất nhiên là tôi có thể diễn giải thêm rằng, đây là hoạt động nhằm tiếp tục khẳng định và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Rằng đây cũng là dịp để nhìn lại những kết quả đạt được trong năm qua; tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới; chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, tìm rõ nguyên nhân để từ đó rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ trong năm tới.

Nhưng tôi e như thế sẽ quá dài đối với yêu cầu của độc giả. Nên tôi chọn phương án ngắn gọn nhất. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Không chỉ vậy, Ngày hội còn tạo nên biểu tượng vững bền của tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Cũng có những ý kiến phàn nàn rằng, việc tổ chức Ngày hội ở các khu dân cư cứ na ná như nhau, với phần lễ thì đơn điệu và hình thức; phần hội thiếu sự  sôi nổi, thân mật, đoàn kết.

Đó chỉ là những phàn nàn mang tính quy chụp, thể hiện ý kiến chủ quan và tiêu cực về vai trò, vị trí, ý nghĩa của Ngày hội trong đời sống ở khu dân cư.

Thực tế cũng không tránh khỏi tình trạng ấy, nhưng hãy đến mỗi thôn, làng, khu dân cư, chứng kiến sự hồ hởi chờ đợi, sự náo nức chuẩn bị của bà con cho Ngày hội sẽ thấy rõ ràng, Ngày hội đã thành hoạt động không thể thiếu, là sự kiện được chờ đợi trong năm.

Ở đó, tinh thần đoàn kết được tôn vinh. Không phân biệt già trẻ, trai gái, dân tộc, tôn giáo, ai cũng như ai, đều đã nỗ lực vươn lên, có đóng góp cho xã hội.

Ở đó, mọi người nắm chặt tay nhau, tượng trưng cho tình đoàn kết một lòng.

Hơn thế, Ngày hội còn củng cố niềm tin, tạo động lực cho mỗi người tiếp tục nỗ lực, tiếp tục cống hiến, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn.

Tình đoàn kết là tồn tại vĩnh hằng. Cùng nhau, chúng ta tiếp tục giữ gìn và phát huy thành quả của cha ông bền vững cho muôn đời sau.

Cùng nhau, chúng ta nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, đóng góp xây dựng quê hương Kon Tum.

Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua bất cứ khó khăn nào, chiến thắng bất cứ kẻ thù nào.

Vậy nên, tôi cho rằng, ý nghĩa cốt lõi của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc chính là hình thành biểu tượng của tình đoàn kết và lan tỏa lòng yêu nước giữa các dân tộc anh em.     

Hồng Lam

Chuyên mục khác